Mô hình kinh tế Nuôi cá lồng bằng hàng phế phẩm ở chợ

Nuôi cá lồng bằng hàng phế phẩm ở chợ

Ngày đăng 06/04/2015

Nuôi cá lồng bằng hàng phế phẩm ở chợ

Ở gần tuổi 35, còn độc thân nhưng anh Trương Văn Trung, luôn được người dân thôn La Ỷ nể phục và gán cho cái danh “thanh niên ham việc”. Lý do vì Trung siêng làm, chăm việc, không ngại khó, ngại khổ.

Trước năm 2000, trong lúc làm nghề thu gom thuê hàng phế phẩm ở các chợ Đông Ba, Bãi Dâu, Bến Ngự, An Cựu... thấy rau củ quả hư thối mang đến các bãi rác. Tiếc rẻ, anh Trung đã suy nghĩ làm sao để chúng sinh lợi. Ban đầu, anh mang về các vùng quê bán cho nông dân làm phân bón; có bận giao cho các gia đình nuôi gia cầm và cá lồng trên các sông quê.

Hướng đó, mỗi tháng cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng nhưng mất nhiều thời gian. Sau cơn “đại hồng thủy” năm 1999, Trung nghĩ ra kế nuôi cá lồng bên nhánh sông Hương đoạn qua địa bàn quê nhà - thôn La Ỷ, Phú Thượng bằng 100% đồ rau củ quả phế thải thu nhặt từ các chợ. Ban đầu anh nuôi 1 lồng, với cá giống như lóc, trê, rô phi.... Một thời gian thấy cá lớn, bán được tiền, anh lại nhân số lồng lên gấp đôi, gấp ba.

Trên chiếc xuồng chở thức ăn đến các lồng cá, anh Trung cho biết: “Sau mùa lũ, mình triển khai nuôi. Mỗi lồng thả khoảng 200 con cá giống chép, mè, rô phi và lóc. Do giống cá mè, chép, lóc dễ nuôi, cùng với nguồn thức ăn rau quả nên cá ít bệnh, chóng lớn. Bình quân mỗi lứa nuôi từ 3 - 4 tháng giá cá bán tùy thời điểm nhưng mỗi lồng thu 8 - 10 triệu đồng.

Hay tin anh Trung nuôi cá tận dụng nguồn rau quả thải ra từ các chợ, nhiều gia đình trong khu vực làm theo. Sau thời gian ngắn, những lồng cá trên đoạn sông qua thôn La Ỷ được nhân lên, trở thành phong trào nuôi cá lồng ở địa phương. Hiện tại khu vực này có hơn 10 hộ tham gia, nuôi hơn 35 lồng cá bằng nguồn thức ăn chính là thu gom đồ phế phẩm ở các chợ trên địa bàn TP Huế.

“Ngoài chiếc lồng, mỗi vụ chỉ bỏ vài trăm nghìn mua con giống. Quan trọng là chủ nuôi hàng ngày phải cất công đến các chợ thu gom đồ phế phẩm làm nguồn thức ăn cho cá. Đây là điều hấp dẫn đối với người chưa có công việc ổn định”, anh Trung nói.

Ông Phạm Quang Anh Khôi, Trưởng Phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản - Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho rằng, việc nuôi cá sử dụng thức ăn thực vật sẽ hạn chế được ô nhiễm hơn so với thức ăn đạm. Ngành chức năng rất khuyến khích người dân trong việc nuôi cá lồng nếu nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương, vì hiệu quả từ mô hình này cao hơn so với trồng lúa, cây hoa màu khác.

Tuy nhiên, người dân cần chọn nuôi các đối tượng như cá mè, trắm, rô phi để thích hợp sử dụng thức ăn xanh và thức ăn công nghiệp; tránh nuôi các đối tượng phải sử dụng thức ăn động vật, thịt phế phẩm dễ gây ô nhiễm nguồn nước.

Mô hình nuôi cá lồng theo cách tận dụng nguồn thức ăn xanh phế thải từ các chợ ở thôn La Ỷ, Phú Thượng là hướng đi có hiệu quả, giải quyết được lao động nhàn rỗi và những đối tượng chưa có việc làm ổn định.

Thế nhưng, theo ý kiến của ông Anh Khôi, việc nuôi cá lồng nước ngọt tại một số đoạn trên sông Hương không thể phát triển quy mô, ồ ạt, nhằm đảm bảo dòng chảy, tránh làm mất mỹ quan sông Hương. Để phát triển bền vững, chính quyền địa phương cũng cần có quy hoạch hợp lý tránh làm ảnh hưởng đến dòng sông và ô nhiễm nguồn nước.


Cà Mau sản xuất thành công tôm giống hạn chế nhiễm bệnh MBV Cà Mau sản xuất thành công tôm giống… Tình hình khai thác nuôi trồng thủy sản tại Khánh Hòa quý 1-2015 Tình hình khai thác nuôi trồng thủy sản…