Nuôi Cá Lồng Bè Công Nghiệp Cần Một Định Hướng Đúng
Với lợi thế về diện tích mặt nước rộng, những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở Đắk Lắk đã có những bước phát triển khá mạnh theo hướng công nghiệp. Điều này đã tạo ra hướng phát triển mới cho ngành thủy sản của tỉnh. Tuy nhiên nhiều hệ lụy sẽ phát sinh nếu phát triển ồ ạt….
Phát triển ban đầu
Nhận thấy hình thức nuôi cá nước ngọt đang diễn ra trên các hồ chứa thủy lợi của tỉnh lâu nay phổ biến là thả nuôi tự nhiên, quảng canh hay thâm canh đều rất khó quản lý và không đem lại hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây trên địa bàn Dak Lak đang có xu hướng phát triển mạnh loại hình nuôi cá lồng bè công nghiệp.
Một trong những người đi tiên phong là anh Nguyễn Minh Tuấn (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Dak Nông) đã tự mày mò, đi tìm hiểu kinh nghiệm nuôi cá lồng bè ở Đồng Nai về áp dụng thử tại hồ chứa Ea Kao (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). Với 30 lồng làm bằng khung sắt và lưới sợi tổng hợp có kích thước 6 x 6 x 2 m, anh Tuấn nuôi các giống cá rô phi và diêu hồng, đồng thời áp dụng kỹ thuật nuôi giun quế để tạo nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho cá.
Anh Tuấn cho biết, nuôi cá nước ngọt trong lồng bè so với nuôi trong ao có nhiều ưu điểm hơn, ít bị thiệt hại do lũ lụt và có thể nuôi thâm canh, dễ chăm sóc, quản lý; thêm nữa, kỹ thuật chăm sóc không khó, cá phát triển nhanh, đồng đều, năng suất cao, thuận tiện cho khâu thu hoạch và tiêu thụ. Hiện tại anh đã chuyển toàn bộ lồng cá về đập Giò Gà (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) để thuận tiện cho phát triển cá lăng đuôi đỏ.
Cũng manh nha với mô hình này, các Chi hội nghề cá Buôn Triết (huyện Lak) và Krông Buk Hạ (huyện Krông Pak) đã được Dự án hỗ trợ ngành thủy sản giai đoạn II (FSPSII) hỗ trợ lắp đặt 2 lồng lớn theo công nghệ nuôi cá lồng của Na Uy.
Sau thời gian thử nghiệm thành công, hiện Chi hội nghề cá Krông Buk Hạ đã thả 10.000 cá giống lóc bông và Chi hội nghề cá Buôn Triết thả 3.100 con giống rô phi, chép, trắm, mè, trôi. Hiện nay, các lồng cá phát triển tốt, không có hiện tượng dịch bệnh xảy ra.
Theo ông Trương Văn Doan, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Buôn Triết, hình thức nuôi cá lồng không tốn nhiều công sức mà giá trị kinh tế đem lại cao và lâu dài. Sau 2 năm cho thấy, cá phát triển đều và nhanh, nếu như không có rủi ro, bệnh tật thì hiệu quả cao hơn so với đánh bắt.
Cần sớm có quy hoạch
Theo Chi cục Thủy sản, nghề nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục phát triển, đến tháng 9-2014, đã có 420 lồng, tăng 37 lồng so với tháng 8-2014, do Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam – Dak Lak lắp thêm lồng và một số hộ dân lắp thêm lồng nuôi cá trên sông Krông Ana …
Đến nay, một số lồng nuôi ở Krông Ana, Krông Bông, TP. Buôn Ma Thuột đã thu hoạch, tổng sản lượng 406 tấn cá thương phẩm. Có thể thấy, mô hình này bước đầu đã mở ra cơ hội mới cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước của trên 500 hồ chứa lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, hiện mô hình nuôi cá lồng bè mới do một số cá nhân, đơn vị đứng ra phát triển tự phát, chưa theo một hướng quy hoạch nào. Việc nông dân thấy hay là làm rất dễ dẫn đến tình trạng phát triển ồ ạt theo phong trào, gây ô nhiễm nguồn nước, vừa ảnh hưởng đến môi trường vừa làm cho năng suất, chất lượng của đàn cá giảm do dễ bị nhiều bệnh tấn công như ở các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Kiên Giang…
Theo Chi cục Thủy sản, việc nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa mới ở giai đoạn đầu nên chưa thể đánh giá hiệu quả lâu dài vì ngoài khu vực sông thì các hồ chứa nước chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nên hay bị cạn vào những tháng đỉnh điểm của mùa khô (tháng 3 - 4).
Thêm vào đó, việc phát triển lồng, bè cá trên hồ chứa không có dòng chảy thì tốc độ ô nhiễm nguồn nước sẽ nhanh hơn do lượng thức ăn dư thừa và chất thải từ đàn cá đọng lại. Mặt khác, hiện nay đầu ra cho sản phẩm cá nước ngọt cũng đang rất bấp bênh, giá thức ăn tăng cao, địa phương lại chưa có nhà máy chế biến, dự trữ, sản phẩm cá chỉ bán tươi ở các chợ trên địa bàn…nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển ổn định và lâu dài của ngành nghề này.
Thiết nghĩ, để việc phát triển nuôi cá lồng, bè theo hướng bền vững, ngay từ bây giờ, chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng cần có những khảo sát, nghiên cứu để đưa ra định hướng, quy hoạch cụ thể hoặc các giải pháp, chính sách phù hợp để người nuôi trồng thủy sản không phải “tự bơi” tìm hướng đi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ