Nuôi cá lồng năng suất cao hơn gần 20 lần so với nuôi ao hồ
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình vừa tổ chức hội thảo “Đánh giá hiệu quả và khả năng nhân rộng dự án nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Nuôi cá lồng ở Hòa Bình.
Phát biểu tại hội thảo, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nghề nuôi cá lồng bè mang lại hiệu quả rất rõ là dễ nuôi, dễ chăm sóc, dễ thu hoạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, năng suất cao hơn gần 20 lần so với nuôi ao hồ.
Nghề nuôi cá lồng bè trên các hồ chứa tại các tỉnh miền núi phía Bắc bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ 20. Do trình độ kỹ thuật còn hạn chế, các hộ chủ yếu sử dụng các vật liệu sẵn có như tre, gỗ làm lồng và đối tượng nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, chép... Từ năm 2013 đến nay khi các chương trình, dự án triển khai, mô hình nuôi cá lồng hồ chứa đã đem lại hiệu quả rất cao nên diện tích lồng bè tại tăng liên tục.
“Đến nay, số lượng lồng nuôi tại các tỉnh đã tăng lên rất nhanh, cụ thể: Năm 2013 là 3.079 lồng đến hết năm 2017 đã tăng lên 18.761 lồng, trung bình mỗi lồng có thể tích từ 50 - 120m3. Các mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa đã tạo ra sản phẩm thủy sản sạch, an toàn phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Tiêu chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình, ông Nguyễn Hồng Tuấn cho hay, năm 2017, cả tỉnh có 4.050 lồng, trong đó hầu hết là lồng nuôi bằng khung sắt, phao phuy, lưới dù có độ bền và tuổi thọ cao. Người nuôi cá lồng không chỉ là những hộ dân địa phương ven hồ mà có nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh đầu tư nuôi.
Theo ông Tuấn, nghề nuôi cá lồng bè có một số thuật lợi như luôn được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như các cấp chính quyền địa phương. Tỉnh có chính sách khuyến khích, hỗ trợ kịp thời... Bên cạnh đó, nghề nuôi cá lồng bècũng gặp một số khó khăn như chưa hình thành được chuỗi liên kết, chuỗi giá trị sản phẩm, trong khi đó thị trường thiêu thụ còn ít, chưa đẩy mạnh quảng bá thương hiệu.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Đình Thường (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) bộc bạch, trước đây nhà ông nuôi 32 lồng cá với các loài cá trắm cỏ, chép, rô phi và một số lồng nuôi cá bỗng nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
“Sau khi thực hiện mô hình đến nay, gia đình tôi đã thành lập Cty TNHH Thường Mai và làm thêm 22 lồng, nâng tổng số lồng nuôi lên 54 lồng, trong đó chủ yếu là nuôi các loại đặc sản như cá lăng chấm, lăng đen, lăng nha…”, ông Thường cho hay.
Chất lượng môi trường nước nuôi cá lồng bè ngày càng suy giảm do việc xả thải của các nhà máy công nghiệp và nước thải sinh hoạt của người dân, bên cạnh đó sử dụng thuốc diệt cỏ trong nông nghiệp cũng góp phần ảnh hưởng xấu tới chất lượng môi trường nước.
Kinh phí đầu tư cho nuôi cá lồng bè lớn hơn nuôi cá ao nên để đầu tư, phát triển nuôi người dân cần rất nhiều vốn, nhất là đầu tư nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Giá thức ăn cho cá và các vật tư phục vụ cho nuôi cá còn cao...
Việc khai thác bằng các phương pháp hủy diệt, không bền vững như kích điện, đánh bắt trong mùa cá sinh sản khiến nguồn lợi thủy sản tự nhiên suy giảm.. Trong mùa mưa lũ việc xả lũ ở các nhà máy thủy điện cũng gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa.
Ông Tuấn kiến nghị cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh thương hiệu cá sông Đà tới thị trường trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ thúc đẩy thành lập nhiều hơn các mô hình SX theo chuỗi giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra... Tăng cường hoạt động quản lý trong việc xả thải môi trường của các nhà máy, khu công nghiệp ra môi trường. Đồng thời nghiêm cấm và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi đánh bắt cá mang tính hủy diệt…
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, đến nay kỹ thuật nuôi cá lồng đã phát triển lên môt trình độ mới kể cả lượng và chất, phát triển trên quy mô toàn thế giới. Tại Việt Nam, nghề nuôi cá lồng bè trên hồ chứa đã phát triển rộng rãi từ miền Bắc tới miền Nam. Công nghệ vật liệu làm lồng cũng đa dạng như lồng truyền thống vốn đầu tư thấp làm bằng nguyên liệu sẵn có tại các địa phương như tre, nứa, gỗ; hiện đại hơn là lồng có khung sắt hoặc lồng bằng vật liệu tổng hợp độ bền cao gắn lưới do vậy kích cỡ lồng cũng được nâng lên rất nhiều từ 10 - 30m3 trước đây, nay lồng có thể tích 500 - 1.600m3. Đối tượng nuôi cũng rất phong phú.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ