Mô hình kinh tế Nuôi cá lồng trên hồ Khe Lời
Mô hình kinh tế Nuôi cá lồng trên hồ Khe Lời

Nuôi cá lồng trên hồ Khe Lời

Ngày đăng 12/09/2015

Nuôi cá lồng trên hồ Khe Lời

Nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi Khe Lời mang thu nhập cao cho người dân

Anh Nguyễn Văn Bình (36 tuổi, trú tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), một hộ nuôi cho biết: “Ban đầu mình chuyên tham gia cung ứng các giống cá nước ngọt cho các hộ dân.

Nhận thấy hồ Khe Lời với mực nước sâu, trong sạch, có thể đầu tư nuôi cá lồng công nghiệp quy mô lớn, năm 2013, mình thuê lại mặt nước hồ Khe Lời từ Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, đầu tư nuôi 54 lồng cá. Qua mấy vụ cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao”.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi, anh Bình cho hay, do lòng hồ thủy lợi sâu nên phải đầu tư lồng nuôi bằng kim loại mới đảm bảo độ bền và an toàn được. Mặt lưới lồng sâu từ 4 - 4,5m, chi phí đầu tư từ 10 - 12 triệu đồng/lồng nuôi.

Với diện tích 36m2/lồng, anh thả nuôi khoảng 5 nghìn con giống các đối tượng cá diêu hồng, ba sa, rô đầu vuông… tỷ lệ hao hụt khoảng 1.000 con. Sau 4 tháng nuôi cho thu hoạch chừng 2 tấn cá, bán được 80 triệu đồng, trừ chi phí anh lãi từ 7 - 10 triệu đồng/lồng.

Theo anh Bình, các bệnh thường nhiễm đối với các loại cá khi nuôi trong lòng hồ nước ngọt như trắng mang, lồi mắt, trùng bánh xe… đều được “khống chế”, do hộ nuôi biết áp dụng tốt biện pháp phòng trừ dịch bệnh kịp thời.

Nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi đang có xu hướng phát triển vì các hộ nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp, biết áp dụng công nghệ nuôi mới, thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp trong quá trình nuôi nên cá lớn nhanh, dễ thu hoạch, giá bán cao, tạo được sản lượng hàng hóa tập trung. Cá thương phẩm thương xuất bán qua thương lái đến với hầu hết các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh.

Anh Bình nhẩm tính: “Nuôi trên hồ thủy lợi có thuận lợi một năm nuôi được 3 vụ, kể cả trong mùa mưa lũ. Mực nước trong lòng hồ, cùng các chỉ số sinh hóa khá ổn định nên cá ít dịch bệnh. Mỗi năm với 54 lồng cá và số có thả bên giữa lòng hồ mình thu nhập 2 tỷ đồng. Với chi phí tiền thức ăn 70 triệu đồng/lồng/vụ, với giá bán hiện nay thì một năm trừ các chi phí, mình lãi ròng khoảng trên 300 triệu đồng.”

Ngoài nuôi cá lồng, anh Bình còn tận dụng mặt nước hồ sâu để thả các loại cá trôi, trắm, chép, rô phi nuôi hoàn toàn bằng tự nhiên vừa có thu hoạch vừa góp phần làm sạch nguồn nước trong hồ giúp cá nuôi trong lồng ít dịch bệnh.

Anh Nguyễn Hán, một công nhân ở đây cho biết, các đối tượng nuôi tự nhiên ngoài hồ thịt thơm ngon, bình quân 1 đến 2 tháng có thể đánh tỉa, bán được chừng 10 - 15 triệu đồng cá thương phẩm. Cá nuôi gối vụ nên xuất bán liên tục, có khi phải bắt hơn tấn cá một đêm để đủ cung cấp cho thương lái lên thu mua.

Ngoài thành công nuôi cá nước ngọt trên hồ thủy lợi, anh Bình còn thành lập doanh nghiệp tư nhân Hà Khánh Bình (trụ sở tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), chuyên cung cấp cá giống các loại không chỉ ở trong tỉnh, mà còn vươn xa ra ngoài Quảng Trị, Quảng Bình.

Hiện, cơ sở cung ứng các loại giống của anh Bình có mặt ở hai điểm thị trấn Phú Bài và xã Thủy Vân (thị xã Hương Thủy) với quy mô trên 7 ha, xuất 5 triệu cá giống/năm ra thị trường, lãi trên 60 triệu đồng.

“Anh Nguyễn Văn Bình là một hội viên tích cực của Hội Nông dân xã. Với việc đi đầu trong mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy lợi, hộ anh Bình đã góp phần giải quyết lao động ở địa phương, là mô hình nuôi tiêu biểu tại địa phương đáng để các hộ dân học hỏi kinh nghiệm”, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Bổn, đánh giá.


Hiệu quả từ mô hình nuôi cá trắm đen Hiệu quả từ mô hình nuôi cá trắm… Gia hạn thời gian cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2014-2015 Gia hạn thời gian cho vay mua tạm…