Nuôi Cá Tầm Trên Hồ Thủy Điện Sơn La
Hồ thủy điện Sơn La có nhiều tiềm năng và điều kiện khí hậu phù hợp để nuôi cá tầm, mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản, gắn với công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu và góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân TĐC thủy điện Sơn La.
Đầu xuân Giáp Ngọ, tôi có dịp trở lại cơ sở nuôi cá tầm nằm ngay phía trên đập thủy điện Sơn La của Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam - Sơn La, thuộc Tập đoàn cá tầm Việt Nam. Thời điểm này, Nhà máy thủy điện Sơn La đang tích nước ở cao trình 218 m, hồ nước rộng mênh mang, trong xanh, gợn sóng.
Đón khách trong nhà nổi gắn liền với khu lồng nuôi cá, ông Nguyễn Văn Dương, phụ trách sản xuất của Công ty nói: Năm mới được nhà báo xông nhà, chắc Công ty sản xuất gặp nhiều thuận lợi.
Sau chén rượu chúc mừng năm mới, ông Dương dẫn tôi ra khu lồng nuôi, trong cái se lạnh của vùng hồ, nhìn những con cá tầm màu nâu xám to bằng bắp chân, ông bảo: Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và Công ty thủy điện Sơn La, doanh nghiệp đã xây dựng được khu lồng nuôi đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật. Ban đầu Công ty thả mấy loại giống, nhưng đến nay chỉ có giống cá tầm Nga là thích nghi nhất với điều kiện khí hậu, nguồn nước ở đây.
Trong khu lồng nuôi hiện đang thả 700 con cá thịt, trọng lượng từ 4 đến 6 kg và 600 con cá bố mẹ trọng lượng từ 10 đến 12 kg/con. Cá tầm là giống cá xứ lạnh, nhiệt độ nước thích hợp nhất từ 16-25 độ C, hồ thủy điện Sơn La, ở độ sâu 5-4m nhiệt độ nước cao nhất vào mùa hè cũng không quá 28 độ C, do đó bảo đảm cho cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt, trung bình hằng tháng mỗi con đều tăng từ 15-20% trọng lượng. Nguồn cá giống hiện nay, Công ty đang nhập từ trại giống ở hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt).
Với quan điểm và chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh xây dựng mô hình nuôi cá tầm theo hướng công nghiệp, tạo vùng nguyên liệu, tiến tới sẽ mở rộng quy mô bằng việc phối hợp với chính quyền địa phương, xây dựng mối liên kết với các hộ nông dân có nhu cầu để chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp giống cho bà con, khi có sản phẩm, Công ty thu mua và chế biến.
Đồng thời, cam kết thực hiện đúng quy trình nuôi, chế biến bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Dương tâm sự: Làm nghề nuôi trồng thủy sản này cũng vất vả lắm, đặc biệt là đối với loài cá tầm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao, phải cho cá ăn đúng giờ, hằng ngày đo nhiệt độ nước, độ trong, độ pH, hằng tháng phải cân tính tăng trọng và lọc cá theo trọng lượng để thả vào cùng lồng nuôi. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng qua hơn một năm nuôi thử nghiệm cho thấy việc nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La rất có triển vọng, có thể nuôi được trên 5% diện tích mặt nước.
Hiện nay, Công ty đang triển khai xây dựng khu vực trại giống ở hạ lưu đập thủy điện Sơn La để từng bước chủ động nguồn con giống tại chỗ. Trong chiến lược phát triển, Công ty sẽ gắn việc xây các mô hình nuôi cá tầm với phát triển du lịch lòng hồ, phục vụ khách tham quan, du lịch, là điểm để chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm cho nhân dân vùng lòng hồ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ