Mô hình kinh tế Nuôi cá tầm trên núi

Nuôi cá tầm trên núi

Ngày đăng 12/05/2015

Nuôi cá tầm trên núi

Trại cá tầm của ông Lâm ở dưới chân thác Ba Tầng. Đây là điểm tiếp giáp giữa địa giới hành chính của tổ dân phố 13, thị trấn Mađaguôi (huyện Đạ Huoai) với xã Đa Kai (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận).

Là một vùng có khí hậu nắng nóng, nên ban đầu chúng tôi cứ ngỡ loài cá nước lạnh này được ông Lâm nuôi trong một môi trường đặc biệt. Nhưng, điều bất ngờ là ngay trên rẫy trồng điều của mình, ông Lâm đã xây dựng một Trại nuôi cá tầm khá đồ sộ với 10 bể nuôi cá nằm sát nhau.

Ngay tại các bể nuôi cá được xây bằng xi măng theo hình quả cầu có diện tích từ 50 - 300m2, chúng tôi được tận mắt chứng kiến hàng ngàn con cá tầm khỏe mạnh, phát triển tốt đang vùng vẫy bơi lội. Dẫn chúng tôi đi tham quan trại cá, ông Lâm cho biết: “Nước từ thác Ba Tầng chảy ra luôn trong mát bốn mùa, là điều kiện lý tưởng để tôi chọn nơi đây xây bể và đưa nước vào nuôi cá tầm.

Trước khi mua cá về nuôi, tôi đã tìm đến các trại nuôi cá tầm ở Đà Lạt và Lạc Dương để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật. Ngoài nguồn kinh phí xây bể, năm 2013, tôi đầu tư 600 triệu đồng để mua 1.000 con cá tầm giống về nuôi thử nghiệm. Tôi nuôi cá với mật độ 7 con/m3”.

Vì đây là lần đầu tiên nuôi cá tầm, nên ông Lâm rất lo lắng. Nhưng, nhờ nguồn nước trong mát được bơm vào thay ra liên tục và tuân thủ các quy trình kỹ thuật chăm sóc, nên đàn cá lớn nhanh. Sau 8 tháng, ông Lâm xuất bán lứa cá tầm đầu tiên đạt trọng lượng từ 2 - 2,5 kg/con. Với giá bán từ 170 - 200 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các chi phí thức ăn và công chăm sóc, lứa cá này mang về cho ông Lâm nguồn lợi nhuận gần 500 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Thành, người được ông Lâm thuê làm quản lý, rất phấn khởi khi nói về công việc chăm sóc cá: “Tôi cùng với 5 công nhân khác trông coi và chăm sóc cá đã được hơn 2 năm. Công việc hàng ngày của chúng tôi là thay phiên nhau điều tiết nước trong bể, cho cá ăn và vệ sinh bể mỗi ngày 3 lần”.

Với sự thành công từ việc nuôi thử nghiệm lứa cá đầu tiên, ông Lâm đã đầu tư để tăng đàn cá lên 3.000 con/lứa. Đến nay, ông Lâm nuôi thêm 4 lứa cá tầm và đã xuất bán được 3 lứa. Nhờ cá tầm được ông Lâm nuôi trong nguồn nước suối sạch, nên các thương lái ở TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp liên hệ và ký hợp đồng với ông để thu mua.

Song, trong quá trình nuôi cá tầm, ông Lâm cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Đó là bệnh đốm đỏ (hay còn gọi là bệnh ghẻ) thường xuất hiện ở đàn cá vào mùa mưa. Ông Lâm cho hay: “Không hiểu sao, về mùa nắng cá phát triển rất nhanh và không hề bị bệnh tật gì. Nhưng, cứ đến mùa mưa là đàn cá lại bị bệnh ghẻ tấn công khiến tôi mất ăn, mất ngủ.

Khi cá bị ghẻ, tôi phải cho cách ly để chữa trị nhằm tránh lây lan sang những con khác. Hiện, cách trị ghẻ cho cá tốt nhất mà tôi đang áp dụng là dùng muối hòa với nước với tỷ lệ 5% để “tắm” cho cá mỗi ngày”. Hiện ông Mai Thanh Lâm vẫn cố gắng để tìm hướng khắc phục nhằm duy trì và phát triển đàn cá ngày một nhiều hơn.


Cà Mau nuôi trồng thuỷ sản đang gặp nhiều khó khăn Cà Mau nuôi trồng thuỷ sản đang gặp… Nuôi trồng thuỷ sản chủ động phòng chống dịch bệnh Nuôi trồng thuỷ sản chủ động phòng chống…