Tin thủy sản Nuôi cá theo hướng VietGAP

Nuôi cá theo hướng VietGAP

Tác giả Nguyễn Tuấn, ngày đăng 21/04/2018

Nuôi cá theo hướng VietGAP

Với mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2017, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT) xây dựng và triển khai mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP tại xã Lạc Vệ (Tiên Du).

Mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP rộng 2,8 ha của gia đình bà Mai Thị Bích Việt ở thôn An Động, xã Lạc Vệ (Tiên Du). Ảnh: Nguyễn Tuấn

Tại ao nuôi cá theo hướng VietGAP của gia đình bà Mai Thị Bích Việt ở thôn An Động định kỳ 2 tuần một lần cá được bắt lên để cân đo, ghi chép cẩn thận các thông số. Đây là cơ sở để đánh giá mức độ phát triển của cá so với thời điểm trước đó nhằm định hướng khối lượng thức ăn cho phù hợp với từng giai đoạn, giảm thiểu tỷ lệ thất thoát, dư thừa thức ăn làm ảnh hưởng đến môi trường nước,  khả năng ăn mồi của cá nuôi; các yếu tố môi trường nước, pH, độ trong, nhiệt độ, các loại địch hại cũng được theo dõi và kiểm tra hàng ngày. Định kỳ 15 ngày ao sẽ được khử trùng bằng vôi bột nhằm duy trì màu nước, ổn định pH. 

Trao đổi với chúng tôi bà Việt chia sẻ: “Với 2,8 ha mặt nước nuôi thả cá theo phương pháp truyền thống, những năm trước đây, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 15 tấn cá/vụ, tương ứng 30 tấn/năm. Từ năm 2017, được Chi cục Thủy sản tỉnh lựa chọn tham gia mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP, cá lớn nhanh hơn hẳn, chỉ sau 6 tháng, đạt yêu cầu xuất bán với trọng lượng mỗi con khoảng 1 kg. Với 4 tấn cá chép và 3 tấn cá rô phi đơn tính giống, sau 1 vụ thả nuôi gia đình đã thu hoạch được hơn 20 tấn, tăng khoảng 5 tấn so với các vụ trước đây”.

Ông Trần Văn Sơn cũng là một trong những hộ tham gia mô hình cho biết thêm: “Nhà tôi nuôi cá từ nhiều năm nay, nhưng theo hình thức nuôi bán thâm canh, cá hay bị dịch bệnh. Khi tham gia mô hình, tôi thấy chi phí thức ăn giảm hẳn do cách chăm sóc hợp lý, cá ít bệnh, tăng trọng nhanh và cho hiệu quả cao hơn so với trước”. Cùng với gia đình bà Việt và ông Sơn, toàn tỉnh hiện có 11 mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP, trong đó 9 mô hình nuôi trong ao đất tại xã Lạc Vệ (Tiên Du) và 2 mô hình nuôi cá lồng trên sông tại xã Mão Điền (Thuận Thành).

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, do Bộ Nông nghiệp &PTNT ban hành. Được xây dựng trên các tiêu chí cơ bản là: đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc. Các hộ tham gia nuôi cá theo hướng VietGAP được tập huấn, tư vấn kỹ thuật, lấy mẫu kiểm tra, đánh giá, phân tích chất lượng nước và được Tổng cục Thủy sản cấp giấy chứng nhận. Mặc dù phải chi phí khoảng 7-10 triệu đồng/ha để xây dựng ao nuôi theo quy chuẩn, nhưng mật độ thả giống cao hơn so với nuôi bình thường từ 20-30%, chi phí thuốc men, phòng trừ dịch bệnh cũng giảm đáng kể. Hơn nữa, sản phẩm được xác nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên cá nuôi theo hướng VietGAP bảo đảm về chất lượng và giá cả. Năm 2018, Chi cục tập trung tăng hơn nữa số lượng các hộ tham gia nuôi cá theo hướng VietGAP.

Có thể khẳng định các mô hình “Nuôi cá theo hướng VietGAP” đã và đang mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện môi trường, thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi an toàn theo quy chuẩn cũng như bảo đảm tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, để nhân rộng và phát triển mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP còn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là hầu hết các diện tích nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng chuyên canh tập trung, việc đầu tư thâm canh của nông dân còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, thiếu nguồn cung con giống, công tác kiểm dịch chất lượng con giống còn nhiều lỗ hổng… cũng đang là những trở ngại trong việc phát triển thủy sản. Thời gian tới, để việc nuôi cá theo hướng VietGAP đạt hiệu quả cao hơn, Chi cục Thủy sản tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương hoàn thiện quy hoạch các vùng nuôi thâm canh tập trung, hướng đến phát triển sản xuất giống tại chỗ và đẩy mạnh công tác chuyển giao quy trình kỹ thuật đến nông dân.


Bảo quản cá ngừ sau khai thác Bảo quản cá ngừ sau khai thác Hiệu quả nuôi tôm liên kết ở Thái Bình Hiệu quả nuôi tôm liên kết ở Thái…