Tin thủy sản Nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại hiệu quả tích cực

Nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại hiệu quả tích cực

Tác giả Ngọc Đăng - Nguyễn Tuấn, ngày đăng 01/08/2018

Nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại hiệu quả tích cực

Từ 2017 đến nay, một số hộ dân trong tỉnh thực hiện nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua hơn 1 năm thực hiện, những mô hình này đưa lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu của xã hội,  cần được nhân rộng.

Trao đổi kinh nghiệm nuôi cá theo hướng VietGAP tại Lạc Vệ (Tiên Du). Ảnh: Nguyễn Tuấn

VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam được thực hiện trên cơ sở 4 nhóm tiêu chí: Đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; bảo đảm sức khỏe cho người lao động và phúc lợi xã hội; bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP cần thực hiện nhiều tiêu chí nghiêm ngặt về ao và kỹ thuật nuôi như: Con giống, các yếu tố môi trường nước, độ PH, nhiệt độ, phòng dịch bệnh… 

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thì với tính ưu việt của hình thức này, từ năm 2017, Chi cục Thủy sản xây dựng một số mô hình nuôi cá trong ao theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Lạc Vệ (Tiên Du) và nuôi cá trong lồng trên sông tại xã Mão Điền (Thuận Thành). Các HTX, hộ dân tham gia nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP được Chi cục tập huấn, tư vấn kỹ thuật, lấy mẫu kiểm tra, đánh giá, phân tích chất lượng nước và được Tổng cục Thủy sản cấp giấy chứng nhận bảo đảm tiêu chuẩn. Sau hơn một năm triển khai, bước đầu những mô hình này đưa lại những hiệu quả tích cực mở ra hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản, góp phần tích cực thực hiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”.

Bà Mai Thị Bích Việt thôn An Động, xã Lạc Vệ (Tiên Du) cho biết: “Sau khi được Chi cục Thủy sản tỉnh lựa chọn để nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP gia đình đã tham gia tập huấn về kỹ thuật, đầu tư vốn tu sửa ao nuôi chuẩn theo yêu cầu… Qua hơn một năm thực hiện thấy hiệu quả rõ rệt. Trước đây, theo phương pháp nuôi cá truyền thống với 2,8 ha mặt nước thu hoạch được khoảng 15 tấn/vụ, từ khi triển khai nuôi theo hướng VietGAP về năng suất tăng khoảng 5 tấn/vụ, giá cá bán cũng cao hơn. Bên cạnh đó do kiểm soát tốt các yếu tố liên quan nên cá luôn khỏe mạnh, ít dịch bệnh, giảm khá nhiều chi phí phụ”.

Mặc dù đưa lại hiệu quả tích cực cho người nuôi trồng thuỷ sản tuy nhiên phương pháp nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP chưa được nhiều hộ dân hưởng ứng. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của việc nuôi cá theo VietGAP còn hạn chế. Việc xây dựng, chuyển đổi ao nuôi từ truyền thống sang hướng VietGAP cũng cần nhiều kinh phí, không phải gia đình nào cũng có thể thực hiện. Các yếu tố như: nguồn cung con giống, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định… cũng ảnh hưởng đến việc phát triển mô hình này.

Thành công bước đầu của những mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP sẽ mở ra những triển vọng phát triển mới cho việc nuôi trồng thủy sản khi nhu cầu về thực phẩm sạch, rõ xuất xứ của xã hội ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, để phát triển các mô hình nuôi, trồng theo hướng VietGAP nói chung và nuôi cá nói riêng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật… của các cấp, ngành hữu quan. Đặc biệt, mỗi người dân cần thay đổi nhận thức trong sản xuất, chăn nuôi để tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, hiệu quả kinh tế cao.   


Hiệu quả từ nuôi tôm ứng dụng kỹ thuật cao Hiệu quả từ nuôi tôm ứng dụng kỹ… Nuôi cá dứa lãi cao Nuôi cá dứa lãi cao