Nuôi cua theo hướng VietGAP, cải thiện môi trường
Mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP đã và đang mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần cải thiện môi trường.
Để thích nghi, phát triển nông nghiệp trước biến đổi khí hậu, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững.
Xã Phú Tân, huyện Phú Tân (Cà Mau) hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 5.000ha, sản lượng nuôi trồng đạt 7.150 tấn/năm, phương thức nuôi dần thay đổi theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, ở các vùng nuôi vẫn còn xảy ra tình trạng lạm dụng kháng sinh và hóa chất độc hại ảnh hưởng tới môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trước thực tế đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau đã thực hiện dự án xây dựng vùng nguyên liệu cua theo hướng VietGAP với quy mô 30ha/15 hộ tại ấp Mỹ Bình, xã Phú Tân, huyện Phú Tân.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, vùng nguyên liệu nuôi cua theo hướng VietGAP nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương, hộ nuôi tập trung, với yêu cầu phải có quyền sử dụng đất, hồ sơ theo quy trình VietGAP.
Nông dân chia sẻ kinh nghiệm nuôi cua. Ảnh: Trọng Linh.
Vùng nuôi thực hiện dự án có hạ tầng đáp ứng theo yêu cầu, thuận lợi về giao thông, thủy lợi để đảm bảo triển khai tốt và thuận tiện tham quan, nhân rộng mô hình.
Để dự án thành công và đi vào chiều sâu, xã Phú Tân đã phân công viên chức triển khai, chọn những hộ có đủ điều kiện và năng lực thực hiện, chọn vùng triển khai có đầy đủ các điều kiện để phát triển trong những năm tiếp theo. Hộ dân tham gia phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, có đủ điều kiện đối ứng.
Sau hơn 7 tháng thực hiện thí điểm, mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP đã cho kết quả khả quan. Các hộ dân tham gia mô hình thí điểm đều đánh giá việc áp dụng VietGAP đã cải thiện rõ rệt năng suất cua nuôi so với trước kia.
Ông Võ Văn Phương, hộ tham gia mô hình tại xã Phú Tân cho biết sau vụ này, ông sẽ tiếp tục áp dụng nuôi cua theo tiêu chuẩn VietGAP cho các vụ tiếp theo, đồng thời vận động bà con tham gia và áp dụng kỹ thuật đã được chuyển giao.
Mô hình nuôi cua VietGAP đem lại lợi nhuận cao cho người dân so với cách nuôi truyền thống. Ảnh: Trọng Linh.
Ông Phương cho biết ao nuôi sử dụng vi sinh, định kỳ 2 tuần một lần cua được bắt lên để cân đo, ghi chép cẩn thận các thông số. Đây là cơ sở để đánh giá mức độ phát triển của cua so với thời điểm trước đó nhằm định hướng khối lượng cho phù hợp với từng giai đoạn. Các yếu tố môi trường nước như pH, độ trong, nhiệt độ, độ kiềm và các địch hại cũng được theo dõi và kiểm tra hàng ngày.
Ông Nguyễn Văn Khởi, nông dân tham gia mô hình chia sẻ: Với 3ha mặt nước nuôi cua theo phương pháp truyền thống, những năm trước gia đình ông thu hoạch được khoảng 90 triệu đồng, tương ứng 300kg/năm.
Sau khi được Trung tâm Khuyến nông Cà Mau chọn tham gia mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP, cua lớn nhanh và đạt đầu con chỉ sau hơn 7 tháng thả nuôi. Tuy chưa hết một vụ nuôi, gia đình ông Khởi đã thu tỉa được hơn 350kg cua, tăng khoảng 50kg so với các vụ nuôi truyền thống trước đây. Với trọng lượng khoảng 3 con/kg, giá bán 400.000 đồng, tổng thu từ đầu năm đến nay đạt 140 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Nhận cũng là hộ tham gia mô hình cho biết thêm: "Từ nhiều năm nay, do không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên cua nuôi không đạt, cua thường bị mềm, khó quản lý dịch bệnh dẫn đến năng suất không cao. Khi tham gia mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP, tôi thấy có nhiều ưu điểm như: Xử lý môi trường, phòng bệnh bằng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc và hóa chất, dễ dàng truy xuất nguồn gốc và đặc biệt có sự liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp".
Việc xử lý môi trường nước được thực hiện định kỳ nhằm phân hủy các chất cặn bã, thức ăn dư thừa và chất thải cua, tránh hiện tượng tăng khí độc đột ngột do quá trình phân hủy chất hữu cơ gây ra làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cua nuôi.
Mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP được thương lái mua với giá cao. Ảnh: Trọng Linh.
Dù thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của cua nuôi nhưng cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn, tập huấn kịp thời cách chăm sóc cũng như phòng bệnh trên cua. Mô hình đã góp phần nâng cao ý thức quản lý môi trường nước, phòng và trị bệnh trong quá trình nuôi bằng các chế phẩm sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo vùng nuôi bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Kỹ sư Nguyễn Giang Em, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết: Việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường định kỳ suốt thời gian nuôi đã giúp các chỉ tiêu môi trường ổn định, cua lớn nhanh và hạn chế được mầm bệnh. Điều này đã làm thay đổi sự nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Mô hình “Nuôi cua theo hướng VietGAP” đã và đang mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần cải thiện môi trường, thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi an toàn theo quy chuẩn cũng như bảo đảm tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, chuyển giao và nhân rộng mô hình để giúp bà con từng bước tiếp cận, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ