Nuôi cua trong vuông tôm cho thêm thu nhập
Hiện nay nhiều nông dân bắt đầu áp dụng mô hình nuôi cua và tôm trên cùng một vuông nuôi và đang mai lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại Cà Mau diện tích nuôi cua thâm canh rất ít. Việc phát triển nuôi cua luôn gắn liền với nuôi tôm truyền thống và quảng canh và cả lúa tôm. Trong cách nuôi truyền thống, người dân chỉ nuôi tôm sú, còn con cua thì được tự sinh tự diệt, có được con nào thì bắt con đó. Đến nay, việc nuôi cua đang thời thịnh, là nguồn sống của bà con, họ thu lợi lớn từ loài đặc sản này.
Ông Nguyễn Văn Thoái, một hộ nuôi cua tại xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân cho biết: Ở đây trừ những hộ đầu tư nuôi công nghiệp ra, còn hộ nào làm quảng canh thì đều có thả xen thêm cua để tăng thêm thu nhập. Theo lời ông Thoái, mỗi năm trên mỗi ha, người nuôi cua có thể kiếm thêm năm ba chục triệu là chuyện thường.
Gia đình ông Thoái có hơn 2 ha đất nuôi tôm và cua. Tính riêng trong vụ nuôi cua để cung ứng cho dịp Tết Nguyên Đán vừa qua ông đã thu bộn. Theo đó, đợt cận Tết giá cua tăng mạnh, cua gạch lên tới hơn 550.000 đồng/kg, còn cua y (con cua đực đã trưởng thành, cua gạch gãy càng hoặc bị dị tật dạt xuống) cũng trên 300.000 đồng/kg. Trúng mùa, trúng giá ông thu chưa hết mà đã được trên 30 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cua, ông Thoái cho biết: Cua và tôm có thể sống cùng nhau. Nhiều người sợ cua bắt tôm ăn, nhưng nếu cùng thả chúng và để ngoài môi trường tự nhiên, con tôm nhanh hơn cua rất nhiều, cua không thể bắt được chúng. “Thả cua trước đây là làm chơi ăn thật, còn bây giờ làm thật để kiếm nhiều hơn”. Ông Thoái nói thêm.
Tuy nhiên, điều tối kỵ nhất trong việc nuôi xen cua trong vuông tôm là để con tôm bị bệnh. Khi tôm bệnh yếu đi hoặc chết, cua bắt được và ăn chúng, do sống cùng môi trường và có chung nhóm máu nên con cua cũng nhiễm bệnh và chết theo.
Ông Nguyễn Văn La, cán bộ phụ trách nông nghiệp Xã Đông Thới cho biết: xã có diện tích nuôi cua hơn 2.000 ha. Nuôi cua trong vuông tôm đang mang lại nguồn lợi ổn định cho các hộ dân. Để cua phát triển tốt, bà con cần đảm bảo nuôi đúng kỹ thuật đã được tập huấn: Phải vèo cua con trong thời gian từ 7 – 10 ngày để kiểm soát chất lượng con giống trước khi thả ra vuông; Khi cua còn nhỏ lên luộc cá, sau bỏ xương và hòa vào nước cho ăn; Trong vuông nên cắm nhiều trà để có nơi cho cua lột trú ngụ an toàn; Cho ăn một tháng ít nhất 2 lần. Đặc biệt, phải chú ý xử lý môi trường nước đảm bảo tôm nuôi không bệnh thì cua sẽ phát triển tốt.
Ông Đoàn Văn Chính, Phó trưởng Phòng NN-PTNN huyện Cái Nước cho biết: Huyện hiện có hơn 6.000 ha diện tích nuôi cua, tập trung nhiều tại các xã Trần Thới, Đông Thới,… Năm nay thời tiết thuận, cua nuôi được mùa, bà con đang thu hoạch nốt vụ nuôi đón Tết để chuẩn bị vụ mới. Bình quân trên mỗi ha nuôi cua cho bà con nguồn thu khoảng 40-50 triệu đồng/năm.
Tags: nuoi cua trong vuong tom, ky thuat nuoi cua, cua bien, hop nuoi cua, thuy san
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ