Mô hình kinh tế Nuôi Động Vật Hoang Dã Lợi Nhuận Cao Nhưng Không Dễ

Nuôi Động Vật Hoang Dã Lợi Nhuận Cao Nhưng Không Dễ

Ngày đăng 10/09/2013

Nuôi Động Vật Hoang Dã Lợi Nhuận Cao Nhưng Không Dễ

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở Quảng Ngãi đã mạnh dạn đầu tư vườn trại để nuôi động vật hoang dã. Điều này không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn là cách để giảm áp lực việc săn bắt động vật hoang dã trong tự nhiên, bảo vệ nhiều loài động vật hoang dã trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Làm giàu từ nuôi động vật hoang dã

Nuôi cá sấu là mô hình được nhiều tỉnh phía Nam phát triển trong nhiều năm qua, thế nhưng ở Quảng Ngãi thì đây là mô hình khá mới mà ít ai "có gan” để làm. Nói điều này bởi cá sấu là động vật hoang dã còn khá xa lạ với người nông dân. Và với bản tính khá hung dữ của loại động vật nước ngọt này, nếu không có kinh nghiệm nuôi cùng với những điều kiện chuồng trại nghiêm ngặt thì khó có ai dám mạnh dạn nuôi.

Thế nhưng trong hơn ba năm qua, chị Trần Thị Kim Anh, ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức đã khiến không ít nông dân trong xã, trong huyện phải nể phục, bởi chị dám bỏ ra hàng chục triệu đồng để đầu tư chuồng trại nuôi cá sấu.

Chị Kim Anh tâm sự: Ban đầu cũng ngại lắm, không biết nuôi được hay không. Nhiều người khi nghe chị định nuôi cá sấu, ai cũng cản, bảo “bị khùng” hay sao mà nuôi loài động vật hung dữ đó. Nhưng rồi, qua tìm hiểu sách báo và học hỏi kinh nghiệm của những trang trại ở miền Nam, chị quyết định về mở trang trại nuôi cá sấu.

Do vốn ít, trong khi giá cá sấu giống khá đắt (một con cá sấu con bằng ngón tay có giá từ 450-500 ngàn đồng), nên thời gian đầu chị chỉ mua vài chục con. Tưởng rằng nuôi sẽ rất khó khăn, nhưng ngược lại cá sấu rất dễ nuôi và phát triển khá tốt. Thức ăn của cá sấu chủ yếu là các loại cá nước ngọt. Cá sấu nuôi được hơn một năm là có thể xuất bán.

Chị Kim Anh cho biết, lứa đầu tiên chị đã thu về vài chục triệu đồng. Thấy hiệu quả, thế là chị mạnh dạn đầu tư. Sau hai năm đầu nuôi, chị đã lãi trên 200 triệu đồng. Hiện tại chị đang có 170 con cá sấu đủ loại. "Với số lượng cá sấu hiện tại, thì trong một hai năm tới khi xuất bán thì chuyện lãi vài trăm triệu đồng nằm trong tầm tay'- chị Kim Anh khẳng định.

Nếu như chị Trần Thị Kim Anh làm giàu từ nuôi cá sấu nước ngọt, thì anh Nguyễn Văn Thanh, ở thôn Trung Sơn, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, được ví là “vua” nhím và chồn hương. Hiện trang trại của anh có hơn 44 con nhím bờm, trong đó có 29 con giống và 72 con chồn hương. Trang trại của anh Thanh được xem là trang trại nuôi nhím và chồn hương lớn nhất Quảng Ngãi.

Trong những năm qua, trang trại của anh đã cung cấp nguồn nhím giống và chồn hương cho khắp các tỉnh. Anh Thanh cho biết, đối với loài nhím, đây là động vật dễ nuôi, phàm ăn. Thức ăn của nhím người nông dân có thể tự túc được như rau xanh, củ quả, hạt bắp... Nhím lại ít dịch bệnh nên sinh trưởng nhanh. Bình quân một năm, một con nhím mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1-3 con. Nhím con nuôi sau hai tháng có trọng lượng 2 kg/con là có thể xuất bán giống. Giá mỗi cặp nhím giống (sau hai tháng tuổi) từ 8-10 triệu đồng.

Còn đối với chồn hương thì đây là loại động vật cao cấp, nhưng cũng rất dễ nuôi, lại ít bị bệnh, tuổi thọ trung bình trên 10 năm. Sau 1 năm nuôi, con đực trưởng thành nặng khoảng 5-7kg, con cái 3-5kg. Một con chồn nuôi thuần dưỡng có thể đẻ 2 lứa/năm, 3-6 con/lứa. Chồn con nuôi 2-3 tháng là có thể xuất chuồng bán giống chồn con, sau 11 - 12 tháng bán chồn sinh sản. Hiện tại 1 cặp chồn con khoảng 1 kg/con bán 7-8 triệu đồng/cặp; 1 cặp chồn sinh sản 2,5-4,5 kg/con bán 12 triệu đồng/cặp.

Anh Thanh chia sẻ thêm: Hiện tại, một doanh nghiệp khá nổi tiếng về cà phê đó là Công ty Trung Nguyên đã đặt vấn đề với anh để đầu tư hệ thống chuồng trại mới sản xuất cà phê chồn. Từ trang trại đến nguồn cà phê đều do Trung Nguyên đầu tư. Anh chỉ việc cho chồn ăn cà cà phê và thu sản phẩm. Hiện giá 1kg cà phê chồn trên thị trường thấp nhất là 1,1 triệu đồng. Nếu thuận lợi thì anh sẽ bắt tay với doanh nghiệp trên triển khai vào năm tới.

Nếu chị Kim Anh, anh Thanh được xem là những điển hình trong phát triển kinh tế ở nông thôn nhờ mạnh dạn nuôi cá sấu, nhím, chồn hương… thì anh Nguyễn Văn Khánh (40 tuổi), trú tổ 5, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi lại làm giàu nhờ nuôi rắn. Với biệt danh “vua rắn”, trung bình mỗi tháng anh thu về hàng chục triệu đồng từ những con rắn cực độc của trang trại mình.

Anh Khánh cho biết, anh là một chủ quán nhậu, với đặc sản chính là những món rắn. Trước đây, để đáp ứng đủ nhu cầu của khách, anh phải thu mua rắn ở khắp nơi, tuy nhiên cung vẫn không đủ cầu, bởi số “thượng đế” thưởng thức món rắn ngày càng đông.

Sau một thời gian kinh doanh, tích góp đủ vốn cộng với những kinh nghiệm về các loại rắn, năm 2010 anh mở trang trại nuôi rắn. Ban đầu anh mua 15 cặp rắn hổ mang và 25 cặp rắn hổ trâu bố mẹ với giá gần cả trăm triệu đồng về nuôi. Sau 4 tháng thả nuôi, rắn đã bắt đầu đẻ trứng.

Và cứ thế anh nhân rộng, trang trại rắn của anh đã có cả ngàn con rắn, trong đó có trên 100 con rắn giống, chủ yếu là rắn hổ mang và hổ trâu. Anh Khánh chia sẻ: “Nghề nuôi rắn nếu không am hiểu thì rất khó và nguy hiểm, dễ bị rắn cắn. Tuy nhiên nếu hiểu rõ về loài bò sát này thì việc nuôi và thuần dưỡng chúng rất đơn giản, rắn lại rất ít khi dịch bệnh. Thức ăn của rắn là chuột, ếch, nhái”. Trung bình mỗi tháng trang trại rắn đã mang về cho anh thu nhập vài chục triệu đồng.

Cần tăng cường quản lý

Thời gian gần đây, việc gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã phát triển khá mạnh tại các địa phương trong tỉnh. Nhiều hộ gia đình ở nông thôn đã mạnh dạn đề nghị cơ quan Kiểm lâm hướng dẫn để lập hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận gây nuôi động vật hoang dã theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, thì việc phát triển nhân nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã sẽ giảm áp lực lên việc săn bắt, khai thác động vật hoang dã từ tự nhiên, bảo vệ nhiều loài động vật hoang dã trước nguy cơ bị tuyệt chủng… Chính vì vậy mà Chi cục Kiểm lâm luôn tạo điều kiện để các hộ dân nuôi động vật hoang dã theo đúng quy định của pháp luật.

Đàn nhím của trang trại anh Nguyễn Văn Thanh, ở thôn Trung Sơn, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là việc phát triển và nhân rộng mô hình động vật hoang dã này vẫn còn hạn chế, một trong những nguyên nhân là do đây là những mô hình quá mới, người dân chưa mạnh dạn tiếp cận. Trong khi đó các cơ quan chuyên môn như khuyến nông, khoa học chuyên ngành chưa đầu tư, nghiên cứu, đưa ra quy trình chăm sóc phù hợp với từng loại động vật hoang dã, từ đó giúp người dân mạnh dạn đầu tư.

Một thực trạng nữa cho thấy là bên cạnh việc khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi thì cơ quan chức năng như Kiểm lâm cần phải tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động tại các sơ sở nuôi động vật hoang dã, bởi nếu không quản lý tốt sẽ tạo kẽ hở cho việc lợi dụng khai thác, săn bắt động vật hoang dã trái phép từ môi trường tự nhiên.

Bên cạnh đó, với những cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy hiểm như rắn, cá sấu thì ngành kiểm lâm cũng cần quản lý tốt, đặc biệt phải yêu cầu các chủ cơ sở thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi động vật, để không gây nguy hiểm cho chính người nuôi cũng như cộng đồng dân cư xung quanh.


Trồng Chè Dưới Tán Điều Trồng Chè Dưới Tán Điều Con Dông Đang Khó Tiêu Thụ Con Dông Đang Khó Tiêu Thụ