Nuôi gà chỉ lãi 2.000 đồng/con, vì sao
Đầu vào chăn nuôi phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu
Theo TS. Dương Xuân Tuyển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm Vigova, điểm yếu của ngành chăn nuôi ở nước ta hiện nay là đầu vào chăn nuôi phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, dẫn tới chi phí sản xuất cao nên giá thành chăn nuôi cao.
Cụ thể, giá thành thức ăn chiếm đến 70% chi phí, và giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn; trên 70% giống ngoài thị trường được cung cấp từ các lò ấp thủ công (rất khó kiểm soát nguồn gốc, dịch bệnh).
Nuôi gà lông trắng ở nước ta hiện cho lợi nhuận thấp
Dẫn chứng từ vùng chăn nuôi Đông Nam Bộ, TS. Tuyển cho biết, kết quả điều tra cho thấy, gà công nghiệp có thời gian nuôi khoảng 42 ngày, trọng lượng khoảng 2,5kg.
Tổng các khoản chi phí chăn nuôi hết hơn 63.000 đồng/con. Trong đó, chi phí thức ăn chiếm 46.750 đồng, con giống giá 10.000 đồng, thuốc thú y 2.500 đồng, điện 1.870 đồng, lao động 500 đồng, trả lãi vay 200 đồng…
Còn đối với gà thịt lông màu, thời gian nuôi khoảng 63 ngày, trọng lượng đạt 1,6kg. Tổng cộng các khoản chi phí hết 61.000 đồng/con gà nhưng riêng tiền thức ăn đã chiếm hơn 75%, tương đương với 46.000 đồng.
Nếu giá bán bình quân là 26.000 đồng/kg thịt, người chăn nuôi gà công nghiệp lãi gộp 2.012 đồng/con, trừ khấu hao, có hộ lãi ròng 1.512 đồng/con. Nếu chỉ sử dụng lao động gia đình thì bình quân xuất chuồng hộ có thêm thu nhập 500 đồng/con.
Phí thức ăn chiếm tới 70% giá thành chăn nuôi gia cầm
TS.Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi kiêm Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng cho biết, hiện nay chuỗi sản xuất của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, giá thành sản phẩm thịt gia cầm, giống chiếm tới 15%, phí thức ăn chiếm tới 70% nhưng công lao động của người chăn nuôi lại rất thấp.
Thương lái không đầu tư bao nhiêu như thu nhập chiếm tới 21% là bất cập.
Với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg thịt, người chăn nuôi gà lông màu có lãi gộp 3.091 đồng/con, khầu trừ hao, hộ có lãi ròng 2.891 đồng/con. Khi hộ sử dụng lao động gia đình thì bình quân lãi thêm thu nhập 507 đồng/con.
Đối với chăn nuôi vịt, mấy năm nay hầu hết đều có lãi so với nuôi gà. Theo điều tra, tổng chi cho 1 kg thịt, người nuôi đầu tư khoảng 39.000 - 40.000 đồng. Giá bán bình quân 48.000 - 50.000 đồng/kg, trừ khấu hao, người chăn nuôi lãi khoảng 27.000 đồng/con.
Tuy nhiên, có nghịch lý là người chăn nuôi phải bán với giá thấp, chấp nhận lỗ thì người tiêu dùng lại phải mua thịt với giá cao. Ví dụ gà xuất chuồng bán với giá 26.000 đồng qua 4-5 khâu trung gian, bán tại chợ đầu mối là 50.000 đồng/kg và đến tay người tiêu dùng là 60.000 - 70.000 đồng/kg. Giá sản phẩm đã bị đội lên từ 50- 80% so với giá bán tại trại.
Và kết quả, để sản xuất ra một con gia cầm xuất chuồng, người chăn nuôi mất từ 42 - 70 ngày, lãi từ 2.000 - 3.000 đồng/con, còn lại hầu như lỗ, hàng loạt trang trại phải đóng cửa hoặc cho các công ty thuê trại, nuôi gia công cho các công ty lớn.
Ngược lại, cơ sở giết mổ, thu gom thu lợi từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Tương tự người kinh doanh gia cầm chỉ cần 6-10h thì có thể lãi 8.000 - 14.000 đồng khi tiêu thụ một con gia cầm.
Nguyên nhân thực trạng này, theo TS.Tuyển, “thị trường thực phẩm đang có tình trạng bị thương lái thao túng giá để thu lợi”. Vì thế mà người chăn nuôi trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, đầu tư nhiều vốn, sức lao động nhưng lợi nhuận thấp hơn người thu gom, giết mổ, bán buôn và bán lẻ.
Từ thực tế này, TS.Tuyển khuyến nghị: “Khi gia nhập TPP, ngành chăn nuôi đứng trước tình thế sống còn nếu không có bước tiến về giống, kỹ thuật, giá thành…”.
Mấu chốt là phải hạ được giá thành sản phẩm chăn nuôi
Trong thực trạng nêu trên, khi Hiệp định TPP được ký kết với mục tiêu xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu, sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam, thậm chí ngành chăn nuôi được dự báo sẽ chịu tổn thương nhiều nhất.
TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi kiêm Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam xếp thứ 21 về các quốc gia sản xuất thịt gia cầm trên thế giới và là nước có tổng đàn vịt đứng thứ 2 trên thế giới.
Năm 2014, tổng đàn gia cầm cả nước đạt hơn 328 triệu con, trong đó đàn gà đạt 243 triệu con.
Thời gian qua đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, chế biến sản phẩm gia cầm mở ra nhiều triển vọng cho ngành
Nhưng ông Sơn cũng thừa nhận ngành chăn nuôi đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như hệ thống văn bản quản lý còn thiếu hoặc không phù hợp; năng suất chất lượng con giống trong sản xuất chăn nuôi đều thấp, không đảm bảo; việc liên kết sản xuất còn chưa hoàn chỉnh, chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường; giá cả phụ thuộc vào thương lái; hiệu quả chăn nuôi thấp, chi phí cao.
Gà thả vườn có ưu thế cạnh tranh
PGS.TS Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng gà thả vườn là sản phẩm có ưu thế cạnh tranh với gà ngoại nhập trong hiện tại và tương lai.
Phát triển gà thả vườn sẽ đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Hơn nữa, gà thả vườn có thể sử dụng nguồn thức ăn sẵn có, chuồng trại đơn giản, không cầu kỳ.
Tuy thời gian nuôi kéo dài hơn nhưng thịt gà thơm ngon hơn (khối lượng đạt từ 1,8 - 2kg lúc 75 - 90 ngày tuổi), giá bán cao hơn gà công nghiệp.
Trong năm 2014, sản phẩm thịt gà thả vườn của Việt Nam đạt 560.000 - 620.000 tấn, gà công nghiệp từ 393.000 - 402.000 tấn, rõ ràng gà thả vườn vẫn chiếm ưu thế trong tiêu dùng ở nước ta, đây chính là ưu thế cạnh tranh quan trọng trong sản phẩm thịt gia cầm hiện nay.
Theo TS. Nguyễn Thanh Sơn đã đến lúc thay đổi quan điểm chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng.
Có 3 vấn đề lớn cần phải thực hiện. Một là, phải chuyển đổi chăn nuôi quá “nóng” sang chăn nuôi bền vững. Hai là, chuyển đổi bùng nổ sản phẩm sang nâng cao chất lượng.
Ba là, chuyển đổi từ phục vụ nội tiêu sang xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế như trứng muối, thịt gà chất lượng cao. “Vấn đề mấu chốt là phải hạ được giá thành sản phẩm chăn nuôi”- TS. Sơn nhấn mạnh.
Một giải pháp, theo ông Sơn, sắp tới chỉ nên duy trì quy mô gà công nghiệp lông trắng như hiện nay.
Đối với gà thả vườn, gà chất lượng cao tiếp tục phát triển. Theo đánh giá, đây là dòng sản phẩm chiếm giá trị sản xuất 70%, tương đương với 30.000 tỷ đồng. Còn gà công nghiệp chỉ khoảng 13.000 - 14.000 tỷ đồng. Ngoài ra cần tập trung vào dòng sản phẩm trứng chất lượng cao để xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ