Nuôi gà kỹ thuật cao cho thu nhập ổn định
Thất bại do nuôi thủ công...
Bắt đầu nuôi gà cách đây hơn 4 năm với gần 100 con, nhưng gia đình ông Lê Xuân Tuyến lại nuôi theo phương pháp truyền thống, chỉ tận dụng bóng mát của tán cây điều và che chắn tạm bợ nên vào mùa mưa, gà dễ bị nhiễm bệnh. Mặt khác, khu vườn không được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày nên mầm bệnh dễ phát sinh. Tuy ông đã chủ động phòng chống dịch bệnh và phát triển đàn gà lên 500 con nhưng có thời điểm bị lỗ do giá thức ăn cao, gà chết nhiều và đầu ra bấp bênh.
Ông Tuyến chia sẻ: “Mất gần 1 năm nuôi gà theo cách thủ công, đồng vốn của gia đình bỏ ra không thu lời, trong khi phải mất 2 công lao động thường xuyên, tôi mới nhận ra, nuôi gà không hề đơn giản, nếu cứ làm mà không tìm hiểu kỹ thuật sẽ rất dễ thất bại”.
Năm 2012, được Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) phối hợp Hội Nông dân xã Minh Lập triển khai mô hình thí điểm chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, ông Tuyến đã áp dụng nuôi gà lông màu thả vườn bằng đệm lót và ủ men sinh học.
Ông dựng khu chuồng riêng biệt, có hàng rào và cổng nhằm tách biệt với khu sinh hoạt. Ông Tuyến cho biết: Áp dụng kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học khá đơn giản, chi phí không cao nên người dân có điều kiện thực hiện. Nhờ công nghệ ủ thức ăn bằng men sinh học nên các loại khoai, mì, bắp được nghiền và qua thời gian ủ thích hợp đã tạo ra lượng thức ăn bảo đảm chất lượng cho đàn gà. Tiền thức ăn giảm khoảng 25% mỗi năm, đồng thời còn giảm tiền thuốc phòng ngừa bệnh, công lao động nên lợi nhuận tăng từ 10-15% so với chăn nuôi thông thường.
... Đến thành công nhờ ứng dụng kỹ thuật
Ông Tuyến lưu ý: Phải bảo đảm cho đàn gà tránh xa các nguy cơ lây nhiễm. Người chăn nuôi phải chủ động tiêu diệt mầm bệnh bằng cách vệ sinh và khử trùng khu vực chăn nuôi. Theo tính toán của ông Tuyến, phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học ứng dụng quy mô 8.000 con gà, lại tận dụng công lao động của hai vợ chồng, giúp gia đình ông thu lời 150 triệu đồng/năm. Do lượng hàng ổn định nên mấy năm gần đây, gia đình ông đã tìm được “mối” quen để tiêu thụ. Hiện ông đang bán gà thịt cho thương lái ở thị xã Đồng Xoài và người dân trong vùng. Ông Tuyến còn nuôi thêm đàn heo thịt 20 con, dự định sẽ áp dụng theo phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học trong thời gian tới.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh nhận định: Việc sử dụng chế phẩm có các vi sinh vật hữu ích làm đệm lót là giải pháp thiết thực nhằm hướng tới phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Với biện pháp này sẽ làm tiêu hết mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi, tạo môi trường sống không ô nhiễm cho con người và vật nuôi.
Đồng thời không phải thay đệm lót trong suốt quá trình nuôi, giảm tối đa nhân công dọn chuồng và nguyên liệu làm đệm lót nên tỷ lệ mắc bệnh ở vật nuôi giảm rõ rệt, công và chi phí trong việc chữa trị con vật bị bệnh cũng giảm theo. Từ đó làm tăng chất lượng sản phẩm và lợi nhuận kinh tế khoảng 20%.
Quan trọng nhất là cách làm này đơn giản, người chăn nuôi dễ dàng ứng dụng vào thực tế, chỉ tốn chi phí đầu tư (mùn cưa, trấu, men sinh học...) ban đầu với khoảng 70 ngàn đồng/m2. Không chỉ với đàn gà mà hiện các chủ trang trại trong tỉnh cũng đang áp dụng phổ biến cách làm này đối với nuôi heo thịt.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ