Nuôi Gà Thịt An Toàn Sinh Học
Những năm gần đây chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học đã được nhiều hộ nông dân ở khu vực lòng chảo huyện Điện Biên quan tâm đầu tư, mở rộng và từng bước nhân rộng ra nhiều nơi.
Theo chị Nguyễn Thị Hồng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì vài năm trở lại đây nhờ tích cực tuyên truyền và nhận thấy lợi ích kinh tế từ các mô hình điểm nên nhiều hộ dân đã dần quan tâm và chuyển sang đầu tư nuôi gà thịt an toàn sinh học (ATSH). Nhiều nhất là ở các xã Thanh Hưng, Thanh Yên, Thanh Chăn, Sam Mứn… (huyện Điện Biên).
Việc nuôi gà thịt theo quy trình ATSH sẽ cơ bản đảm bảo việc khống chế dịch bệnh, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát tốt dịch bệnh. Gà được nuôi theo phương pháp nuôi thả vườn, có lưới quây, không thả rông nên hạn chế nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh từ môi trường ngoài. Được coi là gà “sạch” trên thị trường nên hiện nay gà thịt ATSH được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Hơn nữa lại giúp bà con nông dân tận dụng thời gian nông nhàn, mang lại thu nhập cao.
Để phù hợp với đặc thù điều kiện tự nhiên nên giống gà được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn thực hiện các mô hình điểm thời gian qua chủ yếu là giống gà lông màu và gà Lương phượng lai Sacso. Đây là những giống gà có ngoại hình đẹp, sinh trưởng nhanh, khả năng chống chịu bệnh tốt, dễ nuôi, thịt ngon, trọng lượng tăng nhanh, có thể đạt từ 2 – 2,2kg/con sau 10 tuần tuổi.
Năm 2010, Trung tâm đã triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt ATSH tại xã Mường Mươn (huyện Mường Chà), xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) và xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo). Năm 2011, Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình tại bản Huổi Vang và Búng Giắt, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) với sự tham gia của 52 hộ dân. Sau 11 tuần tuổi, tỷ lệ nuôi sống đạt 95,8%. Trọng lượng xuất chuồng đạt 2,2kg/con; mức tiêu tốn thức ăn cho 1kg gà hơi tăng trọng là 2,7kg. Như vậy bình quân 1 hộ nuôi 44 con, trừ chi phí đầu tư thu lãi được gần hai triệu đồng.
Qua đánh giá các mô hình điểm đã triển khai tại nhiều nơi cho thấy, các chỉ tiêu theo dõi cơ bản đều vượt. Bà con nông dân phấn khởi và nhận thức được rằng, chăn nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với chăn nuôi truyền thống trước đây, lại đảm bảo vệ sinh môi trường.
Cũng theo chị Hồng, khó khăn nhất hiện nay là trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở ấp nở con giống tại chỗ. Chỉ có một số cơ sở giống của tư nhân làm đại lý bán con giống của các trại ở dưới xuôi với quy mô nhỏ. Chính vì vậy việc mua giống cấp cho bà con gặp nhiều khó khăn về giá cả, kiểm soát dịch bệnh và chất lượng giống.
Dù thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiểm dịch từ khâu đầu vào, song cũng khó tránh được tuyệt đối. Nhất là với những hộ chăn nuôi tự ý nhập con giống từ ngoài. Ngoài ra, hiện nay thức ăn chăn nuôi gia cầm phải nhập hoàn toàn từ dưới xuôi, nên chi phí vận chuyển, giá con giống cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Qua thời gian triển khai các mô hình điểm cho thấy, hiệu quả lợi ích kinh tế, môi trường từ nuôi gà thịt ATSH hơn hẳn so với nuôi gà theo phương thức cũ.
Song để việc chăn nuôi gà thịt theo hướng ATSH đạt hiệu quả cao hơn, theo khuyến cáo của cán bộ khuyến nông, bà con nông dân không nên nuôi gà trong diện tích quá chật hẹp, phải đảm bảo độ thông thoáng, đảm bảo khoảng cách nhà ở, để không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của gà. Đặc biệt phải tuân thủ quy trình vệ sinh phòng dịch, giữ gìn vệ sinh chuồng trại; tuyệt đối không nuôi nhốt chung với gà mua tự do trôi nổi bên ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ