Mô hình kinh tế Nuôi ghép cá lóc

Nuôi ghép cá lóc

Ngày đăng 11/09/2015

Nuôi ghép cá lóc

Cá lóc là loài ăn động vật điển hình, trong tự nhiên chúng có xu hướng chủ động rượt đuổi con mồi, vì vậy ít người nghĩ đến việc có thể nuôi ghép chung với đối tượng khác.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho việc nuôi cá lóc thâm canh cũng không hề nhỏ, trung bình để đầu tư cho 1 ao có thể thu hoạch được 50 tấn cá thương phẩm thì số vốn người nuôi bỏ ra phải hơn 1,5 tỷ đồng. 

Vì vậy, đối với các hộ dân không có vốn nhiều thì thường lựa chọn mô hình nuôi cá lóc trong vèo đặt trong ao và tận dụng phần diện tích mặt nước còn lại để thả nuôi ghép một số đối tượng khác như rô đồng, rô phi, trê lai…

Về hình thức thì đây là cách làm không mới, tuy nhiên việc tận dụng khoảng không gian trống còn lại của ao để thả nuôi các loài khác sẽ mang lại hiệu quả đáng kể. Phương pháp thực hiện cũng khá đơn giản, cá lóc được nuôi riêng biệt trong nhưng vèo lưới có diện tích từ 6 - 8 m2, với mật độ từ 200 - 300 con/m2 vèo, tùy theo kích cỡ con giống.

Tổng diện tích vèo lưới có thể chiếm từ 50 - 80% diện tích ao, phần diện tích còn lại người nuôi có thể thả các loại cá khác với mật độ 30-40 con/m2.

Cá lóc là đối tượng nuôi truyền thống, nuôi trong vèo thì lại càng không phải mới, tuy nhiên việc nuôi ghép thêm các loại cá khác trong ao rõ ràng đang mang lại hiệu quả kép cho người nuôi.


Với đa phần các hộ dân không có vốn nhiều, diện tích ao nhỏ thì cách làm này có thể được xem là mô hình xóa đói, giảm nghèo, tận dụng lao động nhàn rỗi và quan trọng là lợi nhuận mang lại khả quan hơn so với các mô hình nông nghiệp khác.

Về kỹ thuật chăm sóc cũng tương tự như đối với nuôi cá lóc trong ao đất, tuy nhiên không cần thiết cho các loại cá nuôi ghép ăn thêm vì chúng sẽ sử dụng thức ăn thừa từ các vèo cá lóc, chỉ cần cho ăn bổ sung khi sắp thu hoạch.

Mô hình này có nhiều ưu điểm nổi bật như cá lóc nuôi tập trung trong vèo sẽ giúp người nuôi dễ dàng quản lý và chăm sóc, thức ăn, tỷ lệ hao hụt hay độ đồng đều của cá cũng được kiểm soát chặt chẽ, đến khi thu hoạch lại càng dễ hơn. 

Vì vậy, cá sẽ tăng trọng nhanh, đồng cỡ, bán được giá. Phần cá nuôi ghép bên ngoài sẽ tận dụng lượng thức ăn dư thừa của cá lóc, giúp làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và giảm ô nhiễm môi trường nước ao.

Tuy các loại cá này chậm lớn do ít được cho ăn nhưng cũng sẽ mang lại lợi nhuận do chi phí đầu tư thấp. Thời gian trung bình mỗi vụ nuôi cá lóc là 6 tháng, như vậy cứ sau 2 vụ cá lóc thì người nuôi tát cạn ao và thu hoạch các loại cá còn lại một lần.

 Ông Nguyễn Văn Rô, người nuôi cá lóc tại xã Phú Đức, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết: “Năm rồi tui đầu tư nuôi 2 vèo cá lóc trên diện tích ao 1.000 m2. Lượng cá lóc giống là 6.000 con, bên ngoài thả thêm khoảng 200 kg cá giống các loại như trê lai, rô phi... đến khi thu hoạch được hơn 2 tấn cá lóc, các loại cá bên ngoài cũng hơn 1 tấn. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt gần 50 triệu. Thấy cách làm mang lại hiệu quả cao mà chi phí đầu tư thấp nên năm nay tui tiếp tục làm mô hình này”.


Ngô VS 36 chịu hạn Ngô VS 36 chịu hạn Bí đỏ Hai mũi tên đỏ Bí đỏ Hai mũi tên đỏ