Mô hình kinh tế Nuôi giống cá quý, thu về tiền tỷ

Nuôi giống cá quý, thu về tiền tỷ

Tác giả Đào Thanh, ngày đăng 04/11/2024

Nuôi giống cá quý, thu về tiền tỷ

Nghề nuôi cá đặc sản trở thành nguồn thu nổi bật của xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, với tổng doanh thu lên đến hơn 40 tỷ đồng/năm.

Gia đình ông Nguyễn Quang Minh (xã Thượng Lâm) có hơn 130 lồng cá, là hộ sở hữu số lượng lồng nuôi cá lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Từ nuôi cá lồng, trung bình mỗi năm ông Minh xuất bán ra thị trường khoảng 100 tấn cá.

Ông Minh gắn bó với nghề nuôi cá lồng đặc sản trên khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang được hơn 10 năm nay. Theo ông, lợi thế lớn nhất của nuôi cá trên lòng hồ là nguồn nước sạch, thức ăn tự nhiên sẵn có, cá cho chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Do đó, ông không lo lắng về vấn đề đầu ra cho con cá.

Trong số hơn 130 lồng của gia đình, ông Minh chủ yếu nuôi cá lăng, cá bỗng. Đây là những giống cá đặc sản cho giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Mới đây, ông đầu tư nuôi 20 lồng cá tầm, với mức đầu tư trung bình mỗi lồng là 200 triệu đồng.

Ông Minh cho biết, ông nuôi cá tầm chủ yếu vào dịp mùa đông và ra xuân sẽ xuất bán. Để kịp có cá xuất bán ra thị trường đúng dịp, ông thường vào cá giống loại khoảng 1kg/con. Khi nuôi cá giống lớn như thế, vốn đầu tư con giống, thức ăn cũng sẽ lớn hơn rất nhiều so với nuôi từ bé.

Ông lựa chọn giai đoạn nuôi ngắn hạn để giúp quay vòng vốn nhanh hơn và rút ngắn được thời gian từ vào giống đến xuất bán. Một nguyên nhân khác nữa khiến ông lựa chọn phương pháp này bởi cá tầm ưa nước lạnh, do vậy, nước hồ dịp từ cuối thu đến đầu xuân là giai đoạn đảm bảo nhiệt độ phù hợp nhất cho con cá sinh trưởng, phát triển tốt. Mô hình này đã được một số hộ nuôi ở huyện Na Hang thực hiện thành công.

Cùng với gia đình ông Minh, hiện nay tại xã Thượng Lâm có 26 hộ dân sống, gắn bó và làm giàu từ nghề nuôi cá lồng đặc sản, tập trung chủ yếu ở thôn Nà Tông. Nhiều hộ có thâm niên gắn bó với nghề cá từ 10 đến 20 năm. Nổi bật, có thể kể đến hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, chuyên nuôi các giống cá tiến vua như dầm xanh, anh vũ; gia đình ông Nguyễn Văn Tùng, nuôi khoảng 100 lồng cá, chủ yếu là cá đặc sản…

Từ nuôi cá đặc sản, mỗi năm xã Thượng Lâm có nguồn thu hơn 40 tỷ đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Theo UBND xã Thượng Lâm, đến thời điểm này, toàn xã có 326 lồng cá, tăng 8 lồng so với năm 2023. Việc phát triển mạnh số lượng lồng nuôi cá đặc sản trong những năm gần đây là do hiệu quả kinh tế từ nghề này mang lại. Đặc biệt, trong năm nay, nhiều hộ dân trên địa bàn đã lựa chọn nghề nuôi cá tầm vào mùa nước lạnh, hi vọng mở ra nguồn thu mới cho ngành thủy sản của địa phương.

Ông Ma Công Khâm, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, cho biết: Hiện nay, nghề nuôi trồng thủy sản đang mang lại hiệu quả kinh tế nổi bật trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Trung bình mỗi năm, xã đạt tổng sản lượng khoảng 400 tấn cá, doanh thu hơn 40 tỷ đồng. Nguồn thu này có vai trò rất lớn trong việc nâng cao tiêu chí thu nhập của người dân, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của xã.

Địa phương đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở rộng nghề nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển nông nghiệp sạch và xây dựng sao OCOP cho các sản phẩm; phát triển đồng hành giữa thủy sản với du lịch trải nghiệm và bảo vệ môi trường bền vững.

Cùng với các huyện Na Hang, Chiêm Hóa thì Lâm Bình là địa phương có số lượng lồng nuôi cá đặc sản lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, huyện có 145 hộ, 1 tổ hợp tác, 1 HTX tham gia khai thác và nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích mặt nước hơn 3.600ha. Tổng số lồng nuôi cá của huyện là hơn 500 lồng, tăng 200 lồng so với năm 2020; tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản hằng năm đạt 1.045 tấn, tăng 482 tấn so với thời kỳ năm 2020.


Thành công với mô hình nuôi cá tầm trên núi cao Thành công với mô hình nuôi cá tầm… Trồng nấm sò cho thu nhập cao Trồng nấm sò cho thu nhập cao