Mô hình kinh tế Nuôi Hải Sâm - Nghề Cho Hiệu Quả Cao

Nuôi Hải Sâm - Nghề Cho Hiệu Quả Cao

Ngày đăng 04/07/2013

Nuôi Hải Sâm - Nghề Cho Hiệu Quả Cao

Hải sâm là một loại hải sản có giá trị kinh tế cao, do đặc tính sống ở vùng nước nông, di chuyển chậm nên trong những năm qua, loài hải sản này đang bị khai thác với cường độ lớn và có nguy cơ cạn kiệt.

Nghề nuôi hải sâm thương phẩm mặc dù mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gần đây nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả khá cao cho người nuôi, từng bước hạn chế tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn lợi hải sản này và góp phần bảo vệ môi trường.

Đến khu hòn Khe Châu, thị trấn Cô Tô (Cô Tô), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô nuôi cũng như quyết tâm của anh Lâm Văn Giang, một trong số những người đi tiên phong trong lĩnh vực nuôi hải sâm trên địa bàn tỉnh. Anh Giang cho hay: “Tôi đến với nghề nuôi thuỷ sản từ rất lâu nhưng với nghề nuôi hải sâm thì mới bắt đầu từ năm 2008.

Do chưa mua được giống ở các trại sản xuất tập trung nên việc thả nuôi chủ yếu theo hình thức thu mua con giống từ việc khai thác tự nhiên của người dân. Từ năm 2008, với 20ha mặt nước, mỗi vụ nuôi tôi thả bình quân từ 3 - 4 tấn hải sâm giống, chủ yếu là hải sâm đen và một lượng nhỏ hải sâm cát. Đến vụ thu hoạch, khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm, bình quân tôi cũng thu hoạch được gần chục tấn hải sâm thương phẩm. Hải sâm thường được thu hoạch vào thời gian này vì khi đó, mình hải sâm dày hơn, bình quân đạt 4 con/kg; vào tháng khác thì hải sâm mỏng hơn, chỉ đạt kích cỡ bình quân 7 con/kg.

Vụ nuôi năm nay, do nguồn giống hạn chế nên tôi chỉ thả nuôi gần 3 tấn giống. Ước chừng sẽ thu hoạch được vài tấn hải sâm thương phẩm, trừ chi phí về giống và các chi phí khác cũng cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Đặc biệt là hải sâm cát là đối tượng có giá trị kinh tế khá cao. Giá thu mua loại hải sâm này ổn định ở mức trên 100 - 200 USD/kg khô. Hiện nay, nhu cầu thị trường trong nước cũng như nước ngoài đối với loại hải sản này rất lớn...”.

Anh Giang cũng cho biết thêm, nuôi hải sâm trên biển cũng không khó, quan trọng nhất vẫn là phải làm sao đảm bảo môi trường trong sạch, vì môi trường không tốt là hải sâm chết hoặc bỏ đi đến môi trường khác. Thức ăn của hải sâm là các sinh vật nhỏ như tảo, các chất mùn bã hữu cơ, nên hải sâm được ví như “nhà máy vệ sinh viên của biển”. Khi trời mưa bão, biển động, hải sâm ẩn vào các hốc đá, chờ đến khi thời tiết thuận lợi mới bắt đầu bơi đi kiếm ăn.

Một trong những cách chúng bắt mồi là nằm yên một chỗ, các xúc tu mở ra và bắt những sinh vật nhỏ trôi theo dòng nước biển. Có thể tìm thấy chúng với số lượng lớn ở cạnh các trang trại nuôi cá biển. Nói là kỹ thuật nuôi đơn giản, song do hải sâm là loài hải sản “khó tính” với môi trường nên việc chọn môi trường nuôi phù hợp là hết sức cần thiết.

Những khu vực có rạn san hô cùng với hệ thực vật phong phú và đáy cát, bùn là những địa điểm lý tưởng để thả nuôi hải sâm. Địa điểm là các eo, vịnh, ít bị tác động của sóng gió, ít bị ảnh hưởng của nước ngọt trực tiếp đổ vào bãi nuôi và các nguồn nước thải khác.

Được biết, để từng bước phát triển nghề nuôi hải sâm trên địa bàn, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã đưa vào nuôi một số mô hình thử nghiệm tại một số địa phương trong tỉnh. Năm 2010, Trung tâm đã trình diễn và chuyển giao kỹ thuật nuôi hải sâm đen bằng nguồn giống thu gom tự nhiên tại khu Hang Trai, Vịnh Hạ Long với hình thức nuôi bãi (nuôi đáy) cho ngư dân làng chài Cửa Vạn, Hùng Thắng (Hạ Long).

Mô hình này bước đầu đã cho hiệu quả cao, tuy nhiên việc nhân rộng mô hình thì vẫn chưa thực hiện được. Trong tháng 5 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình nuôi hải sâm thương phẩm bằng nguồn giống thu gom tự nhiên quy mô 0,3ha, mật độ thả 5 con/m2, tại hộ anh Lâm Văn Giang, thị trấn Cô Tô. Qua hơn 1 tháng thả nuôi, hiện nay hải sâm sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến mô hình sẽ được nghiệm thu, tổng kết trong tháng 12 năm nay.

Mô hình này nhằm trình diễn, chuyển giao kỹ thuật nuôi hải sâm đen bằng phương pháp nuôi đáy cho ngư dân, để phát huy tiềm năng lợi thế về nuôi biển với những loài có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Hỗ trợ bà con ngư dân phát triển nghề nuôi mới có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho ngư dân vùng biển đảo.

Theo ông Thiều Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thì việc chọn khu vực nuôi thích hợp là rất quan trọng đối với nghề nuôi hải sâm. Các điều kiện môi trường cần đảm bảo: Độ mặn dao động từ 25 - 30 phần nghìn; độ pH dao động từ 7,5 - 8,5; nhiệt độ nước từ 26 - 29 độ C; độ sâu mực nước: Khi nước thuỷ triều lên cao nhất đến 4m; khi nước kiệt tối thiểu 0,3 - 0,5m; chất đáy tốt nhất là cát, cát bùn pha vỏ động vật thân mềm.

Do nguồn giống thu gom từ khai thác tự nhiên nên kích cỡ tốt nhất từ 5 - 10 gr/con (10 - 12cm/con); giống khoẻ mạnh, màu sắc tươi sáng tự nhiên; mật độ thả 0,5 - 1,0 con/m2. Thời gian thả giống thích hợp nhất là vào sáng sớm hay khi chiều mát. Thả giống lúc thuỷ triều xuống thấp, rải đều giống khắp bãi nuôi.

Do hải sâm mới thả nuôi có kích cỡ nhỏ, sức đề kháng yếu, di chuyển chậm nên người nuôi cần chú ý thường xuyên kiểm tra để vớt dọn rong rêu, bắt các loài địch hại như ốc, cua, tôm... Định kỳ hàng tháng: Làm vệ sinh đăng lưới, cọc; kiểm tra tốc độ tăng trưởng của hải sâm, kiểm tra một số yếu tố môi trường nước: như nhiệt độ, pH, độ mặn... khi môi trường có biến động để có sự điều chỉnh thích hợp.


Xóa Nghèo Nhờ Nuôi Thủy Sản Dưới Tán Rừng Phòng Hộ Xóa Nghèo Nhờ Nuôi Thủy Sản Dưới Tán… Mô Hình Nuôi Tôm - Cua Trong Rừng Ngập Mặn Mô Hình Nuôi Tôm - Cua Trong Rừng…