Mô hình kinh tế Nuôi Heo Trên Nền Đệm Lót Lên Men

Nuôi Heo Trên Nền Đệm Lót Lên Men

Publish date Thursday. September 12th, 2013

Nuôi Heo Trên Nền Đệm Lót Lên Men

Thay vì nền đất hoặc xi măng truyền thống, hiện nay mô hình nuôi heo trên nền đệm lót lên men đang trở thành xu hướng nuôi mới của một số hộ dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong đó có thị xã La Gi. Tác dụng mang lại là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí đầu tư...

Hiệu quả

Ô nhiễm môi trường sống, dễ xảy ra dịch bệnh là những mặt trái của việc chăn nuôi heo nhỏ lẻ theo hộ gia đình trong khu dân cư. Đây không chỉ là nỗi trăn trở của các cấp chính quyền mà còn của những người trực tiếp chăn nuôi. Anh Trần Văn Linh, một chủ hộ có nghề nuôi heo khá lâu năm tại khu phố 8, phường Tân An, thị xã La Gi cũng không nằm ngoài số đó.

Trong một dịp ghé thăm gia đình anh mới đây, chúng tôi khá ngạc nhiên khi được giới thiệu khu chuồng có 14 “chú” heo con mới thả. Không có mùi hôi, heo không cần tắm rửa hàng ngày nhưng vẫn sạch sẽ, hầu như không cần dọn phân, ít phải chăm sóc...là những điều chúng tôi được “tai nghe mắt thấy” về lợi ích khi nuôi heo trên nền đệm lót thay thế nền xi măng.

Anh Linh vui vẻ chia sẻ: Từ đầu năm 2013, qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và giới thiệu của cán bộ khuyến nông địa phương, tôi đã mạnh dạn làm thử. Kết quả sau hơn 5 tháng thực hiện mô hình nền đệm lót lên men, trên diện tích chuồng 30m2 của gia đình, tổng chi phí làm nền đệm lót khoảng 5 triệu đồng (trong đó Trạm Khuyến nông thị xã hỗ trợ 50%).

Đệm lót lên men chỉ đơn giản là trấu, mùn cưa, bột ngô và chế phẩm Balasa N01. Đặc điểm của chúng là khi phân thải ra sẽ được vùi lấp do sự vận động của heo và tự phân hủy dưới nền đệm lót, nên sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cách làm khá đơn giản

Lợi ích mang lại từ mô hình nuôi heo trên đệm lót đã và đang được người chăn nuôi quan tâm, áp dụng. Tuy nhiên, theo Trạm Khuyến nông thị xã La Gi, để đạt hiệu quả cao, bà con cần lưu ý một số vấn đề về thiết kế, các bước thực hiện, quản lý và bảo dưỡng đệm lót...

Theo đó, để làm 20m2 chuồng có đệm lót dày 60cm, cho 1kg men gốc và 10 kg bột ngô vào thùng, sau đó cho thêm 200 lít nước sạch khuấy đều, đậy kín và để chỗ ấm trong thời gian trên 24 giờ là dùng được. Đặc biệt cần chú ý trước khi thả heo vào chuồng, có thể nhặt phân heo có sẵn bỏ rải rác một số nơi để tạo cho heo không có thói quen thải phân một chỗ.

Cũng theo Trạm Khuyến nông La Gi, để đảm bảo tầng trên đệm lót không khô hoặc quá ẩm, cần chú ý làm ẩm bằng vòi phun, tránh tình trạng chuồng bị hắt nước mưa và nước từ vòi uống gây ướt đệm lót; xới tơi đệm lót với độ sâu khoảng 15 cm khi cần thiết. Để tiêu hủy phân và nước tiểu triệt để, đồng thời kéo dài tuổi thọ của đệm lót, trong quá trình nuôi cần kết hợp cho heo ăn thức ăn lên men hoặc men tiêu hóa, với lượng thức ăn thích hợp, không dư thừa.

Mục đích nhằm giảm thải phân, chi phí thức ăn và tỷ lệ mắc bệnh, tăng hiệu quả kinh tế. Theo kinh nghiệm của một số chủ hộ nuôi khác trên địa bàn, tuổi thọ của đệm lót có thể duy trì vài năm. Nếu quản lý và bảo dưỡng tốt, có thể duy trì thời gian sử dụng trên 6 năm.

Các bước làm đệm lót

Rải lớp trấu dày 30 cm, dùng vòi phun nước sạch lên lớp trấu đến khi đạt độ ẩm 40%. Tưới đều 100 lít dịch lên men, sau đó rải đều lên một phần bã ngô có trong dịch men lên lớp trấu. Tiếp tục rải lớp mùn cưa dày 30 cm lên trên lớp trấu. Phun nước sạch đều lên khắp mặt lớp mùn cưa đến khi đạt độ ẩm khoảng 20%.

Rải đều 5 kg bột ngô đã xử lý lên trên mặt lớp mùn cưa, tưới đều 100 lít dịch lên men còn lại, sau đó rắc đều hết phần bã ngô còn lại lên lớp mùn cưa. Lấy tay xoa đều lên bề mặt và đậy kín bằng bạt hoặc ni-lông đến khi lên men (sau 1 ngày có thể thả heo).


Vào Mùa Cải Tạo Vuông Tôm Vào Mùa Cải Tạo Vuông Tôm Nghề Nuôi Ong Mật Ở Giếng Đá Nghề Nuôi Ong Mật Ở Giếng Đá