Nuôi kiến vàng làm vệ sỹ cho vườn bưởi
Kiến vàng là thiên địch tiêu diệt hiệu quả nhiều loài sâu hại như bọ xít, rầy mềm, sâu vẽ bùa, rệp sáp, nhện đỏ…. Nhờ đó nhà vườn tiết kiệm chi phí thuốc BVTV.
Kiến vàng là thiên địch lợi hại để tiêu diệt các sâu hại trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Đảm
Từ lâu, kiến vàng được xem như “vệ sỹ”, người bạn vàng của nhà nông. Các nhà khoa học xếp kiến vàng vào loại thiên địch có ích. Bởi nuôi kiến vàng trong vườn cây ăn trái, nhất là các họ cây có múi rất hiệu quả. Từ khi phương pháp nuôi kiến vàng của GS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc (Đại học Cần Thơ) được phổ biến, nhiều nhà nông trồng bưởi da xanh đã ứng dụng mang lại hiệu quả cao.
Điển hình như mô hình trồng bưởi da xanh xen trong 3,2ha dừa của ông Võ Văn Chà ở ấp Ô Chích A, xã Lương Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi năm, năng suất trên 25 tấn, thu về trên 1 tỷ đồng.
Năm 2020, do hưởng của hạn mặn, bưởi giảm khoảng 40% năng suất. Hiện vườn của ông có 1.100 gốc bưởi, trong đó có 600 gốc bưởi cho trái nhiều, năng suất bình quân từ 1 - 1,2 tấn/tháng nhưng ông vẫn thu về từ 600 - 800 triệu đồng. Điều đáng nói, chi phí sản xuất cho 3,2ha dừa xen bưởi da xanh của ông Chà mỗi năm chỉ khoảng 50 triệu đồng.
Ông Võ Văn Chà năm nay đã trên 70 tuổi nhưng với tính cần cù lao động, chịu khó nghiên cứu học hỏi tài liệu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên rất tiết kiệm chi phí sản xuất. Hiện bưởi da xanh của ông Võ Văn Chà được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.
Ông Chà tiết lộ: Trong quá trình chăm sóc cây bưởi trong vườn dừa, ông còn để cỏ bên dưới để giữ nước và cắt cho bò ăn nên không hề phun xịt thuốc BVTV. Ông Chà nói vui rằng, đây là mô hình trồng bưởi "trên che dù, dưới trải thảm".
Bên cạnh đó, ông còn nuôi kiến vàng để phòng ngừa sâu bệnh gây hại trên cây bưởi. Ông Chà cho biết, rất ít sử dụng thuốc BVTV mà trái cây vẫn bóng đẹp, không sâu bệnh, an toàn nên dễ dàng được công nhận VietGAP, bán giá cao.
Bên cạnh đó, ông Chà còn dùng phân chuồng ủ thành phân hữu cơ ứng dụng trong khâu sản xuất nhằm giảm phân hóa học.
Ông Võ Văn Nhì ở Tổ hợp tác bưởi da xanh xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cũng là một trường hợp khác thành công từ mô hình nuôi kiến vàng bảo vệ vườn cây ăn trái.
Năm 2020, hai công bưởi da xanh khoảng 100 gốc của ông Nhì đã giúp ông kiếm về hơn 100 triệu đồng. Chia sẻ bí quyết với chúng tôi, ông Nhì cho biết đã sử dụng nhiều phân hữu cơ thay cho phân hoá học để cây cho năng suất cao. Điểm nhấn đặc biệt của khu vườn của ông Nhì là có nhiều kiến vàng bảo vệ trái bưởi khỏi các loại sâu hại, rầy rệp giúp trái to, da bóng đẹp được thương lái ưa chuộng, bán được giá.
“Hoạt động của đàn kiến giúp tôi tiết kiệm chi phí thuốc BVTV hàng chục triệu đồng mỗi năm. Không những thế nhờ không phải sử dụng thuốc BVTV, gúp vườn cây lúc nào cũng sạch sẽ, không khí trong lành, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình và người lao động”, ông Nhì chia sẻ.
Hiện nay, ngoài ông Nhì ứng dụng nuôi kiến vàng, các thành viên khác trong Tổ hợp tác bưởi da xã Đạo Thạnh cũng ứng dụng nuôi kiến vàng để sản xuất sản phẩm sạch.
Ông Phan Hải Triều, Tổ trưởng Tổ hợp tác cũng là một trong những nông dân áp dụng thành công nuôi kiến vàng để giảm thiểu thuốc BVTV trong vườn bưởi. Ông Triều cho biết, hiện nay bưởi da xnh của Tổ hợp được chứng nhận đạt chuẩn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, nuôi kiến vàng là một trong các kỹ thuật của nông dân trong tổ.
Chia sẻ về cách nuôi kiến vàng, ông Lê Văn Khanh ở ấp An Hương 1, xã Mỹ An, huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long), một trong những hộ dân áp dụng rất thành công nuôi loại thiên địch này cho biết: Muốn giữ cho kiến vàng ở bền trong vườn, cần trồng thêm những cây không phải là cây ăn trái như là khế, trâm bầu..., những cây lá mỏng để kiến vàng dễ dàng làm tổ trú ẩn.
Sau đó, kiến sẽ tới lui kiến ăn săn các loại công trùng gây hại trên cây ăn quả của mình. Bên cạnh đó, nên cho kiến ăn thêm các thức ăn sống như ruột gà, ruột vịt, cá… treo gần ổ để kiến nhanh chóng sinh sôi, phát triển đàn mạnh. Tuy nhiên, để quản lý kiến là một kỳ công, người nuôi phải kiên nhẫn cũng như chịu khó tìm hiểu tập tính của chúng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ