Tin nông nghiệp Nuôi lợn bản địa trên nền đệm lót sinh học

Nuôi lợn bản địa trên nền đệm lót sinh học

Tác giả Đặng Thương Thảo, ngày đăng 26/02/2018

Nuôi lợn bản địa trên nền đệm lót sinh học

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai đã triển khai dự án "Chăn nuôi lợn thịt bản địa trên nền đệm lót sinh học gắn với vệ sinh môi trường nông thôn", quy mô 240 con/60 hộ tham gia ở 3 huyện: Sa Pa, Bảo Yên và Bát Xát.

Làm chuồng đệm lót sinh học nuôi lợn sạch

Ở xã Xuân Thượng (huyện Bảo Yên) mới chỉ triển khai mô hình được 8 tháng nhưng đã đạt được kết quả hết sức ấn tượng. Đàn lợn bản địa sinh trưởng rất tốt, tăng trọng cao, đạt trọng lượng bình quân 62 kg/con khi xuất bán, giá bán ổn định ở mức 50.000 đồng/kg lợn hơi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ tham gia mô hình.

Toàn bộ chất thải lợn thải ra hàng ngày được lên men, phân hủy trong đệm lót nên không có mùi hôi, thối, không gây ô nhiễm môi trường, đàn lợn khỏe mạnh, không có dịch bệnh xảy ra, tỷ lệ sống lên tới 98,75%. Sau khi kết thúc dự án, các hộ chăn nuôi đã tiếp tục đầu tư con giống để nuôi trên nền đệm lót sinh học.

Đến thăm mô hình chăn nuôi lợn nhà ông Phan Ngọc Sách ở bản Là 2, xã Xuân Thượng, chúng tôi quan sát thấy hệ thống chuồng nuôi quy củ, chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, không có mùi hôi, thối của chất thải.

Tiếp chúng tôi với thái độ niềm nở, ông Sách chỉ tay vào chuồng nuôi và vui vẻ chia sẻ: "Trước đây, gia đình nuôi lợn theo cách truyền thống, hàng ngày phải rửa chuồng do lợn thải ra nhiều phân và nước tiểu nên gặp rất nhiều khó khăn, phải bố trí nhân công, phương tiện để rửa chuồng.

Điều đáng nói hơn nữa là mùi hôi, thối của phân lợn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và các hộ dân xung quanh, không dám nuôi nhiều vì đã có lần nuôi nhiều lượng phân, nước thải rửa chuồng quá lớn, tràn bể chứa chảy ra đường và đã bị hàng xóm phản ánh, chính quyền nhắc nhở.

Bây giờ thì khác rồi, gia đình đã sử dụng biện pháp chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học nên có thể tăng đàn mà không lo bị dồn ứ chất thải, giảm công chăm sóc, giảm chi phí đầu tư, giảm phát sinh dịch bệnh và đặc biệt không có mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến đời sống gia đình và các hộ xung quanh".

Ông Sách cho biết thêm, nhà ông vừa xuất bán 50 con lợn đen với tổng trọng lượng trên 3 tấn lợn hơi, sau khi trừ các chi phí đầu tư giống, thức ăn... còn lãi được 60 triệu đồng.

Cũng theo ông Sách, việc làm đệm lót sinh học để chăn nuôi lợn không khó,  phù hợp tập quán sản xuất vùng cao, điều quan trọng là cần thường xuyên theo dõi và định kỳ đảo nền đệm lót để quá trình lên men phân hủy chất thải diễn ra thuận lợi, hiệu quả.

Hiện tại, bản Là 2 có 13 hộ thực hiện nuôi lợn đen trên nền đệm lót sinh học, ngoài ra tại bản 2B cũng có 13 hộ thực hiện nuôi lợn theo phương pháp này. Ban đầu khi mới triển khai làm đệm lót sinh học để nuôi lợn, gia đình ông Sách gặp không ít khó khăn, đặc biệt là về kỹ thuật, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông nên gia đình ông đã thực hiện thành công và đến bây giờ thì đó là việc rất dễ dàng.

Đánh giá về hiệu quả của dự án, ông Dương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng cho biết: Mô hình rất hiệu quả và nhận được sự ủng hộ, tham gia của các hộ chăn nuôi. Biện pháp chăn nuôi này khá đơn giản, dễ thực hiện, hạn chế phát sinh dịch bệnh và đặc biệt là đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn, thúc đẩy quá trình về đích nông thôn mới của xã...

"Giá bán lợn đen bản địa tương đối ổn định nên tạo cho người dân tâm lý phấn khởi, yên tâm chăn nuôi, sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nông thôn. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở tỉnh, huyện để tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình chăn nuôi này trên địa bàn xã", ông Mười chia sẻ.


Kỹ thuật trồng cây nghệ tại nhà vừa ăn vừa chữa bệnh cho cả gia đình Kỹ thuật trồng cây nghệ tại nhà vừa… Chanh leo xuất khẩu giúp đồng bào Thái Sơn La làm giàu Chanh leo xuất khẩu giúp đồng bào Thái…