Mô hình kinh tế Nuôi Lợn Rừng Cách Phát Triển Kinh Tế Ở Đồng Quế (Vĩnh Phúc)

Nuôi Lợn Rừng Cách Phát Triển Kinh Tế Ở Đồng Quế (Vĩnh Phúc)

Ngày đăng 20/10/2014

Nuôi Lợn Rừng Cách Phát Triển Kinh Tế Ở Đồng Quế (Vĩnh Phúc)

Đồng Quế là một xã nghèo của huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) còn nhiề khó khăn, với địa hình hiểm trở, đa phần là đồi núi, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhưng không vì thế mà người dân Đồng Quế đầu hàng với số phận, họ vẫn nung nấu quyết tâm, không ngừng vươn lên để tìm cho mình cách phát triển kinh tế..

“Ly nông bất ly hương”.

Đó là phương châm của đại bộ phận người dân nơi đây. Cho dù mảnh đất này còn nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân còn vất vả, nhưng họ luôn phát huy tính tự chủ, sáng tạo trong việc phát triển kinh tế hộ, từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ngày một phát triển.

Một trong những hướng đi mới của xã Đồng Quế được nhiều hộ gia đình chọn lựa là mô hình xây dựng kinh tế trang trại, gia trại bởi tính phù hợp, nâng cao được năng suất và tính cạnh tranh của sản phẩm nông sản, không những giúp người nông dân nâng cao thu nhập mà còn giải quyết được lao động tại địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Về đến thôn Thanh Tú, không ai là không biết đến anh Phạm Ngọc Tú. Một tấm gương điển hình trong việc làm kinh tế của địa phương. Sinh năm 1985, trong một gia đình thuần nông, nhưng với tinh thần ham học hỏi, quyết tâm cao, mới 29 tuổi Tú đã gây dựng cho mình một cơ ngơi đáng để nhiều người phải ngưỡng mộ.

Khi đến thăm trang trại chăn nuôi của gia đình Tú, mới thấy rằng, để có được thành quả như ngày hôm nay là một điều không đơn giản. Tú tâm sự, sau khi tốt nghiệp lớp 12 anh đi làm ngay, nay đây mai đó nhưng công việc không ổn định. Đến năm 2010, anh quyết định trở về quê nhàvới hai bàn tay trắng. Năm đó anh lập gia đình, trách nhiệm người đàn ông trong gia đình thôi thúc anh phải tìm cách thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Ban đầu, anh gặp phải rất nhiều khó khăn, không biết mình sẽ phải đầu tư theo hướng nào, trồng cây gì hay nuôi con gì. Qua một vài lần bỏ công đi khảo sát tại thành phố Vĩnh Yên và một số vùng lân cận, anh thấy các nhà hàng đặc sản thịt lợn rừng, dê núi mọc lên ngày một nhiều, chắc chắn sẽ cần một nguồn “cung” lớn.

Thấy đây là một hướng đi khả quan, phù hợp với kinh tế cũng như địa hình nơi anh sinh sống. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tú đã quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua hơn 50 con dê cái làm giống. Anh chia sẻ : “Nuôi dê rất dễ, thức ăn là các loại cỏ, lá cây có sẵn trong tự nhiên.

Buổi sáng chỉ cần lùa dê lên núi, chiều tối lùa dê về chuồng, vừa ít tốn công, lại đơn giản. Dê là loài ưa sạch sẽ, chuồng trại cần làm cao ráo, thoáng mát, là dê ít bệnh tật. Mỗi năm dê đẻ từ 1-2 lứa, mỗi lứa 1-2 con. Dê trưởng thành cân nặng từ 40 - 80kg. Nếu giá thành giữ ổn định từ 80 - 100.000 đồng/kg, chỉ sau một năm có thể thu gốc, chưa kể tiền từ tiền bán dê giống mỗi mỗi năm cũng được 50 - 100 triệu đồng”.

Trời không phụ công người chịu khó

Khi mở rộng trang trại, Tú tạm thời dừng chăn nuôi dê, tập trung chủ yếu nuôi lợn rừng. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, bản thân anh luôn cần cù, chịu khó, đàn lợn rừng của gia đình anh không ngừng được nhân lên. Từ chỗ chỉ có 2 đến 3 con giống nuôi thử nghiệm, 5 nái lợn rừng mẹ (chủ yếu là giống lợn Thái), 4 nái lợn lửng, 3 nái lợn mán đều đang thời kỳ sinh sản; nhưng năm đầu mô hình chăn nuôi của anh đã cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Hiện nay, trang trại của anh đã phát triển mở rộng với gần 100 con lợn thịt, 40 lợn con và 39 lợi nái. Mỗi năm, trừ chi phí anh Tú thu lãi khoảng 350 - 450 triệu đồng/ năm từ lợn thịt, 150 - 200 triệu đồng/ năm từ bán lợn giống.

Với chất lượng thịt cao, uy tín, anh được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết tới, đến thu mua theo giá ổn định. Hiện nay, khách hàng chủ yếu của gia đình anh là những nhà hàng lớn, nhỏ trong tỉnh và thành phố Hà Nội. Tú khẳng định, trong thời gian tới anh sẽ mở rộng thị trường sang các tỉnh lân cận để khẳng định thêm uy tín và thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Khi được hỏi về bí quyết thành công, Tú chia sẻ : “Nuôi lợn rừng khó nhất khâu chọn giống. Làm sao phải phù hợp với khí hậu thì lợn mới sinh sản nhiều và khỏe mạnh”. Vì lẽ đó, ngay từ khi chuyển hướng đầu tư, Tú đã không ngừng học hỏi, tham khảo rất nhiều thông tin về kỹ thuật chăn nuôi, chọn giống.

Khi có ai giới thiệu về mô hình chăn nuôi lợn rừng, anh đều tìm đến và học hỏi. Nhìn Tú chăm sóc từng con vật, cho chúng ăn, mới thấy rằng, nghề chăn nuôi cũng lắm gian truân và công phu, thành công chỉ đến với người nào dám nghĩ, dám làm và tận tụy say mê.

Tính đến thời điểm hiện tại, xã Đồng Quế mới chỉ có khoảng vài hộ gia đình có kinh tế ổn định và phát triển mạnh như gia đình Tú. Nguyên nhân chính khiến mô hình của họ không phát triển được là do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm chưa thực sự ổn định.

Do đó, cũng có nhiều gia đình muốn chuyển hướng đầu tư, hoặc mở rộng quy mô, nhưng gặp phải nhiều khó khăn… Hơn ai hết, Tú và nhiều hộ gia đình nơi đây mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, địa phương để có thể phát triển kinh tế mạnh hơn, góp phần giúp nền kinh tế của địa phương ngày càng khởi sắc.


Làm Giàu Từ Trang Trại Chăn Nuôi Làm Giàu Từ Trang Trại Chăn Nuôi Công Nghệ Chế Biến Sẽ Gia Tăng Giá Trị Cho Ngành Cá Công Nghệ Chế Biến Sẽ Gia Tăng Giá…