Mô hình kinh tế Nuôi Nai Dưới Tán Rừng

Nuôi Nai Dưới Tán Rừng

Ngày đăng 03/03/2015

Nuôi Nai Dưới Tán Rừng

Dựa vào tán rừng, anh Đỗ Văn Tài (xã An Cư, Tịnh Biên, An Giang) đã khai thác lợi thế để phát triển chăn nuôi nai theo hình thức bán hoang dã, mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đây được xem là cách làm giúp các chủ rừng nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Với hơn 30 công đất rừng, trước đây gia đình anh Tài chỉ trồng xoài và mít, đến mùa thì hái trái đem bán, qua mùa đi làm nhiều nghề khác để phụ giúp kinh tế thêm cho gia đình. Từ khi nhận hỗ trợ nai giống của Chi cục Kiểm lâm tỉnh từ chương trình giúp các hộ chủ rừng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, gia đình anh Tài dần có cuộc sống ổn định hơn trước và nuôi nai lấy nhung đã trở thành nguồn kinh tế chính. Hiện nay, anh đang nuôi 14 con nai (9 con nai đực và 5 con nai cái), trong đó có 5 con nai giống đang trong độ tuổi sinh sản và 7 con nai cho nhung. Trung bình mỗi năm, anh Tài thu nhập hơn 100 triệu đồng từ việc thu hoạch nhung nai.

Theo anh Tài, mặc dù nai đã được thuần hóa nên cũng thích nghi tốt với điều kiện nuôi nhốt trong chuồng. Nhưng sau một thời gian nuôi, anh Tài nhận thấy: “Tuy tạo điều kiện nuôi nhốt trong chuồng tốt đến đâu, nhưng không gian sống của nai cũng chật chội so với ngoài tự nhiên, rất dễ cọ quẹt vào thành chuồng làm bị thương, bị các bệnh nhiễm trùng. Nai cũng khó vận động và suy thoái một số tập tính tự nhiên nên nai rất chậm phát triển”. Vì vậy, anh Tài đã mạnh dạn đầu tư hàng rào lưới thép bao 15 công đất rừng quanh chuồng để thả nai ra tự nhiên.

Bên trên có tán cây rừng che mát, bên dưới có cỏ mọc tự nhiên có thể làm thức ăn cho nai ăn đỡ những lúc đói ngoài buổi ăn chính. Chuồng nuôi vẫn được giữ và chia làm 2 ngăn để cho ăn và ban đêm nai vào ngủ hoặc tránh mưa. Kết quả, đàn nai sinh trưởng và phát triển rất khỏe mạnh, ít bị thương hơn lúc nuôi trong chuồng, mau cho nhung và chất lượng nhung cũng tốt hơn.

Nai rất dễ nuôi, dễ chăm sóc, lại ít bệnh, mỗi ngày chỉ cần cho ăn 2 – 3 buổi. Thức ăn của nai chủ yếu là các loại cỏ dại, lá cây hay cỏ voi được trồng xen dưới tán rừng, các phụ phẩm nông nghiệp (vỏ và thân cây bắp, rau muống, dưa hấu, khoai lang…) dễ kiếm tại các chợ. Nai là động vật ăn đêm, nên ban đêm nai ăn rất mạnh, tới 60% khẩu phần ăn hàng ngày. Con nai nghé 1 năm tuổi ăn từ 3 - 4 kg cỏ khô/ngày, con trưởng thành có thể ăn 15 kg cỏ khô/ngày. “Khẩu phần ăn và thức ăn thời gian trước khi nai ra nhung một tháng rất quan trọng.

Phải cho ăn nhiều loại cỏ, tăng khẩu phần ăn vào ban đêm. Đặc biệt cho ăn thêm rau, củ, quả… và các loại cây thuốc nam để cung cấp đủ chất cho nhung phát triển” – anh Tài chia sẻ. Đến lúc trưởng thành, nai cái 25 tháng tuổi đã có thể sinh sản và đẻ mỗi năm 1 con. Khi nai đến mùa sinh sản phải tách bầy, ngăn chuồng lại để tránh bị hao hụt nai nghé do các nai lớn khác đạp trúng.

Theo kinh nghiệm của anh Tài: “Trong lúc nai chuẩn bị sinh và đang sinh nai nghé, không nên đến gần thăm chừng. Vì nai vốn tính rất nhát, làm nai hoảng sợ sẽ ảnh hưởng đến nai con”. Riêng nai đực nuôi 17 – 18 tháng bắt đầu thu hoạch nhung sữa, thời điểm thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch.

Nai nghé 1 năm tuổi bán 27 triệu đồng và nhung nai rất được thị trường ưa chuộng, giá từ 14 – 15 triệu đồng/kg. Anh Tài cho biết, so với nuôi bò thì nuôi nai mang lại nguồn lợi kinh tế cao, giá cả và đầu ra rất ổn định. Sắp tới, anh sẽ tiếp tục cho sinh sản, gây dựng thêm số lượng đàn nai nuôi bán tự nhiên dưới tán rừng.

Mô hình nuôi nai dưới tán rừng mang lại hiệu quả khá cao, không những giúp các hộ dân trồng rừng cải thiện cuộc sống giúp họ gắn bó với rừng, mà còn góp phần bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn các loài động vật hoang dã vùng Bảy Núi.


Mùa Ong Hút Mật Mùa Ong Hút Mật Nuôi Tôm Theo Hướng VietGAP Nuôi Tôm Theo Hướng VietGAP