Nuôi nai dưới tán rừng
Gần với hoang dã
Từ phong trào “phủ xanh đất trống, đồi núi trọc”, anh Đỗ Văn Tài nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ 31 công rừng, với thiết kế kỹ thuật trồng xen cây ăn trái (chủ yếu là xoài) 16 công, còn lại 15 công là cây rừng hỗn giao nhiều tầng tán. Hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn rừng, anh chia sẻ: “Vị thế này, sử dụng hết diện tích nuôi nai rất lý tưởng, lúc đầu mình không rành kỹ thuật, đâu dám thả ra. Nào ngờ, gần với hoang dã, chúng lại phát triển tốt hơn nuôi nhốt”. Đó cũng là kinh nghiệm anh đúc kết, sau hơn 2 năm nhận nuôi 5 con nai từ Chi cục Kiểm lâm An Giang.
Với phương thức ăn chia 6/4 (tổng giá trị lộc nhung khai thác) và nếu là con giống sinh sản được thì mỗi bên một con. Được giúp “cần câu”, vợ chồng anh Tài mừng vô kể, hoa lợi từ vườn rừng và khai thác lộc nhung những năm đầu gần như đổ vốn hết cho việc đầu tư chuồng trại nuôi nhốt và thử nghiệm thả lang. “Lúc đầu, em chỉ chắn vài công thả thử ban ngày, tối nhốt chuồng. Dần dà, mở rộng diện tích, thả lang cả đêm lẫn ngày” – anh Tài nói. Rồi anh tạo những ụ chứa nước, trồng thêm cỏ trên thảm thực vật vườn rừng, gầy giống cây dược liệu sẵn có… cho nai ăn uống như rừng tự nhiên.
Từ 3 con đực và 2 con cái, sau 6 năm chăm sóc, đàn nai của anh Tài sinh sản được 14 con và khả năng cho khai thác lộc nhung được 8 con. Anh hồ hở: “Mấy năm nay, thả lang vườn rừng, nai phát triển tốt, việc phòng bệnh gần như không đáng kể. Đặc biệt, việc sinh sản cũng không phải lo nhiều, để chúng tự nhiên nhưng hiệu quả vô cùng”. Còn sản phẩm tiêu thụ thì có Hạt Kiểm lâm Tịnh Biên và Chi cục Kiểm lâm An Giang hỗ trợ nên vợ chồng anh khá yên tâm. Vả lại, làm ăn nhiều năm, bạn chủ rừng cũng quen hết, có nhiều người tìm mua đặc sản quý hiếm về sử dụng.
Lợi cả đôi đàng
Dùng lưới B40, anh Tài mở rộng diện tích thả nuôi trên 20 công, chia làm 3 khoảnh để dành cho nai con, lứa chuẩn bị cho lộc nhung, loại sinh sản. Trụ đỡ hàng rào, anh sử dụng cây lâu năm sẵn có vườn rừng, vừa trồng thêm tầm vông, coi như “cây nhà lá vườn” đỡ tốn chi phí mua trụ đá. Nhưng, sau vài năm, loài cây làm hàng rào cho thu hoạch giúp anh lấy ngắn nuôi dài. “Hiện tại, 15 công vườn rừng của em đều có xen chuối, thứ này nai sinh sản rất khoái. Còn dược liệu cũng có rất nhiều, không cần thu hoạch, mưa xuống cây mọc lên để nai ăn” – anh Tài cho biết.
Mấy tháng trước, lúc hạn hán, mỗi ngày vợ chồng anh Tài phải ra chợ Cửa khẩu Tịnh Biên thu gom trái cây vụn, rau cải hư đem về cho nai ăn. Khoảng thời gian chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, anh vừa phải trồng thêm rau muống dưới đất đồng bằng, tạo nguồn thức ăn xanh cho đàn nai khỏe mạnh. Mùa mưa xuống, lớp thực bì vườn rừng trỗi dậy, cây cỏ, dây leo, ngải… sinh sôi, nguồn thức ăn xanh tự nhiên trở nên dồi dào. Theo anh Tài, đây là thời điểm nai sung sức, lứa tuổi trưởng thành bắt đầu cho lộc nhung, sau chu kỳ từ 8 đến 10 tháng thì cho thu hoạch tiếp tục đợt kế.
Để đảm bảo nguồn nước, anh Tài xây bồn chứa khoảng 70m3 xả xuống các ụ chứa phục vụ đàn nai. Tận dụng mặt bằng bồn chứa nước, anh đã dựng lên căn nhà trên đồi 3 núi Phú Cường, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và gắn nhiều bóng đèn rải rác khu vườn để quan sát theo dõi sinh hoạt, vừa tập cho nai bớt nhát khi gặp người ta. “Nhờ thả vườn rừng, số lượng đàn nai tăng lên, mà việc chăm sóc lại khỏe hơn trước. Bây giờ, khi nào thu hoạch nhung mới nhốt chuồng, còn bình thường để nai tự nhiên ngoài rừng, gần với hoang dã sẽ phát triển tốt hơn” – anh Tài đúc kết kinh nghiệm.
“Giữa tháng 6 vừa qua, anh Đỗ Văn Tài thu hoạch đợt đầu năm 2015 được trên 3kg lộc nhung (2 con), bán tại vườn với giá 15 triệu đồng/kg. Dự kiến cuối năm nay, anh sẽ thu hoạch thêm 3kg nữa, sản phẩm của 5 con mới tới tuổi trưởng thành”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ