Mô hình kinh tế Nuôi Ốc Hương Ở Xã Vạn Thọ (Vạn Ninh) Kẻ Khóc, Người Cười

Nuôi Ốc Hương Ở Xã Vạn Thọ (Vạn Ninh) Kẻ Khóc, Người Cười

Ngày đăng 30/10/2014

Nuôi Ốc Hương Ở Xã Vạn Thọ (Vạn Ninh) Kẻ Khóc, Người Cười

Con ốc hương đã gắn bó với nông dân huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) nhiều năm nay và mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đến vụ nuôi năm nay, trong khi nhiều người vui mừng vì đạt hiệu quả cao thì cũng có không ít hộ lâm vào cảnh thua lỗ do ốc chậm lớn, tỷ lệ hao hụt nhiều.

Hơn 10 năm trước, nhiều nông dân ở xã Vạn Thọ đã đưa con ốc hương vào nuôi thương phẩm. Lãnh đạo xã Vạn Thọ cho biết, ốc hương là động vật thân mềm có giá trị kinh tế cao, sống chủ yếu ở môi trường có nền đáy là cát. Thức ăn ưa thích của chúng là động vật thân mềm, nhuyễn thể, cá tạp...

Vùng nước tại một số khu vực của xã Vạn Thọ có độ mặn cao, nhiệt độ phù hợp, môi trường nước luôn sạch nên con ốc phát triển nhanh, nhiều hộ làm giàu từ nghề nuôi ốc hương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ốc hương thương phẩm chủ yếu được người dân địa phương thả nuôi trong ao đất, vụ chính từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch, bởi thời điểm này các yếu tố thời tiết và môi trường thích hợp cho sự phát triển của ốc. Vụ phụ được nuôi từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch.

Vụ này người dân thường ít nuôi bởi đây là thời điểm thường xảy ra bão lũ, ốc rất dễ chết. Đối với ốc hương, người nuôi sợ nhất là nước “bạc” (tỷ lệ nước ngọt trong ao nuôi cao) dẫn đến ốc chết hàng loạt và bệnh sưng vòi khiến ốc bỏ ăn, chết.

Ông Nguyễn Trung Đường (thị trấn Vạn Giã) thuê đìa ở thôn Cổ Mã để nuôi ốc hương vui mừng cho biết: “Vụ ốc năm nay, gia đình tôi đầu tư 700 triệu đồng để thả nuôi 1,4 triệu con giống ốc hương. Sau hơn 5 tháng thả nuôi, ốc phát triển nhanh. Kích cỡ khoảng 160 con/kg, bán giá 180.000 đồng/kg.

Tính ra, với hơn 6,5 tấn ốc thu hoạch được, tôi thu lãi gần 500 triệu đồng”. Cũng theo chia sẻ của ông Đường, tại các thôn Cổ Mã, Ninh Mã, hơn 90% hộ nuôi ốc hương thu lãi lớn.

Không như các hộ nuôi ốc ở thôn Cổ Mã, một số hộ nuôi ốc ở thôn Tuần Lễ lại lâm vào cảnh thua lỗ. Ông Phan Tịnh - người nuôi ốc ở thôn này cho biết: “Năm nay gia đình tôi đầu tư 700 triệu đồng để thả nuôi 1,3 triệu con giống ốc hương. Nhưng ốc rất chậm lớn, trước đây chỉ nuôi khoảng 5 tháng ốc đã đạt 150 con/kg, nhưng nay nuôi đến hơn 8 tháng ốc mới đạt gần 190 con/kg.

Không chỉ vậy, tỷ lệ ốc chết lên đến 60% nên vụ nuôi năm nay tôi thua lỗ nặng”. Theo tính toán của ông Tịnh, với khoảng 3 tấn ốc thu hoạch được, gia đình ông chỉ thu về được 450 triệu đồng, tính ra lỗ 250 triệu đồng.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Huy Hưng ở cùng thôn lỗ hơn 200 triệu đồng. “Năm nay, tôi vẫn mua ốc giống từ những cơ sở ương nuôi có uy tín như trước. Thức ăn cho ốc cũng được chọn kỹ càng; việc chăm sóc cũng được chú trọng nhưng ốc vẫn chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài nên chi phí đội lên, ốc nhỏ nên giá bán thấp. Ngoài ra, số ốc bị hao hụt cũng rất lớn, lên đến 50%” - anh Hưng cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, một số hộ nuôi ốc tại khu vực Tuần Lễ cho rằng, nguyên nhân ốc chậm lớn, tỷ lệ chết cao là do các đìa nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt liên tục xả nước thải trong đìa ra vịnh Vân Phong. Trong khi đó, các đìa nuôi ốc được lấy nước trực tiếp từ đây, thậm chí có khi đìa nuôi tôm trải bạt xả nước ra, đìa nuôi ốc lấy nước vào. Do nguồn nước bị ô nhiễm nên ốc chậm lớn và chết nhiều.

Ông Phan Tịnh cho biết thêm: “Trước đây ở Tuần Lễ có cả trăm hộ nuôi ốc hương, với hàng trăm ao đìa. Nhưng những năm gần đây, do ảnh hưởng của các đìa tôm trải bạt nên nhiều hộ thua lỗ, không dám đầu tư nuôi ốc hương. Bây giờ trong thôn chỉ còn vài hộ nuôi, nhưng chắc rồi cũng bỏ, chứ nuôi gần các đìa tôm trải bạt thì càng nuôi càng lỗ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Liêm - Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho biết: Trên địa bàn xã hiện có hơn 20ha ao đìa đất nuôi ốc hương, tập trung chủ yếu ở các thôn Tuần Lễ, Ninh Mã, Cổ Mã. Tuy nhiên, đối tượng nuôi này khá bấp bênh, tùy theo thời tiết, điều kiện nuôi mà có hộ thu lợi nhuận cao, có hộ thua lỗ.

“Năm 2014, đa số hộ nuôi ốc hương trên địa bàn xã đều có lợi nhuận cao, trung bình 1ha người nuôi lãi đến 500 - 600 triệu đồng. Việc một số hộ nuôi ở thôn Tuần Lễ có ốc chậm lớn và bị chết chủ yếu là do thời tiết chứ các đìa nuôi tôm trải bạt, trước lúc xả nước ra môi trường đều phải qua lắng lọc nên khó có thể ảnh hưởng đến hộ nuôi ốc hương” - ông Liên cho hay.

Thực tế, việc nuôi ốc hương tại khu vực xã Vạn Thọ không ổn định. Đặc biệt tại khu vực thôn Tuần Lễ có nhiều hộ nuôi bị thua lỗ. Chưa rõ nguyên nhân của tình trạng ốc chậm lớn, tỷ lệ hao hụt nhiều có phải do các đìa tôm trải bạt hay không, vì vậy các hộ nuôi tôm, ốc tại đây mong muốn cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân để định hướng cho người dân về việc nuôi ốc hương tại khu vực này.


Xây Dựng Các Giải Pháp Phòng, Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Xây Dựng Các Giải Pháp Phòng, Chống Dịch… Công Nghệ Thông Tin Trong Nông Nghiệp Ngỡ Ngàng Và Thán Phục Công Nghệ Thông Tin Trong Nông Nghiệp Ngỡ…