Mô hình kinh tế Nuôi Rắn Ri Voi Lợi Nhuận Cao

Nuôi Rắn Ri Voi Lợi Nhuận Cao

Ngày đăng 21/05/2014

Nuôi Rắn Ri Voi Lợi Nhuận Cao

5 năm qua, Tổ hợp tác nuôi rắn ri voi xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân - Vĩnh Long) xuất bán sang Trung Quốc mỗi năm trên 2 tấn rắn với giá dao động từ 750.000 - 900.000 đ/kg. Nhiều bà con nơi đây khấm khá lên nhờ loại rắn này.

Chỉ tính riêng ấp Hòa Bình (xã Nguyễn Văn Thảnh) đã có trên 100 hộ nuôi rắn ri voi, trong đó có nhiều hộ đã phát triển thành trang trại. Người khởi đầu nghề nuôi rắn ri voi ở ấp Hòa Bình là anh Trương Văn Khởi.

Cách đây hơn 20 năm, trong những lần đi ruộng, anh bắt được vài con về nuôi chơi trong khạp, thấy phát triển tốt và bất ngờ hơn là sau một thời gian rắn sinh sản nên có ý định nuôi rắn ri voi để bán con giống và rắn thịt.

Lúc đầu tất cả rắn con đẻ đều được anh để lại nuôi, vì vậy đàn rắn của anh tăng nhanh về số lượng và quy mô nuôi cũng lớn dần. Từ chỗ nuôi bằng khạp với quy mô nhỏ, dần dần anh tìm tòi học hỏi đầu tư nuôi trong hồ xi măng, trong vèo, tạo môi trường thích hợp cho rắn phát triển tốt hơn.

Khá lên nhờ rắn

Anh Trương Văn Khởi cho biết: Từ chỗ làm ăn có hiệu quả, anh đã hướng dẫn cho bà con nơi đây làm theo. Chỉ sau vài năm số lượng hộ nuôi rắn ri voi nơi đây đã ngót nghét 130 hộ. Lúc đầu tiêu thụ nội địa, tuy có lời nhưng không nhiều, có một số người chỉ nuôi cầm chừng, nuôi chơi, coi đây làm chơi chứ không phải “làm chơi ăn thiệt”…

Cách đây hơn 5 năm, có người Trung Quốc đến đặt mua giá cao với số lượng không hạn chế. Từ đó, anh đã làm đầu mối cho những hộ xung quanh. Mỗi khi có lái tới mua hàng, anh thông báo cho bà con có rắn thịt loại nhất (600g trở lên) mang đến để anh tổng hợp lại xuất bán trực tiếp cho thương lái người Trung Quốc.

Anh Khởi phấn khởi: “Năm 2013 vừa qua, chỉ riêng gia đình anh bán được gần 1 tấn rắn thịt giá 750.000 đ/kg và gần 5.000 con rắn con, mỗi con giá từ 80.000-90.000đ thu lời trên 1,2 tỷ đồng. Hiện gia đình có trên 700 con rắn nái và 2.000 con rắn thịt”.

Dẫn chúng tôi tham quan từ trước đến sau căn nhà khang trang ở giữa nơi đồng lúa và sông rạch còn mang đậm nét nông thôn Nam Bộ, anh Khởi khoe: “Có căn nhà này cũng nhờ rắn. Trước kia, bắt trước thiên hạ nuôi trăn được 2 năm thì lỗ… sặc gạch. Rồi tình cờ bắt rắn ri voi hoang dã về nuôi thử và thành công. Cơ may lại đến khi có thương lái đến tận nhà mua bao tiêu, từ đó khấm khá lên”.

Nhiều người trong xã và những ấp lân cận của xã khác thấy anh Khởi nuôi rắn đạt hiệu quả kinh tế cao cũng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình tương tự. Hiện nơi đây có khoảng 130 hộ tham gia nuôi rắn. Mỗi hộ nuôi từ vài chục đến vài trăm con.

Cụ thể như anh Nguyễn Văn Trung hay anh Nguyễn Minh Châu (ấp Mỹ Hòa) mỗi hộ nuôi trên 30 con rắn nái và hàng trăm con rắn thịt, mỗi năm gia đình anh xuất bán được hàng trăm triệu đồng. Nhờ vậy thu nhập phụ từ con rắn của nhiều người đã biến thành nguồn thu nhập chính và dần quen với nghề này.

Anh Khởi cho biết thêm: Thức ăn cho rắn là ếch, nhái, cá da trơn. Rắn bố mẹ bắt cặp vào khoảng tháng 8, tháng 9 và đến tháng 4, tháng 5 năm sau sẽ đẻ. Mỗi năm rắn đẻ 1 lần. Rắn mẹ đẻ lần đầu khoảng 10- 15 con. Rắn càng lớn đẻ con càng nhiều.

Hao hụt trong quá trình nuôi khoảng từ 10- 20%. Sau 1 năm nuôi, rắn đạt trọng lượng từ 800g đến 1,2 kg/con, tùy thuộc vào mức độ cho ăn. Chi phí cho thức ăn chỉ khoảng 150.000 đ/con/kg. Người nuôi còn lời khoảng 500.000 đ/con/kg.

Bán, nhưng… phải chắc

Khoảng 2 năm trở lại đây, thương lái không đến mua trực tiếp mà chỉ điện thoại đặt số lượng và chuyển tiền trước, anh Khởi mới thu gom rắn chuyển đi ra biên giới cho họ, tiền chuyển bao nhiêu thì chuyển lại số lượng rắn tương đương theo giá đã thỏa thuận.

Hiện tại anh vừa tiêu thụ sản phẩm của mình vừa thu gom của những người nuôi nhỏ lẻ để đủ số lượng chuyển xuất sang Trung Quốc. “Trước kia họ đặt hàng, chuyển tiền thiếu chút đỉnh nhưng vẫn giao đủ số lượng, họ chuyển tiền bù lại sau, nhưng về sau họ trả tiền chậm dần, chậm dần, vì vậy phải cảnh giác, “tiền trao cháo múc” cho chắc ăn. Hơn nữa xem thông tin trên báo, đài thấy nhiều vụ mua cua ở Cà Mau, Bạc Liêu… trả tiền chưa đủ mà dông mất nên phải thận trọng”- anh Khởi thận trọng.

Anh Khởi cho biết: Nhiều lần người Trung Quốc đến vừa hỏi mua rắn giống, rắn thịt rồi hỏi anh sử dụng thức ăn cho rắn, anh thật tình nói thiệt là thức ăn chỉ là ếch nhái và cá da trơn, thời gian tăng trọng một năm đạt từ 800g đến hơn ký.

Họ liền ngỏ ý cung cấp thức ăn tăng trọng và rút ngắn thời gian nuôi chỉ còn 6- 7 tháng rắn có trọng lượng trên 1kg, nhưng anh không đồng ý.

“Sau nhiều lần thuyết phục, tôi không mua, họ lại cho thử một mớ, nhưng tôi cũng không nhận, họ để lại rồi sau khi họ ra về tôi liền đem tiêu hủy chứ không dám sử dụng. Vì cũng qua báo, đài, tôi biết có trường hợp sử dụng thuốc tăng trọng của họ sau một thời gian họ nói rắn có nhiễm chất này chất nọ ép giá dân mình. Và cũng từ đó, những người lạ đến hỏi tham quan mô hình tôi cũng hạn chế cho vào xem”- anh Khởi cảnh giác.

Anh Khởi khẳng định thêm: Với giá xuất bán sang Trung Quốc như hiện nay, người nuôi lời khoảng 500.000 đ/con sau 1 năm, còn bán nội địa cũng lời khoảng 300.000đ. Mặt hàng này tiêu thụ trong nước không nhiều lắm nhưng vẫn đều đều.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thảnh Nguyễn Ngọc Tuân cho biết: “Nuôi rắn ri voi không tốn nhiều chi phí bởi không nhất thiết phải đầu tư xây dựng chuồng trại, tùy theo điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình mà có quy mô nuôi lớn hay nhỏ.

Người nuôi có thể tận dụng diện tích trong nhà thả nuôi rắn trong thau, trong chậu hoặc thùng. Thức ăn cho chúng cũng dễ tìm và công chăm sóc cũng nhẹ. Vì vậy, nghề nuôi rắn ri voi thích hợp với nhiều đối tượng gia đình, nhất là đối với bà con nông thôn tận dụng thời gian nhàn rỗi để cải thiện cuộc sống gia đình. Hiện đã có hàng chục hộ thoát nghèo nhờ nuôi rắn ri voi”.


Khan Nguồn Cung, Trăn Tăng Giá Khan Nguồn Cung, Trăn Tăng Giá Chú Trọng Phòng Chống Dịch Bệnh Gia Súc Gia Cầm Chú Trọng Phòng Chống Dịch Bệnh Gia Súc…