Nuôi ruồi lính đen giàu to
Ông Ngô Hữu Phước, 63 tuổi, ngụ ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long chuyên nuôi cá nước ngọt. Năm 2019 ông tiến hành nuôi ruồi lính đen để sản xuất ấu trùng làm thức ăn cho cá.
Ông Ngô Hữu Phước giới thiệu trứng ruồi mới đẻ.
Ông Phước cho biết, ruồi là loại sinh vật đặc biệt dễ nuôi, sinh sản rất nhanh. Chi phí dành cho nuôi ruồi rất thấp, trại nuôi không cần tốn nhiều diện tích và cũng không ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Ruồi lính đen còn gọi là ruồi đen, có tên khoa học là Hermetia Illucens, không gây hại và dịch bệnh như các loại ruồi thông thường khác, trái lại ruồi lính đen còn dùng để xử lý chất thải trong nông nghiệp. Ngoài ra, ấu trùng ruồi lính đen còn có khả năng phân hủy rác thải.
Để thực hiện mô hình, ông Phước mua 2 kg trứng ruồi giống về nuôi thử nghiệm. Sau một thời gian ngắn, ông thấy ấu trùng phát triển rất nhanh. Đến nay ông đã sản xuất được một lượng ấu trùng khá lớn, đáp ứng nhu cầu thức ăn cho hàng trăm ngàn con cá đủ loại mà không cần tốn thêm thức ăn công nghiệp.
Ông cho biết, cứ sau 2 - 3 ngày ông có được một lứa ruồi xấp xỉ từ 30 - 50 kg, mỗi con ruồi cái trưởng thành có thể đẻ từ 70 - 80 trứng có màu sắc trắng sáng, đẹp mắt. Sau khi ruồi đẻ, ông lấy trứng cho vào khay, sau đó ủ 4 ngày trứng sẽ nở và sau 2 tuần sẽ thành ấu trùng, còn gọi là nhộng (dân gian gọi là dòi).
Từ ngày thứ 20 nhộng chuyển sang màu đen, chúng tự lột vỏ biến thành ruồi và bắt đầu đẻ trứng trong vòng 7 ngày ngắn ngủi rồi chết. Đặc điểm của loài côn trùng này là vòng đời của chúng chỉ kéo dài từ 40 – 45 ngày. Xác ruồi được tận dụng làm phân bón cho cây trồng và rau củ rất tốt.
Hiện nay dù giá trứng ruồi rất cao, từ 15 - 20 triệu đồng/kg nhưng ông chưa bán mà chỉ dùng tạo ra ấu trùng để làm thức ăn cho trên 150.000 con cá bống tượng và nhiều loại cá thương phẩm. Theo tính toán của ông Phước, cứ 1 kg trứng ruồi sẽ nở ra thành 3,5 - 4 tấn ấu trùng giúp người nuôi cá khỏi phải mua thêm thức ăn.
Để thực hiện thành công mô hình, ông Phước đã bao lưới kín toàn bộ trại nuôi gồm nhiều mùng lưới để ruồi không thoát ra ngoài và không bị những côn trùng khác xâm hại. Nhiệt độ trong chuồng thường ở mức 25 - 27 độ C. Thức ăn của ruồi đen là các phế phẩm nông nghiệp, tốt nhất là xác đậu nành và chuối chín. Chuối chín có vị ngọt và thơm rất thích hợp với loài côn trùng này.
Đến thăm trang trại ruồi của ông, mọi người không khỏi ngạc nhiên là trong những chiếc mùng lưới cao ngang ngực, người ta nhìn thấy ruồi bu đen các vạt mùng, chúng chen chúc nhau đẻ trứng trên những miếng ván ghép lại.
Nhiều người chăn nuôi cho biết trứng ruồi, nhộng ruồi là thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Trứng ruồi và nhộng ruồi đen rất giàu protein và chất béo. Do đó giá trứng ruồi và ruồi thương phẩm lúc nào cũng hút hàng.
Ông Phước là một trong những nông dân đầu tiên ở Vĩnh Long chọn ấu trùng ruồi đen thay thế thay cho thức ăn công nghiệp. Ông cho biết nhiều năm qua, ông cho cá ăn bằng thức ăn truyền thống, năm nào cũng thu lời bạc tỷ. Năm nay, với thức ăn bằng sản phẩm từ ruồi lính đen, chắc chắn lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều.
Lão nông Ngô Hữu Phước phấn khởi cho biết: “Trải qua nhiều năm nuôi đủ loại cá, cho ăn nhiều loại thức ăn, kể cả trùn quế là thức ăn cao cấp. Nhưng từ khi sản xuất thành công trứng ruồi và ruồi thành phẩm cho cá ăn, tôi thấy hiệu quả cao hơn trùn quế nhiều lần.
Cá ăn thức ăn bằng sản phẩm ruồi đen tăng trưởng rất nhanh, con giống khỏe mạnh, chất lượng bảo đảm và ít hao hụt. Từ thành công đó, hướng tới tôi sẽ mở rộng trang trại để vừa nuôi ruồi lấy trứng bán cho các cơ sở chăn nuôi, vừa phát triển ao cá để tăng thêm thu nhập”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ