Nuôi Thủy Sản Ở Kênh Tiêu Lợi Bất Cập Hại
Một số nơi trong tỉnh Bắc Giang, có việc chính quyền sở tại cho nông dân thầu hoặc buông lỏng quản lý để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm lưu vực, dòng kênh tiêu để nuôi thả cá. Việc làm này mang lợi ích cho số ít người nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tiêu úng, gây thiệt hại lớn về sản xuất của hàng trăm hộ dân.
Đồng thành ao
Nhiều ngày qua trời đã tạnh mưa nhưng một số cánh đồng Sui, Úc, Bãi Đồng, Đồng Lều của thôn 6, xã Việt Tiến (Việt Yên) vẫn ngập trắng nước, nhiều người giăng lưới bắt cá, chao cua hoặc vớt bèo về làm thức ăn cho lợn. Nhiều thửa lúa cây thâm đen, nghẹn đòng đang được nông dân cắt dọn, vệ sinh đồng ruộng.
Bà Đoàn Thị Oanh cho biết: "Gia đình tôi cấy 6 sào lúa thì 5 sào bị ngập úng mất trắng. Một sào ở chân vàn cao mặc dù không hỏng hết nhưng do bị ngâm lâu trong nước đúng vào thời điểm lúa đang làm đòng nên cây thì thối đòng, cây đòng ngắn, trỗ không thoát. Cả vụ này coi như mất đứt gần tấn thóc rồi".
Đồng đất thôn 6 vốn là chân vàn cao, sản xuất 3 vụ/năm. Những năm trước vào thời điểm này, nơi đây nông dân đang tất bật thu hoạch lúa mùa sớm để trồng cây vụ đông. Thế nhưng từ khi kênh tiêu bị chặn thì cánh đồng này cứ mưa là ngập, hỏng lúa, hoa màu.
Ông Giáp Văn Quán, Bí thư Chi bộ thôn 6 cho biết: "Ngay cả trong vụ đông xuân, mưa ít cánh đồng này cũng bị ngập. Chỉ cần nước thủy nông về nhiều, không thoát được bị ứ đọng lại dồn xuống ruộng. Khoảng 3 năm gần đây, năm nào thôn cũng có mạ bị chết do ngập, người dân phải tốn công gieo lại. Vừa rồi, xã có chính sách hỗ trợ hạt rau giống cho nông dân để khắc phục hậu quả mưa lũ nhưng đồng vẫn ngập nên đành bỏ không. Mưa lớn vừa qua đã làm gần 10 ha lúa của 150 hộ trong thôn mất trắng".
Cùng với thôn 6, thôn Mai Thượng 2, xã Hương Mai (Việt Yên) nông dân cũng phải bỏ trống hơn 3 ha ruộng do thường xuyên bị ngập úng. Riêng vụ mùa năm nay, thôn có 2 ha mất trắng.
Được biết, một số diện tích lúa, hoa màu của thôn 6, thôn Mai Thượng 2 vốn tiêu úng tự chảy qua kênh tiêu thuộc địa bàn thôn Tân Sơn, An Hòa, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa). Những năm gần đây, kênh tiêu này luôn bị ách tắc do thôn Tân Sơn cho người dân thầu ngòi nuôi cá. Vì vậy cánh cống thoát nước đập Cầu U luôn đóng hoặc chỉ được mở rất cầm chừng để giữ nước, giữ cá. Ngày 13-9, trong khi nước tại cánh đồng thôn 6 vẫn ngập trắng băng thì một cánh cống đập Cầu U vẫn đóng im ỉm, cánh còn lại mở nhỏ và được chắn bằng tấm lưới sắt, khiến dòng chảy bị hạn chế.
Ông Lưu Đình Tư, chủ thầu ở thôn Tân Sơn cho biết, ông được thôn cho thầu gần 2 ha lòng ngòi để nuôi cá trong 10 năm. Theo đó, mỗi năm ông phải nộp 3,5 triệu đồng và đến nay đã nuôi được gần 4 năm. Với gần 2 ha mặt nước, ông thu được 5 tấn cá/năm, trừ chi phí lãi khoảng 30-40 triệu đồng. Như vậy, chỉ riêng gia đình ông Tư thu lợi và đóng góp một phần quỹ nhỏ cho thôn Tân Sơn nhưng nhiều cánh đồng trở thành ao, gây thất thu cho hàng trăm hộ thuộc địa bàn hai xã Việt Tiến, Hương Mai (Việt Yên).
"Xén" kênh tiêu
Bên cạnh thầu lòng kênh tiêu để nuôi cá, tại nhiều nơi, do quản lý lỏng lẻo nên người dân tự ý đào ao, lấn chiếm lòng kênh tiêu, thu hẹp dòng chảy, gây khó khăn cho công tác tiêu úng. Đơn cử, kênh Văn Sơn dài 6 km thuộc xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) có chức năng tiêu úng cho khoảng 2 nghìn ha thuộc địa bàn xã Dĩnh Trì, Dĩnh Kế, Xương Giang và Khu dân cư số 2-TP Bắc Giang có nhiều đoạn bị "xén". Đó là đoạn qua thôn Nợm, xã Dĩnh Kế, thôn Cầu, xã Dĩnh Trì bị 6 hộ dân đào ao thu hẹp hơn một nửa lòng kênh, từ 8m nay kênh chỉ rộng gần 4m; nhiều đoạn kênh qua xã Tân Tiến chỉ còn 10m thay vì gần 100m như trước đây bởi nhiều ao cá mọc lên.
Ông Đoàn Tiến Nam, Trưởng trạm bơm Vân Sơn cho biết: "Lưu vực tiêu lớn nhưng nhiều đoạn kênh bị ách tắc do người dân đào ao thu hẹp lòng kênh nên cán bộ của trạm phải rất vất vả khơi thông bèo rác, kiểm tra tại tuyến kênh và vận động người dân tháo đăng, đó để dòng chảy thông thoáng. Mặc dù vậy, đôi khi máy bơm vẫn phải chờ nước bởi không đủ nguồn bơm, nhiều điểm bị ngập úng kéo dài".
Cùng kênh Văn Sơn, kênh tiêu nước D6 đoạn chảy qua thôn Chùa, xã Xuân Hương (Lạng Giang) bị 4 hộ dân phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) lấn chiếm để nuôi trồng thuỷ sản. Trước đây, lòng kênh này rộng khoảng 10-20 mét nhưng hiện chỉ còn một nửa, cá biệt có đoạn giống như một rãnh nước nhỏ.
Được biết, đây là đoạn kênh quan trọng có nhiệm vụ tiêu nước cho khoảng 1000 ha lưu vực thuộc các xã: Tân Dĩnh, Mỹ Thái, Xuân Hương và một phần xã Phi Mô (Lạng Giang) chảy ra sông Thương. Từ khi đoạn kênh bị người dân lấn chiếm, mỗi khi mưa to nước từ khắp nơi dồn về đến đoạn này bị tắc nghẽn. Riêng trong 2 năm qua, hàng chục ha đất lúa của thôn Hương Mãn, thôn Chùa (xã Xuân Hương) phải bỏ hoang.
Không để lợi nhỏ, hại lớn
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) hiện hầu hết vùng trũng, lưu vực tiêu, rải nước được các xã cho thầu khoán để nuôi trồng thủy sản. Để giữ cá, số hộ này chặn cống, chặn dòng, hệ lụy kéo theo là công tác tiêu úng gặp trở ngại, có nơi ngập úng kéo dài, gây thất thu lớn. Một số diện tích mặc dù chưa thiệt hại 100% do bị ngâm lâu trong nước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất.
Trước thực trạng này, các huyện, thành phố cần tăng cường công tác quản lý, phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm công trình. Đối với diện tích cho thầu khoán, trong hợp đồng cần ghi rõ điều khoản thoát nước khi cần thiết. Mặt khác khi quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản phải bố trí xây dựng hệ thống thoát nước riêng dành cho sản xuất. Một số ý kiến cho rằng cần hủy hợp đồng thuê mặt nước đối với vùng gây hậu quả nghiêm trọng, không để tình trạng lợi bất cập hại.
Quyết định 55/2004/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi quy định nuôi trồng thuỷ sản trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ