Tin thủy sản Nuôi tôm bền vững, tăng lợi nhuận

Nuôi tôm bền vững, tăng lợi nhuận

Tác giả Trần Thiện, ngày đăng 14/08/2017

Nuôi tôm bền vững, tăng lợi nhuận

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợåp quốc (FAO), Sở NN&PTNT Bạc Liêu và Sóc Trăng phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy Sản II thực hiện Dự án “Đánh giá nguyên nhân và tác động của nuôi tôm thất bại và thực hiện mô hình thí điểm nuôi tôm bền vững tại tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu”. Dự án đã xây dựng và thí điểm 2 mô hình tôm thẻ chân trắng bán thâm canh và mô hình tôm - lúa.

Nuôi lươn đồng thương phẩm đem lại hiệu quả cho nhiều địa phương. Ảnh: Nguyên Chi 

Chia sẻ kinh nghiệm       

Theo các cơ quan quản lý của Bạc Liêu và Sóc Trăng, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh được sản xuất từ tháng 2 - 9 dương lịch, diện tích trung bình 0,4 ha/ao, mật độ 30 - 60 con/m2, thời gian nuôi 75 - 90 ngày có thể thu hoạch với năng suất 3 - 4 tấn/ha/vụ, lợi nhuận 100 - 150 triệu/ha/vụ.

Điển hình như hộ ông Phạm Văn Sĩ, ngụ ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) với quy mô 1 ha nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, mật độ 30 con/m2, sau thời gian 2 tháng, thu hoạch được 1,3 tấn tôm thương phẩm; trừ chi phí còn lãi trên 61 triệu đồng. Ông Sĩ chia sẻ, để đạt thành công khâu chuẩn bị ban đầu là rất quan trọng. Theo đó, cần cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, không nên nóng vội, nuôi với mật độ phù hợp với khả năng đầu tư và điều kiện vùng sản xuất tại địa phương. Ngoài ra, bà con cũng nên chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, theo dõi sức khỏe tôm và các yếu tố môi trường trong quá trình nuôi.

Hiện nay, mô hình sản xuất tôm càng xanh - lúa - tôm sú tuân thủ theo lịch thời vụ ngành chuyên môn: Bắt đầu từ tháng 3 - 9 dương lịch người dân thả tôm sú với mật 5 - 7 con/m2, sau khi thu hoạch tôm sú tiến hành rửa mặn, phèn và từ tháng 8 - 2 năm sau tiến hành canh tác lúa lấp vụ kết hợp thả tôm càng xanh với mật độ 3 - 5 con/m2. Hiệu quả mô hình cũng khá khả quan với năng suất tôm sú 1 - 1,2 tấn/ha/vụ, tôm càng xanh 0,2 - 0,5 tấn/ha/vụ, lúa 5 - 6 tấn/ha/vụ, tổng lợi nhuận 40 - 60 triệu/ha/vụ.

Ông Ngô Công Văn, ngụ ấp Hòa Lời, xã Ngọc Đông (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) thực hiện mô hình này với quy mô diện tích 1 ha cũng đạt được kết quả khả quan, lợi nhuận khoảng 100 triệu/ha/năm, từ đó góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Theo ông Văn, ưu điểm của mô hình là góp phần tăng tính bền vững trong sản xuất, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm giúp ổn định môi trường nước, hạn sử dụng hóa chất, tăng độ màu mỡ cho đất, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại và khả năng lây lan mầm bệnh. Ngược lại việc trồng lúa sau vụ nuôi tôm sẽ giúp tiết kiệm phân bón, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng chất lượng hạt gạo. Để thực hiện mô hình đạt kết quả người dân cần lưu ý nên chọn tôm càng xanh giống tại các cơ sở uy tín để đảm bảo chọn được giống toàn đực nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, cần ương tôm trong thời gian từ 30 ngày (đối với tôm sú) và 35 ngày (đối với tôm càng xanh) nhằm kiểm soát tốt hơn tỷ lệ sống, cho ăn trong suốt quá trình nuôi tăng năng suất tôm khi thu hoạch; riêng đối với sản xuất lúa cần chọn giống lúa chịu mặn, ngắn ngày phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương.

Thay đổi tập quán sản xuất

Để tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trong thời gian tới, TS Phan Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II nhấn mạnh, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất truyền thống là yếu tố quyết định thành công trong nuôi tôm nước lợ và cần được duy trì thường xuyên. Trong quá trình sản xuất, việc hoạt động theo tổ nhóm giúp người dân kịp thời chia sẻ những kinh nghiệm để giải quyết vấn đề khó khăn trong quá trình nuôi.

Mặt khác, cần xây dựng hiệu quả chuỗi liên kết góp phần tăng thu nhập cho nông dân là việc làm cấp bách hiện nay. Ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu cho biết, thời gian qua Bạc Liêu đã chủ động xây dựng, đẩy mạnh liên kết đầu vào và đầu ra trong sản xuất nông nghiệp nói chung, nuôi tôm nói riêng. Ngoài ra, cần vận động nông dân sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng cường sự tương trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị sản phẩm sau khi thu hoạch.

Một giải pháp khác được đưa ra, chính là cần chủ động xây dựng lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản phù hợp với từng địa phương, giúp nông dân chủ động trong quá trình sản xuất. Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng chia sẻ, hàng năm ngành NN&PTNT Sóc Trăng trên cơ sở đánh giá kết quả sản xuất trong năm để xây dựng lịch thời vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản phù hợp với từng địa phương. Ngoài ra, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm đồng bộ cũng sẽ góp phần tăng hiệu quả nuôi tôm nước lợ hiện nay.

>> Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Cần tăng cường hỗ trợ cơ sở, hộ sản xuất nhỏ lẻ vì đây là thành phần sản xuất chiếm số đông và dễ chịu tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục phối hợp với các Viện, Trường, các địa phương trong công tác chỉ đạo sản xuất và hoàn thiện các quy trình nuôi tôm nước lợ, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân sản xuất ngày càng đạt hiệu quả hơn.


Khả năng tiết kiệm thức ăn trong nuôi tôm thẻ chân trắng theo biofloc Khả năng tiết kiệm thức ăn trong nuôi… Tác dụng của acid formic Tác dụng của acid formic