Tin thủy sản Nuôi tôm đạt chứng nhận ASC

Nuôi tôm đạt chứng nhận ASC

Tác giả Đ.T.Chánh - PV, ngày đăng 28/09/2017

Nuôi tôm đạt chứng nhận ASC

Giải thích về chứng nhận ASC, ông Điền cho biết, đây là tiêu chuẩn quốc tế, cao hơn cả GlobalGAP. ASC là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.

Vùng nuôi tôm nguyên liệu của Cty Trung Sơn là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Kiên Giang

Chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council – Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.

"Chứng nhận ASC giúp công ty đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng của khách hàng với các sản phẩm sạch và bền vững. Đây cũng là xu hướng mới ở tất cả các thị trường trên thế giới. Chúng tôi coi chứng nhận này là một bước tiến quan trọng trong định hướng chiến lược phát triển bền vững, lâu dài của mình”, ông Lê Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Trung Sơn (Trung Sơn Corp) tự hào nói về chứng nhận mà đơn vị đã đạt được.

Vùng đất Hà Tiên – Kiên Lương được xem là “mỏ” sản xuất tôm nguyên liệu của tỉnh Kiên Giang với rất nhiều doanh nghiệp đầu tư thả nuôi với diện tích từ vài trăm đến cả ngàn hecta. Nhiều đơn vị đã đầu tư nhà màng, lót bạt đáy toàn bộ ao để nuôi tôm theo công nghệ cao, tạo ra sản phẩm tôm sạch. Trong đó, Cty CP Trung Sơn (xã Dương Hòa, Kiên Lương) đã được Bộ NN-PTNT cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dẫn tôi đi thăm hku nuôi tôm của đơn vị, ông Trương Minh Điền, Phó Tổng Giám đốc kỹ thuật Cty CP Trung Sơn hào hứng cho biết, toàn bộ diện tích khu nuôi tại ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa, của đơn vị là 650ha, trong đó đang khai thác sử dụng là 350ha với 160ha mặt nước. Trung Sơn đang sản xuất tôm theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, tất cả đầu được khép kín. Tôm bố mẹ được đơn vị nhập về từ Hawaii (Hoa Kỳ) để sản xuất tôm giống tại Bình Thuận, sau đó chuyển về vùng nuôi. Tôm giống đảm bảo an toàn dịch bệnh, đạt chứng nhận GlobalGAP.

Ông Trương Minh Điền giới thiệu về vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Trung Sơn

Khu nuôi có hệ thống lấy nước biển riêng, gồm kênh cấp, qua trạm bơm lên kênh cấp nổi, đến kênh nhánh cấp vào ao xử lý và cuối cùng là ao nuôi. “Hiện Trung Sơn đang nuôi tôm theo quy trình 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tôm giống được ương trong nhà màng từ 25 – 30 ngày. Đây là khu nhà màng hiện đại, hoàn toàn không lệ thuộc thời tiết bên ngoài. Sau đó tôm được chuyển ra ao lót bạt đáy nuôi thương phẩm với mật độ từ 250 – 400 con/m2. Tôm được thu hoạch đúng theo kích cỡ (size) khách hàng đặt và chuyển về nhà máy của Trung Sơn để chế biến, xuất khẩu. Do nhà máy nằm ngay tại vùng nuôi nên tôm đưa vào chế biến sẽ rất tươi, đảm bảo chất lượng”, ông Điền nói về quy trình nuôi theo tiêu chuẩn ASC của đơn vị.

Giải thích về chứng nhận ASC, ông Điền cho biết, đây là tiêu chuẩn quốc tế, cao hơn cả GlobalGAP. ASC là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm. Môi trường bền vững, không suy thoái, không ảnh hưởng đến chung quanh. Đảm bảo an sinh xã hội, vùng nuôi phải nằm trong khu quy hoạch của nhà nước, không ảnh hưởng đến các hộ dân liền kề. Nuôi an toàn sinh học (dịch bệnh), tuyệt đối không được sử dụng chất cấm, không phá hủy môi trường nuôi, gây ảnh hưởng đến các loài động vật hoang dã. An toàn thực phẩm, sản phẩm phải đảm bảo sạch, không tồn lưu kháng sinh, chất cấm, an toàn cho người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Theo ông Điền, Trung Sơn không chỉ chú trọng làm ra sản phẩm sạch mà còn rất quan tâm, chú trọng tới đời sống người lao động như lo chỗ ăn, chỗ ở cho công nhân.

Tôm nuôi công nghệ cao trong nhà màng hiện đại của Trung Sơn tại Kiên Lương

Anh Dương Văn Hòa, nhà ở Ba Hòn, Kiên Lương, làm việc cho Trung Sơn từ năm 2003 đến nay, hiện đang là Trưởng khu quản lý diện tích 20ha cho biết: “Làm việc trong đơn vị ứng dụng công nghệ cao công nhân rất khỏe vì đã có máy móc hỗ trợ. Chẳng hạn cho tôm ăn trước đây công nhân phải thức canh giờ bơi xuồng đi cho tôm ăn theo cữ. Còn bây giờ đã có máy cho ăn tự động, công nhân chỉ đi kiểm tra xem máy có trục trặc gì không, chứ không phải tốn công, tốn sức nhiều. Thu nhập của công nhân cũng khá tốt, ngoài lương còn có thêm tiền thưởng nếu nuôi đạt và vượt sản lượng. Ăn, ở đã được công ty lo hết, nên công nhân không tốn gì nhiều. Vì vậy, tôi cũng như nhiều anh em ở đây đều có mong muốn gắn bó lâu dài với nơi này”.

Cty CP Trung Sơn đang sản xuất tôm theo chuỗi khép kín từ ao nuôi đến chế biến xuất khẩu, với các mặt hàng như tôm đông lạnh nguyên con, tôm chế biến giá trị gia tăng (như tôm sushi). Thị trường xuất khẩu chính hiện nay là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... Nhờ đạt chứng chỉ ASC và là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên sản phẩm của Trung Sơn luôn đảm bảo chất lượng, dễ dàng được các thị trường khó tính chấp nhận.


Đối mặt thẻ vàng EU, Việt Nam cam kết chống khai thác IUU Đối mặt thẻ vàng EU, Việt Nam cam… Cà Mau nâng cao sức cạnh tranh các mặt hàng thủy sản xuất khẩu Cà Mau nâng cao sức cạnh tranh các…