Mô hình kinh tế Nuôi Tôm Nước Lợ Chưa Căn Cơ

Nuôi Tôm Nước Lợ Chưa Căn Cơ

Ngày đăng 06/08/2014

Nuôi Tôm Nước Lợ Chưa Căn Cơ

Tổng cục Thủy sản cho biết, sản lượng thu hoạch tôm từ đầu năm đến nay hơn 258.700 tấn, bằng 254% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó tôm chân trắng tăng gấp 5 lần với 149.500 tấn, còn lại là tôm sú.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu mặt hàng tôm vẫn tăng mạnh và có thể đạt 3 tỷ USD vào cuối năm 2014 nếu như dịch bệnh được kiểm soát và thị trường thuận lợi. Nhưng mặt hàng chiến lược số 1 của thủy sản này cũng có không ít điều để nói.

Kiểm dịch con giống, quản lý vật tư

Muốn có giống sạch để đảm bảo vụ nuôi thành công, yếu tố quan trọng là phải làm tốt khâu kiểm dịch. Thế nhưng tại cuộc họp đánh giá vụ nuôi tôm nước lợ mới đây tại TPHCM, ngành thủy sản tỉnh Bến Tre cho rằng, theo quy định của Pháp lệnh Thú y, với gia súc, gia cầm vận chuyển từ tỉnh khác đến địa phương nào đó đều phải trình báo trạm kiểm dịch cố định trên đường, nhưng với con giống thủy sản cán bộ phải đến các cơ sở kinh doanh để kiểm dịch.

Với lực lượng chuyên ngành mỏng, đồng nghĩa với khả năng con giống chưa kiểm dịch đã bán ra thị trường rất lớn, nhưng chỉ có 10% - 20% con giống nơi khác đến được kiểm dịch. Việc giám sát định kỳ môi trường vùng nuôi là cần thiết, nhưng làm tốt việc kiểm dịch con giống, nhất là từ các tỉnh khác đến xem ra còn cần thiết hơn.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, việc kiểm dịch giống tôm sú và thẻ chân trắng bố mẹ là khâu quan trọng, nhưng hiện cơ sở chỉ đăng ký kinh doanh, không quy định đăng ký chất lượng. Vì vậy, cần bổ sung vào Nghị định 119 khắc phục những bất cập này nhằm tăng cường kiểm dịch con giống, đặc biệt là giống tôm, vật nuôi rất nhạy cảm với thời tiết và môi trường.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản như thuốc, hóa chất, sản phẩm sinh học. Đại diện tỉnh Ninh Thuận cho rằng, việc tiêu độc khử trùng, lâu nay thường dùng Clorin là lợi bất cập hại, vì sát khuẩn nhưng lại ảnh hưởng môi trường vùng nuôi, làm trơ nền đất và độc với thủy sản. Gần đây có sản phẩm mới, nhưng chưa có văn bản hay tài liệu chính thống hướng dẫn về cơ chế, tác nhân, ảnh hưởng môi trường.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chỉ đạo các địa phương cần kiểm tra diện rộng tất cả các vật tư nông nghiệp đầu vào nuôi trồng thủy sản. Riêng tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm, ông Nguyễn Huy Điền đề nghị các địa phương nghiêm cấm nông dân đưa trực tiếp kháng sinh nguyên liệu (nhất là nhóm Oxytetracyline) xuống ao nuôi.

Việc lạm dụng kháng sinh khiến mặt hàng tôm Việt Nam bị cảnh báo và kiểm tra nghiêm ngặt ở một số thị trường xuất khẩu quan trọng.

Giám sát dịch bệnh

Từ đầu năm đến nay hơn 24.000ha tôm nuôi bị mất trắng vì dịch bệnh, Sóc Trăng và Trà Vinh là 2 tỉnh có diện tích bị dịch bệnh lớn nhất, chiếm hơn 50% diện tích. Như vậy, dù khá thành công về mặt sản lượng, nhưng dịch bệnh tiếp tục đe dọa nhiều vùng nuôi tôm.

Ngoài Sóc Trăng và Nghệ An, mới đây Quảng Ninh là tỉnh thứ 3 công bố dịch bệnh tôm, chủ yếu là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy với diễn biến còn phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.

Thế nhưng việc phòng chống dịch bệnh còn nhiều bất cập, nhất là các địa phương. Theo Cục Thú y, bên cạnh việc kiểm dịch con giống, cần có chương trình quản lý và giám sát dịch bệnh từng vùng nuôi giúp phát hiện dịch bệnh kịp thời, nhất là việc lưu ý người nuôi về xu hướng bệnh có thể phát sinh thời điểm nào, nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy, để có sự đề phòng cũng như phát hiện sớm nhất.

Theo Cơ quan Thú y vùng 6, các địa phương vẫn nghiêng về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn, chưa xem trọng dịch bệnh thủy sản, nhất là bệnh trên con tôm. Điều này thể hiện rõ qua kinh phí phòng dịch. Năm nay tỉnh Đồng Nai trích 7 tỷ đồng cho phí phòng chống dịch bệnh động vật; Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vài chục tỷ đồng/tỉnh.

Thế nhưng, Sóc Trăng, tỉnh trọng điểm nuôi tôm cả nước, trên 50.000ha, kinh phí chưa được 280 triệu đồng. TP Đà Nẵng chỉ 10 triệu đồng. 42 tỉnh, TP không có kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản. 8 tỉnh, TP có kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản nhưng lại không được bố trí kinh phí.

Kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào làm tốt công tác thú y thủy sản sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh xảy ra. Như Hà Tĩnh, buổi chiều mỗi ngày, Chi cục Thú y Hà Tĩnh báo cáo tình hình dịch bệnh cho Phó giám đốc Sở NN-PTNT phụ trách thủy sản, từ đó báo lên Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp.

Nhờ vậy, tỉnh và ngành nông nghiệp luôn nắm sát diễn biến dịch bệnh trên địa bàn để có hướng giải quyết kịp thời. Mỗi cán bộ thú y, thủy sản lại được phân công theo dõi một xã có nuôi thủy sản. Nếu xảy ra dịch bệnh, cán bộ xã chịu trách nhiệm. Đó là lý do Hà Tĩnh kiểm soát khá tốt dịch bệnh tôm.

* Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 có chương trình quan trắc, gắn với giám sát dịch bệnh rất cần thiết trong môi trường nuôi trồng thủy sản, nhưng do kinh phí hạn hẹp, nên khó duy trì và gắn kết bài bản. Nếu có hệ thống quan trắc gắn kết sẽ phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản tốt hơn. Việc phát sinh bệnh tôm, nhất là hoại tử gan tụy và đốm trắng ở ĐBSCL những năm gần đây liên quan đến an toàn sinh học và quá trình gây nhiễm từ môi trường ao nuôi.


Cây Trồng Chủ Lựcở Khánh Sơn (Khánh Hòa) Nhiễm Sâu Bệnh Cây Trồng Chủ Lựcở Khánh Sơn (Khánh Hòa)… Ông Trần Văn Hùng Ấp An Tấn, Xã An Lạc Tây, Huyện Kế Sách Làm Giàu Từ Nuôi Cá Trê Vàng Lai Ông Trần Văn Hùng Ấp An Tấn, Xã…