Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2014 Lợi Thế Về Giá Sẽ Không Còn
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám tại Hội nghị Tổng kết nuôi tôm các tỉnh phía Nam và triển khai kế hoạch năm 2014 do Tổng cục Thủy sản tổ chức tại Cà Mau vừa qua. Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, nuôi tôm nước lợ, nhất là tôm thẻ chân trắng năm 2013 đã có sự phát triển tốt, đóng góp lớn vào sản lượng nuôi và xuất khẩu của toàn ngành Thủy sản. Nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả này là do sản lượng tôm của các nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới giảm vì bị ảnh hưởng dịch bệnh dẫn đến giá tôm nguyên liệu và xuất khẩu năm 2013 đều cao. Tuy nhiên khi bước sang năm 2014, những lợi thế này - nhất là lợi thế về giá có thể sẽ không còn do các nước xuất khẩu tôm bị dịch bệnh trong năm 2013 khắc phục và tăng sản lượng tôm nuôi. Tổng cục Thủy sản cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2013, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt 652.612 ha (bằng 99,2% so với cùng kỳ năm ngoái), sản lượng tôm thu hoạch đạt 475.854 tấn. Trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú đạt 588.894 ha, sản lượng thu hoạch 232.853 tấn; diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng 63.719 ha; sản lượng thu hoạch đạt 243.001 tấn. Diện tích tôm nuôi bị bệnh là 68.099 ha bệnh, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 10,4% diện tích nuôi tôm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại giá tôm thẻ chân trắng cỡ 60 - 70 con/kg dao động từ 145.000 - 150.000 đồng/kg; tôm sú cỡ 40 - 50 con/kg dao động từ 180.000 - 190.000 đồng/kg. Đối với diện tích tôm nuôi thu hoạch đúng tuổi người nuôi có lãi bình quân từ 100 - 150 triệu đồng/ha. Giá trị xuất khẩu tôm 10 tháng năm 2013 đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng gần 32,7% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ