Mô hình kinh tế Nuôi tôm ở Hải Lạng vẫn lại bấp bênh

Nuôi tôm ở Hải Lạng vẫn lại bấp bênh

Ngày đăng 25/08/2015

Nuôi tôm ở Hải Lạng vẫn lại bấp bênh

Chúng tôi đến ao nuôi tôm của hộ gia đình ông Đặng Văn Sáu, thôn Hà Dong Nam, một trong những hộ có diện tích nuôi tôm lớn của xã. Ông Sáu chia sẻ: Tôi đã nuôi tôm từ nhiều năm nay, hiện gia đình có 3 ao nuôi tôm công nghiệp với tổng diện tích 4ha. Mấy ngày hôm nay gia đình đang tập trung thu hoạch tôm, dự kiến vụ này thu được hơn 10 tấn, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, trừ hết chi phí cũng cho lãi khoảng 700 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay do đợt nắng nóng kéo dài hồi tháng 6 khiến cho một số đầm nuôi tôm ở xã bị chết, gia đình tôi cũng bị mất trắng một ao.

Xã Hải Lạng là một trong những vùng nuôi tôm lớn của huyện Tiên Yên, hiện xã có tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên 977ha, trong đó nuôi tôm trên 800ha, diện tích nuôi tôm công nghiệp là 15ha, còn lại là nuôi quảng canh. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ đầu năm xã đã thông báo danh sách, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của 8 cơ sở cung cấp giống có uy tín, chất lượng trong và ngoài tỉnh theo thông báo của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thế nhưng, hiện tượng tôm chết rải rác vẫn xảy ra.

Theo thống kê của UBND xã, đến thời điểm này có 140,7ha nuôi tôm bị chết, trong đó có 7 hộ nuôi công nghiệp tương đương 6,7ha. Có thể thấy, hiện tượng tôm chết không chỉ năm nay mới xuất hiện, mà từ năm 2012 trở lại đây, người nuôi trồng thuỷ sản của Hải Lạng liên tục bị thiệt hại do dịch bệnh gây nên. Được biết, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, khuyến cáo về các vùng nuôi, đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi đối tượng nuôi khác như: Cá rô phi đơn tính, cá bớp, cá đối mục.

Mặc dù vậy, với hướng đi này chính quyền hiện nay vẫn chưa có chính sách nào hỗ trợ người dân, trước mắt mới chỉ tuyên truyền để làm sao thay đổi môi trường ao, bởi một số ao nuôi trên địa bàn xã đã hơn chục năm nay đang bị ô nhiễm.

Từ thực trạng trên cho thấy, nghề nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nuôi tôm nói riêng ở Hải Lạng vẫn chưa thật sự bền vững. Phần lớn diện tích nuôi vẫn chủ yếu theo hình thức quảng canh và diện tích nuôi trồng đều phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên. Trong khi đó, điều kiện môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con tôm. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân căn bản khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, tình trạng sản xuất của người dân trong những năm qua vẫn rất manh mún, tự phát, công tác cải tạo ao đầm chưa được chú trọng và đầu tư. Đặc biệt với những diện tích lớn từ 6ha trở lên, để cải tạo người dân sẽ phải bỏ ra vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng để mua hoá chất xử lý nguồn nước, tiền con giống, thức ăn, điện… Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư vào nuôi trồng thuỷ sản còn hạn hẹp và việc tiếp cận nguồn vốn vay của các hộ dân còn gặp khó khăn.

Theo đồng chí Lộc Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lạng cho biết: Hiện nay huyện đã có quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản, tuy nhiên đến thời điểm này chưa có kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống kênh cấp và thoát nước, vì lý do đó mà xã vẫn chưa thể chuyển hết diện tích nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp. Vì vậy, xã rất mong sự quan tâm của tỉnh, huyện để tháo gỡ những khó khăn trên cho Hải Lạng, để nghề nuôi trồng thuỷ sản của xã phát triển ổn định, bền vững.


Si Ma Cai (Lào Cai) khai thác tiềm năng nuôi thủy sản Si Ma Cai (Lào Cai) khai thác tiềm… Quỳnh Lưu (Nghệ An) thả nuôi 300 ha tôm vụ 2 Quỳnh Lưu (Nghệ An) thả nuôi 300 ha…