Mô hình kinh tế Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Bước Đệm Quan Trọng Trong Quy Hoạch

Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Bước Đệm Quan Trọng Trong Quy Hoạch

Ngày đăng 29/08/2013

Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Bước Đệm Quan Trọng Trong Quy Hoạch

Những năm gần đây, do tác động của thời tiết, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp đã gây không ít khó khăn cho nhiều hộ nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế diện tích tôm nuôi bị thiệt hại liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại và góp phần nâng cao chất lượng tôm nuôi, thời gian qua, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành trong vùng đã triển khai nhiều mô hình nuôi theo hướng cải tiến. Sau đây là ghi nhận tại Cà Mau – địa phương dẫn đầu về diện tích nuôi tôm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng như nhiều người nuôi tôm khác ở đồng bằng sông Cửu Long, anh Huỳnh Chí Thanh ngụ tại xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh trên tôm bùng phát và gây thiệt hại. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến do ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thì những lo lắng đó không còn nữa.

Khác với cách nuôi truyền thống, nông dân phải tự bơi cả đầu vào lẫn đầu ra dẫn đến tính rủi ro rất cao, nhất là đối với những nông hộ ít vốn, ít đất; còn nuôi quảng canh cải tiến bà con được ngành nông nghiệp địa phương tư vấn từ cách chọn giống, cách phòng chống dịch bệnh cho đến khâu thu hoạch và tiêu thụ.

Anh Huỳnh Chí Thanh phấn khởi cho biết: "Lúc trước mình nuôi theo kiểu truyền thống, tôm nó phát triển rất chậm, nhiều dịch bệnh; còn khi tham gia mô hình này có nhiều chỗ hay là mình diệt được tạp, phơi được đất màu mỡ hơn".

Ông Trần Minh Nhiều, Phó Trưởng phòng NN&PTNN huyện Đầm Dơi, Cà Mau nhấn mạnh: "Mình sẽ kết hợp với bà con nông dân đến với trại giống chất lượng, sau khi lựa chọn và kiểm nghiệm đạt rồi thì mình sẽ cho bà con thả nuôi".

Theo ngành nông nghiệp địa phương, nuôi quảng canh cải tiến sẽ giám sát chặt chẽ và giảm được việc sử dụng các loại thuốc hóa học, thức ăn,… ưu tiên dùng sản phẩm vi sinh bảo vệ môi trường. Do đó, không chỉ hạn chế dịch bệnh mà còn góp phần nâng cao năng suất tôm nguyên liệu. So với nuôi tôm truyền thống, nông dân tham gia mô hình này có lãi từ 25 - 30 triệu đồng/ha.

Ông Đỗ Thanh Hài, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, Cà Mau bày tỏ quyết tâm: "Huyện đang tập trung chỉ đạo các ngành, tăng cường hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân thực hiện mô hình này để làm bước đệm cho những mô hình nuôi tôm cao hơn như nuôi công nghiệp. Do đó, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt để mang lại hiệu quả cao nhất cho người nuôi tôm".

Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất khu vực ĐBSCL, với diện tích chiếm hơn 260.000 ha. Tuy nhiên, phần lớn là nuôi theo truyền thống, do đó, hiệu quả chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình nuôi quảng canh cải tiến là trong những bước đệm quan trọng để tiến tới mô hình sản xuất cao hơn, nhất là mục tiêu quy hoạch vùng nuôi theo hướng bền vững đáp tốt nhu cầu xuất khẩu hiện nay.


Thanh Long Chợ Gạo Được Mùa, Được Giá Thanh Long Chợ Gạo Được Mùa, Được Giá Một Số Giải Pháp Bảo Vệ Và Khai Thác Hợp Lý Loài Vọp Geloina Coaxans Một Số Giải Pháp Bảo Vệ Và Khai…