Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Là Xu Thế Tất Yếu
Trước thực trạng tôm thẻ chân trắng (TTCT) đang thắng thế tôm sú vì được mùa, được giá thì việc vụ nuôi tới người dân chuyển sang nuôi TTCT là xu thế tất yếu. Để hiểu hơn về vấn đề này, TSVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tùng (ảnh), Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản.
Ông có thể cho biết hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi TTCT tại ĐBSCL?
TTCT đang được nuôi theo các hình thức là thâm canh (TC), bán thâm canh (BTC) và quảng canh cải tiến (QCCT). Theo đó, tổng vốn lưu động (con giống, thức ăn…) hay chi phí biến đổi cho một vụ nuôi TTCT phụ thuộc rất nhiều vào giá cả đầu vào (thức ăn, con giống…). Đây là nguyên nhân chính tác động đến tổng chi phí nuôi TTCT tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là mô hình nuôi TC công nghệ cao.
Mặc dù, trước đây người dân chưa có đủ nguồn vốn để áp dụng các mô hình nuôi TC đối với TTCT hoặc các mô hình nuôi tôm sú, nhưng với khả năng quay vòng vốn nhanh và thời gian nuôi ngắn (giảm thiểu được rủi ro thiệt hại), người dân đã phát triển các mô hình BTC, QCCT với chi phí thấp hơn, và dễ dàng xoay chuyển được đồng vốn.
Trong khi đó, thu nhập và lợi nhuận của các mô hình phụ thuộc nhiều vào yếu tố kích cỡ và sản lượng thu hoạch. Những mô hình nuôi mới như BTC, QCCT tuy chưa có quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng nhưng với năng suất, sản lượng hiện tại cùng giá cả thị trường cao đã tác động mạnh mẽ đến việc chuyển đổi sản xuất của người dân, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau thắng lợi vừa qua, người nuôi tôm đang có xu hướng chuyển diện tích nuôi tôm sú sang TTCT, hay nuôi ngoài quy hoạch, ông nghĩ sao về việc này?
Việc nuôi TTCT ngoài vùng quy hoạch và nuôi TTCT hình thức TC trên nền đất QCCT của tôm sú, đã dẫn đến những biến động đến kinh tế - xã hội tại các địa phương (vốn đã được quy hoạch phát triển ổn định và bền vững).
Giá tôm lên cao đã làm cho người nuôi phát triển ồ ạt diện tích nuôi, chưa có định hướng rõ ràng và chưa được đầu tư bền vững lâu dài về cơ sở hạ tầng. Đây là vấn đề được các cấp quản lý rất quan tâm khi không thể phát triển cơ sở hạ tầng phá vỡ tính bền vững của các quy hoạch hiện có, và cũng khó có thể ngăn cản người dân phát triển vì sinh kế và tính hiệu quả của nó.
Vậy ở nước ta có thể quy hoạch thành vùng chuyên TTCT không, thưa ông?
Phát triển mạnh nuôi TTCT là xu thế tất yếu, vì TTCT có nhiều ưu thế so với tôm sú, như: thời gian thu hoạch ngắn, mau lớn, nuôi được mật độ cao, rộng muối… Theo tôi, cần có quy hoạch vùng chuyên nuôi TTCT ở những tỉnh, thành có điều kiện phù hợp. Với TTCT, khuyến khích hình thức nuôi TC, BTC không thể nuôi QCCT tràn lan được.
Việc xây dựng quy hoạch các vùng chuyên nuôi TTCT trên quy mô toàn quốc là cần thiết. Điều này sẽ giúp quản lý tốt vùng nuôi, tạo ra vùng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc; Đồng thời, hạn chế và kiểm soát việc lây lan dịch bệnh.
Để quy hoạch thành vùng chuyên nuôi TTCT, chúng ta phải làm gì trước tiên?
Cần triển khai nhanh các quy hoạch, rà soát lại các văn bản pháp luật, quy định về nuôi TTCT, tôm nước lợ nhằm xây dựng định hướng rõ ràng, ổn định cho đối tượng này phát triển bền vững gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội không chỉ ở địa phương, toàn vùng và cả nước.
Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các nghiên cứu kỹ thuật, kinh tế về các mô hình nuôi TTCT hiệu quả nhằm xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy định rõ ràng về phát triển đối tượng TTCT tại khu vực ĐBSCL và cả nước.
Bên cạnh đó, cần xây dựng kênh thông tin liên kết giữa các cơ sở nuôi và thị trường tiêu thụ với phương thức quản lý, cách thức tổ chức nhằm tạo sự minh bạch, rõ ràng về thông tin, từ đó dự báo chính xác tình hình sản xuất, tiêu thụ TTCT để người nuôi nắm bắt thông tin, chuyển đổi sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ