Tin thủy sản Nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP

Nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP

Tác giả An Lãng, ngày đăng 15/12/2020

Nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP

“Muốn nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn dịch bệnh, lớn nhanh thì phải áp dụng quy trình sản xuất sạch, đó là quy trình sản xuất VietGAP”, ông Hoàng Văn Minh nói.

Nhờ con tôm, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 1 tỉ đồng.

Ông Hoàng Văn Minh (khu 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đang sở hữu trang trại nuôi tôm sạch rộng 3ha, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Ở cái tuổi lục tuần, dáng người nhỏ thó nhưng trông ông Minh rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh như thanh niên. Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi thủy sản, thành công ở nhiều mô hình khác nhau, nhưng cuối cùng ông lại chọn con tôm thẻ chân trắng để phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Ông Minh tâm sự, năm 2010 ông bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng; hồi đó tôm thẻ chân trắng ít người nuôi, chưa phát triển rầm rộ như bây giờ. Do đã có kinh nghiệm nuôi tôm nên ông không mảy may lo lắng chút nào. Ngay từ vụ nuôi đầu tiên, ông đã nuôi theo hình thức công nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất sạch.

Bởi thế, đàn tôm luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, con nào con nấy to đồng đều nhau. Từ khi mở trang trại đến nay, gia đình ông Minh chưa lần nào phải đau đầu vì đại dịch xuất hiện trên con tôm. “Muốn nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn dịch bệnh, lớn nhanh thì phải áp dụng quy trình sản xuất sạch, đó là quy trình sản xuất VietGAP”, ông Minh nói.

Ông cho rằng, nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP môi trường nuôi luôn sạch sẽ, đảm bảo an toàn, không ô nhiễm; giúp chủ hộ kiểm soát được dịch bệnh, thay đổi ý thức trong nuôi trồng, tạo thói quen trong việc ghi chép sổ sách về thuốc thú y, nguồn thức ăn; từ đó cần tăng cái gì, giảm cái gì để đưa ra 1 bài toán nuôi hợp lý với trang trại…

Hiện tại, trang trại của gia đình ông Minh chuyên cung cấp con giống, tôm thương phẩm cho các thương lái trong và ngoài tỉnh. Trang trại có 14 ao nuôi thương phẩm, ao rộng nhất 1.000m2, ao nhỏ nhất 500m2 và 20 bể xi măng ương tôm giống, 14 bể gièo, mỗi bể khoảng 50m3. Các khu nuôi, ương tôm được phân vùng, quy hoạch rõ ràng.

Với số lượng ao nuôi, bể ương như trên, trung bình mỗi năm trang trại xuất bán ra ngoài thị trường khoảng 7 tấn tôm thương phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho các nhà hàng, khách sạn và 50 triệu con giống cho người dân trong vùng.

“Đối với tôm thương phẩm, trang trại bán với giá bán dao động từ 70.000 - 120.000đ/kg (size 100 con/kg); 140.000 - 200.000đ/kg (size 50 con/kg). Đối với con giống, bán với giá 500.000đ/vạn. Sau khi trừ chi phí, trang trại thu về hơn 1 tỉ đồng/năm”, ông Minh nhẩm tính và cho biết thêm hiện nay nguồn cung không đủ cầu, nhất là vào dịp đầu năm và cuối năm.

Chia sẻ về kĩ thuật nuôi tôm, ông Minh bảo, trang trại đang nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, tôm giống được ương trong bể xi măng có thiết kế đầy đủ hệ thống nước dẫn vào, dẫn ra; hệ thống sục khí, máng cho ăn; mái che nắng, che mưa có điều chỉnh nhiệt độ bên trong.

Giai đoạn 2, sau 15 ngày ương trong bể, chuyển toàn bộ tôm ra ao nuôi thương phẩm. Trong ao, có lắp đặt hệ thống quạt sục khí tạo oxy; khi tôm ở độ tuổi còn nhỏ bật 20 tiếng/ngày, tuổi trưởng thành bật 24/24h.

Trong quá trình nuôi, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh để xử lý môi trường; tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Nguồn nước cần xử lý sạch trước khi đưa vào ao nuôi. Và, nên nuôi với mật độ vừa phải, khoảng 80 con/m2.

“Sau khi thu hoạch, vệ sinh lại ao nuôi bằng vôi bột với mục đích xử lý các mầm bệnh, virus có hại tồn đọng dưới đáy ao. Đặc biệt, phải phơi ao khoảng 15 ngày trước khi vào vụ nuôi mới. Trung bình, mỗi vụ nuôi kéo dài 3 tháng”, ông Minh hướng dẫn.

Ông Minh nói thêm, mỗi năm gia đình ông chỉ sản xuất 3 vụ tôm thương phẩm. Để mô hình thành công thì yếu tố con giống quyết định 70%. Nếu con giống chuẩn, sản xuất đúng quy trình thì chắc chắn đem hiệu quả kinh tế cao.

“Trang trại của gia đình ông Minh nuôi trồng thủy sản theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hàng năm, trang trại đón hàng chục đoàn đến tham quan và hướng dẫn nhiều sinh viên thực tập”, ông Lại Minh Hưng, Phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hưng nói.


Thử nghiệm nuôi tôm trong bể xi măng tại Indonesia Thử nghiệm nuôi tôm trong bể xi măng… SEP-Art Tools: Cải tiến Artemia mới thúc đẩy hiệu quả trong sản xuất giống tôm và cá SEP-Art Tools: Cải tiến Artemia mới thúc đẩy…