Mô hình kinh tế Nuôi tôm thẻ chân trắng vùng nước ngọt - lợi bất cập hại

Nuôi tôm thẻ chân trắng vùng nước ngọt - lợi bất cập hại

Ngày đăng 23/07/2015

Nuôi tôm thẻ chân trắng vùng nước ngọt - lợi bất cập hại

Các cơ sở nuôi này đều có khoan giếng sử dụng nước ngầm trái phép để tạo môi trường nước lợ nuôi tôm. Hậu quả bước đầu là đã có dấu hiệu tác động không tích cực đến môi trường chung quanh: độ mặn được đo tại các kinh, mương (vốn dĩ là nước ngọt hoàn toàn) lân cận các cơ sở nuôi ở ấp Phú An, Phú Hữu Tây- Phú Thịnh- Tam Bình đạt mức 0,5‰.

Bài viết của Ths. Phạm Thị Thu Hồng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản phản ánh thực trạng này.

Từ lợi ích trước mắt…

Trong vài năm gần đây, tôm TCT (Litopenaeus vannamei) là một trong những đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta và được nuôi phổ biến ở các vùng nước lợ ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Năm 2013, trong khi giá cá tra liên tục sụt giảm thì giá tôm TCT trong nước tăng cao bất thường, mang lại thu nhập nhất thời đáng kể cho người nuôi.

Điều này đã kích thích người nuôi thủy sản trong vùng nước ngọt chuyển đổi đối tượng sản xuất sang nuôi tôm TCT do lợi nhuận hấp dẫn. Nguyên nhân của việc tăng giá thu mua tôm nguyên liệu cuối năm vừa qua là do các nước xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc và Thái Lan gặp vấn đề về dịch bệnh dẫn đến sản lượng bị sụt giảm nghiêm trọng.

Từ đó, tôm TCT đã được thả nuôi tự phát ngoài quy hoạch ở các tỉnh nội đồng (vùng nước ngọt hoàn toàn) như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long… do đối tượng này tương đối dễ nuôi, có độ rộng muối và rộng nhiệt cao, thời gian thu hoạch ngắn, lợi nhuận thu được trước mắt từ mô hình này cao hơn nhiều so với các đối tượng thủy sản nước ngọt khác.

Trước nguy cơ nuôi tôm TCT tự phát ở miền Nam như thời gian qua, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã có Văn bản số 1711/BNN-TTCS ngày 2/6/2014 về việc nghiêm cấm nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt và yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quản lý quy hoạch (hoặc quy định của địa phương) đã được phê duyệt.

… Đến nguy cơ tác động xấu môi trường

Thực tế sản xuất, để nuôi được tôm TCT trong vùng nước ngọt, người nuôi phải sử dụng nước ngầm nhiễm mặn, bổ sung thêm muối hạt, khoáng đa lượng hoặc sử dụng nước biển nhân tạo.

Mô hình sản xuất này có thể thỏa mãn nhu cầu hiện tại của một bộ phận cộng đồng nông dân nhưng với việc khoan giếng ngầm để lấy nước mặn nuôi tôm và việc thải nước nhiễm mặn từ ao nuôi tôm này ra các thủy vực nước ngọt sẽ để lại hệ lụy rất khó lường đối với lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh khác (cây lúa, cây ăn quả...) trong tương lai khi đất và nước bị nhiễm mặn.

Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã cảnh báo sự bất ổn của mô hình này không phù hợp với xu hướng nuôi trồng thủy sản bền vững hiện nay, do ảnh hưởng về lâu dài đối với môi trường sinh thái.

Cụ thể là việc này sẽ tác động rất lớn đến môi trường và đa dạng sinh học, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm. Nuôi tôm TCT trong vùng nước ngọt chắc chắn phải tạo môi trường nhân tạo để đáp ứng với đặc điểm sinh học của vật nuôi, đặc biệt là yêu cầu về nồng độ muối thích nghi và khoáng chất cần thiết để tôm có thể sinh trưởng tốt nhất.

Việc khoan giếng lấy nước ngầm nhiễm mặn để nuôi tôm về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm, nếu khai thác quá mức sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt và có khả năng gây sụt lún.

Về lâu dài, ngoài việc thẩm thấu của nước nhiễm mặn vào đất thì việc xả nước thải từ các ao nuôi tôm TCT ra các thủy vực nước ngọt sẽ gây nguy cơ nhiễm mặn cho vùng nước ngọt đặc biệt là ảnh hưởng đến diện tích cây trồng khác và các vùng trồng lúa truyền thống dẫn đến năng suất lúa bị sụt giảm.

Cũng chính vì vậy nên những hành vi trên bị nghiêm cấm và thuộc một trong những quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Nghị định 179/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 30 - 50 triệu đồng.

Cần tăng cường quản lý để giảm thiểu rủi ro cho dân

Theo Tổng cục Thủy sản, việc nuôi tôm TCT tự phát như hiện nay sẽ có nguy cơ phá vỡ quy hoạch nuôi tôm đã được phê duyệt.

Hơn nữa, cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm chưa phù hợp, chi phí đầu tư cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm sẽ là rủi ro lớn cho người nuôi.

Mặt khác, các mầm bệnh mới từ tôm TCT có thể lây lan cho đối tượng nuôi truyền thống như tôm càng xanh và các loài thủy sản khác.

Do vậy, hành vi, địa điểm cơ sở nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng và buộc tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch (theo điểm a khoản 4 Điều 24 Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chí́nh trong hoạt động thủy sản).

Qua kiểm tra, khảo sát, từ năm 2014, tất cả các vùng có nuôi tôm TCT trong nước ngọt trên toàn tỉnh đều đang nằm trong diện tích quy hoạch để nuôi trồng các loại cá nước ngọt, hoặc là vùng canh tác rau màu.

Bên cạnh đó, diện tích này cũng hoàn toàn không có cơ sở hạ tầng, cả hạ tầng dùng chung lẫn hạ tầng trong từng ao nuôi. Đặc biệt, không có ao chứa và ao xử lý nước thải; nguồn nước cung cấp cho ao nuôi được lấy trực tiếp từ giếng khoan nước ngầm để pha với nước bên ngoài và nguồn nước thải sau khi nuôi tôm lại xả trực tiếp ra môi trường xung quanh.

Điều này đương nhiên gây ô nhiễm nền đáy, chất đất của cả vùng nuôi và khu vực lân cận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, làm thiệt hại các vùng canh tác lân cận trong tương lai không xa bởi chỉ sau thời gian nuôi từ 3 - 5 năm, môi trường nước sẽ bị mặn hóa trở lại và dịch bệnh trên con tôm lại phát triển như thường, thậm chí phát sinh thêm nhiều bệnh mới không kiểm soát được, trong đó phổ biến nhất là bệnh mềm vỏ.

Đặc biệt, các nhà máy chế biến đông lạnh xuất khẩu thường không thu mua tôm TCT nuôi vùng nước ngọt, đối tượng này chủ yếu tiêu thụ nội địa nên khi nhu cầu xuống thấp, giá không ổn định dẫn đến nguy cơ thua lỗ rất cao cho người nuôi.

Đa dạng hóa đối tượng nuôi để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất là mục tiêu cần hướng đến của ngành thủy sản trong giai đoạn tái cơ cấu ngành hiện nay. Tuy nhiên, những ảnh hưởng về lâu dài khi thả nuôi tôm TCT trong vùng nước ngọt đã được các nhà khoa học khẳng định.

Vì thế, để có thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, người nuôi nên lựa chọn những đối tượng thủy sản vừa mang lại lợi ích về kinh tế vừa giảm được tác động của hoạt động nuôi đối với môi trường và xã hội bởi “sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”.

Trong khi Bộ Nông nghiệp- PTNT chưa có thay đổi quy định về việc quản lý nuôi tôm TCT thì người dân không nên tiếp tục phát triển đối tượng này trong vùng nước ngọt và cần có đầy đủ thông tin về thị trường để có kế hoạch lựa chọn đối tượng sản xuất phù hợp nhằm tránh những tổn thất đáng tiếc có thể xảy ra khi cung vượt cầu như đã từng xảy ra với đối tượng khác.

Và chỉ khi nào chính quyền địa phương làm tốt hơn công tác phổ biến giáo dục pháp luật và cùng với cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong tăng cường thanh kiểm tra thì hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này mới được nâng cao để góp phần giảm thiểu hệ lụy của phong trào nuôi tôm TCT nước ngọt như đã nêu trên.

Bệnh mềm vỏ xuất phát từ môi trường mặn nhân tạo thiếu các vi chất cần thiết, trong đó có chất canxi nên con tôm cũng thiếu chất này, dẫn đến ốm yếu, hình dáng xấu, khi luộc lên vỏ tôm ít đỏ và thịt tôm không ngọt như vốn có, mềm hơn nhiều so với tôm nuôi trong môi trường nước lợ và nước mặn dẫn đến năng suất, sản lượng, chất lượng tôm TCT thương phẩm nuôi ở nước ngọt kém hơn so với nước lợ nên giá bán thấp hơn.


Kỹ sư chân đất Kỹ sư chân đất Gần 20ha nghêu của HTX Thắng Lợi bị thiệt hại Gần 20ha nghêu của HTX Thắng Lợi bị…