Nuôi tôm tích xen canh trong vuông tôm đạt hiệu quả cao
Đến ấp Nà Chim, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, hỏi thăm nhà ông Năm Hái (Huỳnh Văn Hái) gần như ai cũng biết và chỉ đường chính xác. Nhiều người biết đến ông không chỉ bởi tính cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động phát triển kinh tế mà bởi ông còn là một trong những hộ tiên phong nuôi tôm tích xen canh trong vuông tôm.
Sau thời gian nuôi 4-6 tháng, tôm tích có thể đạt trọng lượng từ 200-250 g.
Cầm con tôm tích gần 300 g vừa bắt được trong vuông tôm của gia đình, ông Năm Hái vui mừng chia sẻ: “Sáng nay chỉ cần 1 con này là bỏ túi 250 ngàn đồng”. Nhanh chóng bỏ con tôm tích vào rổ mang ra vuông rọng lại chờ lái tôm vào cân, ông Năm cho biết thêm: “Năm nay tôi chỉ thả 150 con tôm tích giống mà đến thời điểm này đã thu được hơn 35 triệu đồng”.
Với giá tôm tích từ 900 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/kg đã mang về cho gia đình ông Năm Hái mỗi năm 35-40 triệu đồng.
Được biết, tôm tích là vật nuôi mới được người dân các huyện Năm Căn và Ngọc Hiển phát triển trong khoảng 2 năm trở lại đây. Tuy mới xuất hiện nhưng mô hình này đang được nhân rộng trong dân một cách nhanh chóng mà xã Lâm Hải là một điển hình. Theo Phó chủ tịch UBND xã Lâm Hải Tô Văn Tiến, chỉ mới phát động nhân rộng vào khoảng tháng 4/2018, nhưng trên địa bàn ấp Nà Chim đã có 32 hộ nuôi. Đặc biệt, ấp đã thành lập được tổ hợp tác nuôi tôm tích với khoảng 10 tổ viên. Không chỉ ở ấp Nà Chim mà hiện nay xã đang tiếp tục nhân rộng mô hình này sang các ấp khác.
Là người đầu tiên nuôi tôm tích kết hợp trong vuông tôm và hiện cũng là Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm tích Bình Minh, anh Vũ Văn Hiện cho biết, hiện nay bà con nuôi tôm tích bằng 2 hình thức. Một là thả trực tiếp xuống vuông, hai là nuôi trong lồng, hình thức nuôi nào cũng mang lại hiệu quả. Hiện nay, với 4 ha vuông của gia đình nhưng chỉ riêng con tôm tích mỗi năm mang về lợi nhuận gần 100 triệu đồng, không thua bất cứ vật nuôi nào. “Con tôm tích rất khoẻ nên chẳng sợ hao hụt gì cả”, anh Hiện tin tưởng. Khó khăn lớn nhất của mô hình nuôi tôm tích hiện nay là nguồn giống. Vì con giống phụ thuộc hoàn toàn vào việc bắt ngoài môi trường tự nhiên.
Nói về mô hình kinh tế hiệu quả không thể không nhắc đến con cua xen canh trong vuông tôm ở khu vực rừng ngập mặn này. Nói là xen canh nhưng thực chất có những hộ con cua đã trở thành nguồn thu chính của gia đình, bởi mỗi năm mang về thu nhập hơn 100 triệu đồng. Theo ông Tiến, mô hình nuôi cua kết hợp trong vuông tôm là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Bà con ở đây có thể sản xuất tại chỗ, diện tích có, con giống có và điều kiện tự nhiên rất phù hợp. Trên địa bàn xã có những hộ thu nhập từ con cua hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Hiện xã đang tiếp tục chỉ đạo để nhân rộng mô hình này.
Không chỉ cua, tôm tích mà hiện nay hàng loạt những mô hình hiệu quả đang được bà con nông dân áp dụng trong sản xuất. Tiêu biểu có thể kể đến như nuôi sò huyết trong vuông tôm, mô hình lúa - tôm, mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, mô hình sản xuất lúa 3 giảm 3 tăng… Đặc biệt, phải kể đến là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 2 ngàn héc-ta với năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha tính cả phần diện tích phụ. Chỉ với diện tích này, sản lượng tôm mang về năm 2018 khoảng 80 ngàn tấn. So với 182 ngàn tấn tôm của toàn tỉnh đã chiếm trên 42%, trong khi diện tích nuôi tôm siêu thâm canh so với diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 278 ngàn héc-ta thì chưa được 1%. Qua phép tính đơn giản trên cho thấy, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mang lại hiệu quả khá cao cả về năng suất, chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ