Tin thủy sản Nuôi tôm trên ruộng lúa nhiễm mặn

Nuôi tôm trên ruộng lúa nhiễm mặn

Tác giả Hoàng Thế, ngày đăng 26/07/2024

Nuôi tôm trên ruộng lúa nhiễm mặn

Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh thí điểm thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đất trồng lúa bị nhiễm mặn, phèn mở ra hướng đi mới trong tiến trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh.

Nhiều diện tích lúa bị nhiễm mặn

Ông Trần Văn Cứ ở An Xuân, xã Quảng An (Quảng Điền), hộ tham gia mô hình cho rằng, với những vùng đất trồng lúa bị nhiễm mặn, nhiễm phèn ở địa phương chỉ sản xuất được trong vụ đông xuân. Vụ hè thu ảnh hưởng của nắng nóng, khô hạn, ruộng lúa thường bị nhiễm mặn, phèn nên sản xuất không hiệu quả, nếu bỏ ruộng hoang thì lãng phí. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là điều mà ông Cứ và nông dân Quảng An nói riêng, Quảng Điền nói chung tính đến từ lâu.

Ông Cứ bảo, được chọn tham gia mô hình nuôi tôm chân trắng trên đất ruộng bị nhiễm mặn, phèn là niềm vui lớn với gia đình ông. Ban đầu ông Cứ khá lúng túng, lo ngại khi triển khai nuôi tôm trên đất trồng lúa, vì quá mới lạ. Tuy nhiên, sau quá trình nuôi được cán bộ kỹ thuật khuyến nông hướng dẫn, “bắt tay chỉ việc”, ông Cứ đã nắm vững kỹ thuật và khá tự tin. Tại thời điểm này, tôm sinh trưởng tốt, kích cỡ đảm bảo, tỷ lệ sống cao và sắp cho thu hoạch.

Giám đốc TTKN tỉnh, ông Châu Ngọc Phi nhận định, Thừa Thiên Huế nói chung, huyện Quảng Điền nói riêng có nhiều diện tích đất trồng lúa ở vùng ven đầm phá thường xuyên bị nhiễm mặn, phèn vào vụ hè thu, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Nhiều diện tích lúa chỉ sản xuất một vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì bỏ hoang, gây lãng phí “tư liệu sản xuất”.

Tính riêng tại huyện Quảng Điền, diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn, phèn trên địa bàn huyện lên đến 560ha, tập trung tại 10 hợp tác xã, thuộc 8 xã vùng ven đầm phá. Một số hộ bắt đầu chuyển đổi một số diện tích lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát, khi chưa có quy hoạch, thiết kế ruộng nuôi và quy trình kỹ thuật phù hợp dẫn đến những rủi ro trong quá trình nuôi.

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi có thể phát triển được ở môi trường có độ pH thấp và độ mặn gần như bằng không. Đây là đối tượng phù hợp để có thể phát triển nuôi tại các vùng đất sản xuất lúa bị nhiễm mặn, phèn. Tuy nhiên, để phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng tại các vùng đất ruộng khó sản xuất lúa này cần có thiết kế ruộng nuôi và quy trình nuôi phù hợp để đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế, giảm rủi ro trong quá trình nuôi.

Cơ sở để nhân rộng

Để có cơ sở chuyển đổi các diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn, phèn sang nuôi tôm, cách đây hơn 2 tháng, từ nguồn ngân sách tỉnh cấp, TTKN đã triển khai mô hình “Nuôi tôm trên vùng đất nhiễm mặn” tại Hợp tác xã An Xuân, xã Quảng An với quy mô 5ha/2 hộ. TTKN phối hợp với đơn vị sản xuất tổ chức cung ứng con giống, thức ăn và hóa chất phòng bệnh đầy đủ, kịp thời. Theo quy định, các hộ được chọn tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí về con giống, thức ăn, hóa chất phòng bệnh, còn lại 50% chi phí đối ứng của các hộ nuôi.

Trước khi thả nuôi, cán bộ kỹ thuật của TTKN hướng dẫn trực tiếp cho các hộ thực hiện mô hình chuẩn bị ruộng nuôi theo đúng kỹ thuật. Ruộng lúa sau khi gặt được dọn sạch rơm và tiến hành tháo cạn nước, sử dụng hạt mát để diệt hết tôm, cá tạp có trong ruộng nuôi. Sau đó, cấp nước vào ruộng rồi tháo ra để thau chua, rửa phèn và các dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong ruộng; rồi cấp nước vào ao nuôi qua lưới lọc và bón vôi để nâng pH và độ kiềm.

Quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật của TTKN thường xuyên theo dõi, kiểm tra tốc độ sinh trưởng, phát triển của tôm nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường. Từ đó đưa ra dự tính, dự báo trên cơ sở thực tiễn ở ruộng nuôi để đề xuất giải pháp xử lý có hiệu quả, hướng dẫn các hộ thực hiện đảm bảo kỹ thuật nhằm hạn chế những thiệt hại một cách thấp nhất.

TTKN tổ chức tập huấn các quy trình kỹ thuật nuôi tôm chân trắng cho các hộ tham gia mô hình và bà con nông dân có chân ruộng nhiễm mặn, nhiễm phèn có nhu cầu chuyển đổi sang nuôi tôm. Các hộ tham gia cơ bản nắm vững được quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ruộng lúa bị nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Ông Châu Ngọc Phi đánh giá, sau gần 2 tháng nuôi, tôm đạt trọng lượng trung bình 90 con/kg, tỷ lệ sống 70-74%, sản lượng trung bình 800kg/hộ. Tốc độ phát triển của tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt nhanh hơn so với môi trường nuôi nước lợ, mặn, tỷ lệ sống của tôm nuôi đảm bảo yêu cầu. Tôm nuôi sắp cho thu hoạch, ước lãi gần 30 triệu đồng/ha, cao hơn 13 triệu đồng so với trồng lúa.

Mặc dù đã chứng minh được hiệu quả bước đầu, nhưng theo khuyến cáo của ông Châu Ngọc Phi, người dân không nên tự phát chuyển đổi ruộng lúa sang nuôi tôm khi chưa đủ điều kiện sản xuất. Ruộng nuôi cần phải được thiết kế có kênh mương bao quanh, hoặc có độ sâu phù hợp để đảm bảo ổn định nhiệt độ, nhất là vào mùa nắng nóng. Ruộng nuôi phải được cải tạo kỹ, thau chua, rửa phèn, rửa bớt các dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trước khi thả giống.

Tôm giống phải được thuần hóa kỹ độ mặn để đảm bảo tỷ lệ sống trong giai đoạn đầu thả nuôi. Nuôi tôm thẻ chân trắng trên ruộng lúa nhiễm mặn, phèn chỉ nên thả mật độ thấp theo hướng quảng canh cải tiến, không nên nuôi theo hướng thâm canh, bán thâm canh vì các hình thức nuôi này chỉ phù hợp với ao đất vùng đầm phá và ao trên cát. Người dân chỉ nên phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất lúa một vụ, vụ đông xuân thì duy trì việc trồng lúa; không nên sử dụng nguồn nước mặn để bơm vào ruộng nuôi, hoặc sử dụng nước muối để tăng độ mặn cho vùng nuôi vì sẽ làm nhiễm mặn đất trồng lúa.


Nuôi cá kình trong ao lót bạt vùng bãi ngang cho hiệu quả cao Nuôi cá kình trong ao lót bạt vùng… Bangladesh đẩy mạnh nuôi tôm càng xanh Bangladesh đẩy mạnh nuôi tôm càng xanh