Nuôi Trâu Sinh Sản Ở Bình Dân (Quảng Ninh)
Hiện xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) còn 53 hộ nghèo (chiếm 17,3%). Theo các cán bộ xã, nguyên nhân là do giao thông đi lại khó khăn; nhiều hộ chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo; sản xuất còn lạc hậu, nhỏ, lẻ, phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên; áp dụng KHKT vào sản xuất còn hạn chế…
Trong những năm qua huyện đã cố gắng đưa một số mô hình phát triển kinh tế vào xã, nhưng hiệu quả không cao. Cụ thể, năm 2012, từ ngân sách của tỉnh, huyện đưa mô hình nuôi 150 con lợn thịt F1 vào áp dụng nuôi ở 75 hộ của xã. Nhưng do không làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, lợn chậm lớn, khi bán lại bị thương lái ép giá nên không thành công. Năm sau, mô hình nuôi 1.600 con gà mía được thực hiện ở 8 hộ trên địa bàn, cũng không đem lại hiệu quả như mong muốn do sản phẩm tiêu thụ kém...
Tuy nhiên, cũng trong năm 2012, từ nguồn hỗ trợ phát triển xây dựng nông thôn mới, 20 hộ nghèo các thôn Đồng Đá, Voòng Tre, Đồng Cống (xã Bình Dân) được hỗ trợ 20 con trâu sinh sản (giống Thái Bình) để nuôi. Sau 2 năm triển khai mô hình được đánh giá là hiệu quả nhất so với nhiều mô hình chăn nuôi khác đã và đang được thực hiện trên địa bàn xã mấy năm qua.
Bình Dân là xã vùng cao, tuy đã có nhiều hộ mua được máy cày, nhưng nhiều khu vực ruộng đồng nằm ở trên cao, rất khó đưa máy cày lên. Xã cách xa trung tâm huyện, đường sá khó khăn, tiền xăng gần gấp đôi so với nơi khác. Vì vậy, con trâu vẫn gắn bó rất nhiều với đồng ruộng nơi đây.
Trước đây, người dân Bình Dân chỉ nuôi trâu dùng để kéo cày, thường chỉ những con trâu ốm yếu, thải loại mới giết thịt, ăn rất dai. Bây giờ, trâu còn được nuôi để làm thực phẩm, nên thịt mềm và ngọt. Do vậy việc nuôi trâu sinh sản ở Bình Dân đã giúp người nông dân yên tâm hơn về đầu ra, vì có thể bán làm trâu cày hoặc cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng...
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Từ Hải Sán (thôn Voòng Tre), một trong 20 hộ được hỗ trợ nuôi trâu sinh sản của xã. Ông Sán cho biết: Con trâu thực sự hữu hiệu đối với người dân ở Bình Dân. Giống trâu này có sức đề kháng tốt và lớn nhanh hơn trâu bản địa.
Khi chúng tôi nhận về, chúng chỉ là những con nghé nặng khoảng 1 tạ; sau 2 năm nuôi, không con nào chết vì dịch bệnh, lớn khoẻ, nặng khoảng 4 tạ/con, nếu bán được khoảng 30 triệu đồng/con, lợi nhuận trông thấy. Hầu hết trong số này đã sinh nghé, đến nay nặng khoảng 1 tạ/con. Người nuôi trâu không phải lo mua thức ăn hàng tháng như nuôi lợn, gà... Trâu ăn cỏ, ăn gốc rạ, lá chuối, lá mía… rất sẵn ở Bình Dân, không mất tiền mua.
Người nuôi trâu không phải mất công mất việc chăn dắt, bởi trâu tự kiếm ăn ngoài đồng cỏ. Trâu mẹ sau khoảng 2 năm nuôi là sinh nghé, sau đó cứ 1 năm là lại đẻ 1 nghé. Vì vậy, mô hình nuôi trâu sinh sản rất thích hợp với việc xoá nghèo bền vững ở Bình Dân. Xã phấn đấu sang năm sẽ có 10 hộ nuôi trâu xoá được nghèo.
Nguồn bài viết: http://www.baoquangninh.com.vn/kinh-te/201411/nuoi-trau-sinh-san-o-binh-dan-2248277/
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ