Nuôi Trồng Sinh Thái: Lợi Lớn, Ít Rủi Ro
Với mô hình nuôi sinh thái xen ghép các loại cá, tôm, cua, ông Võ Diên (thôn Tân An, thị trấn Thuận An, TP. Huế) đã có được nguồn thu nhập hấp dẫn.
Ông Võ Diên là Chủ tịch Hội Nghề cá Hạt Châu (Thuận An). Năm 2000, sau những lần thất bại với con tôm trên vùng đầm phá, ông chuyển sang thử nghiệm nuôi xen ghép các loại cá, tôm và cua. Ông nói: “Mô hình này không những dễ thực hiện mà còn cho hiệu quả ổn định và ít rủi ro”.
Với 1ha diện tích mặt nước, người nuôi có thể thu tới 150 triệu đồng cho một lứa thu hoạch. Mỗi năm thu 2 thậm chí 3 lứa. Sở dĩ như vậy vì mô hình này cho phép người nuôi thả luân phiên. Theo kinh nghiệm của ông Diên, muốn nuôi thả xen ghép theo mô hình sinh thái thì diện tích ao hồ phải lớn, mỗi hồ tốt nhất trên 1.000m2, sâu khoảng 1m, chủ động nguồn nước ra vào, phải thường xuyên bơm nước để tạo sự lưu thông và sạch sẽ.
Điều đặc biệt khác với mô hình nuôi công nghiệp là ở mô hình nuôi sinh thái không sử dụng thức ăn công nghiệp. Các loại tôm, cua, cá sẽ sử dụng thức ăn như rong, tảo thực vật thủy sinh và mùn bã hữu cơ trong hồ nuôi để lớn lên, vì diện tích lớn và nguồn nước đảm bảo nên rong tảo sẽ phát triển rất nhanh. Chính điều này giúp người nuôi tiết kiệm một lượng vốn lớn dành cho thức ăn. Với những vùng đầm phá giàu thủy sinh thì các loại tôm cá rất nhanh lớn.
Cách nuôi này còn giúp giảm thiểu các loại dịch bệnh. Nguy cơ rủi ro thấp hơn rất nhiều so với việc chuyên canh con tôm. Nguồn vốn đầu tư lại nhỏ nên nhiều hộ có thể dễ dàng áp dụng. Ông Diên cho biết từ khi chuyển qua nuôi xen ghép theo hình thức sinh thái, ông chưa bao giờ bị lỗ.
Từ thành công của ông Diên, nhiều hộ gia đình ở Thuận An đã chuyển sang nuôi xen ghép và liên tục thu lợi. Riêng ở Hội Nghề cá do ông Diên quản lý có khoảng 24 hộ nuôi theo phương thức này, với diện tích 40,9ha. Trung bình mỗi hộ thu lợi trên 10 triệu đồng/tháng, đời sống cũng nhờ đó dần dần cải thiện.
Đây là một mô hình đáng chú ý đối với những hộ nuôi thủy sản ở vùng đầm phá, cửa sông cũng như những gia đình đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Hơn nữa đây rất có thể là hướng phát triển cho tương lai khi nó vừa giúp giải quyết vấn đề nhiễm mặn ở các vùng chăn nuôi thủy sản vừa có tính thân thiện, bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ