Nuôi Trồng Thủy Sản Hướng Đến Tiêu Chí An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm
Năm 2013, việc nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các địa phương trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gặt hái được kết quả khả quan. Chỉ tiêu đặt ra cho NTTS năm 2014 không chỉ là nâng cao sản lượng, mà chất lượng sản phẩm còn phải đạt được các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Kiểm tra cá nuôi trong bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) và giãn mật độ nuôi để bảo đảm sự phát triển an toàn của cá.
Một nghề làm ăn đang có hiệu quả
Là một tỉnh ven biển có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, ít gió bão, môi trường sinh thái đa dạng, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều điều kiện và tiềm năng phát triển NTTS với nhiều loại hình nuôi nước ngọt, mặn, lợ... Diện tích tiềm năng có thể đưa vào NTTS của tỉnh BR-VT rất lớn, có thể lên tới 16.000ha. Cho đến thời điểm này, diện tích nuôi thực tế đạt 7.356ha. Trong đó, nuôi nước ngọt 2.034ha, chiếm 28%; nuôi nước mặn, lợ 5.322ha, chiếm 72%, chủ yếu tập trung ở các huyện Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ và xã Long Sơn, phường 12 (TP. Vũng Tàu).
Theo đánh giá của Chi cục NTTS tỉnh, việc NTTS trên địa bàn tỉnh đạt được hiệu quả về năng suất và sản lượng. Tổng sản lượng nuôi trồng năm 2013 đạt 15.628 tấn, đạt 110% kế hoạch. Trong đó, sản lượng nuôi nước ngọt đạt 4.898,5 tấn; sản lượng nuôi nước mặn, lợ đạt 10.729 tấn.
Trong năm 2013, BR-VT đã thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 12ha tại cơ sở nuôi tôm của hộ ông Nguyễn Đăng Nhân (ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc).
Dự kiến năm 2014, sẽ tiếp tục thực hiện 2 dự án tại huyện Đất Đỏ và huyện Long Điền. Đồng thời, mở lớp tập huấn đào tạo kiến thức VietGAP cho các hộ NTTS nhằm trang bị kiến thức về nuôi trồng tốt tạo ra các sản phẩm ATVSTP phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Không chủ quan công tác phòng dịch
Việc phát triển mạnh các KCN tại địa phương và việc phát triển quy hoạch các khu đô thị mới đã làm giảm dần diện tích NTTS trong mấy năm trở lại đây. Ở một số địa bàn, nguồn nước thải từ các KCN, các cơ sở chế biến hải sản và nước sinh hoạt từ các khu dân cư chưa qua xử lý đã tác động trực tiếp lên nguồn nước nuôi, gây ô nhiễm trầm trọng.
Trong năm 2013, có 28,63ha tôm nuôi công nghiệp bị bệnh đốm trắng đầu vàng và hội chứng hoại tử gan tụy. Tại các vùng NTTS tại huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ đã xảy ra một số đợt dịch bệnh nhỏ, chủ yếu là ở các vùng nuôi thâm canh, mật độ thả cao. Tuy dịch bệnh ở diện cục bộ, chưa phát tán rộng ra vùng nuôi nhưng thiệt hại cho người dân không nhỏ.
“Ngay từ những tháng đầu năm 2014, Chi cục NTTS tỉnh đã triển khai đến các địa phương biện pháp phòng chống dịch và các bước chuẩn bị cho việc thả con giống, hướng dẫn người dân chọn con giống có chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức và hiểu biết cho người dân về công tác bảo vệ môi trường, hướng dẫn các biện pháp sử dụng thuốc thú y thủy sản, về nguồn thực phẩm bổ sung để mang lại hiệu quả và quy trình nuôi trồng để sản phẩm thu hoạch đạt các tiêu chuẩn về ATVSTP”, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh cho hay.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền cũng nhận định: “Vấn đề không chỉ là sản xuất được bao nhiêu tấn sản phẩm mà quan trọng hơn chính là chất lượng sản phẩm được đánh giá ra sao trên thị trường”. Ông Điền khuyến cáo: Ngành chức năng cần phối hợp với địa phương phổ biến lịch thời vụ, kiểm soát chất lượng con giống và các yếu tố đầu vào, quản lý chặt chẽ việc thả giống, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ