Nuôi trồng thủy sản tại các hồ, đập lợi ích kép
Thu hút người dân
Nhà ở cách hồ chứa nước Hóc Sầm chưa đầy 500m, nên ông Lê Xuân Muôn, thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức - Quảng Ngãi) đã mạnh dạn thuê lại diện tích mặt nước của hồ để nuôi cá trắm cỏ, cá mè… 13 năm gắn bó với hồ Hóc Sầm, năm nào ông Muôn cũng thu về hơn 10 tấn cá mà không phải tiêu tốn đồng nào để mua thức ăn. “Cái lợi của nuôi cá tại hồ chứa nước là ở chỗ đó. Diện tích mặt nước lớn, mình thì chỉ nuôi theo kiểu quảng canh nên cá sống khỏe, không cần lo chuyện thức ăn hay phải thay nước hằng ngày như nuôi ở các hồ nhỏ tại nhà”, ông Muôn chia sẻ.
Các hộ nuôi trồng chỉ khai thác cá to, chừa lại cá nhỏ nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa nước. Trong ảnh: Thu hoạch cá tại hồ chứa nước Hóc Sầm, Đức Phú, Mộ Đức.
Mỗi năm, ông Muôn chỉ bỏ ra một lần vốn (khoảng 20 triệu đồng) để thả cá giống vào hồ chứa, rồi cứ thể thong thả thu hoạch quanh năm. Thả cá vào tháng 12, đến tầm tháng 4 - tháng 5 thì bắt đầu thu hoạch theo kiểu “đánh tỉa”- chỉ thu cá lớn, giữ lại cá nhỏ. Vì thế ngày nào ông Muôn cũng có “đồng ra đồng vào” để trang trải cuộc sống gia đình. Đến tháng 7, 8 - tháng thu hoạch “rộ” trước khi mùa mưa bão đến, có ngày, ông Muôn đánh lưới gần cả tấn cá để bán cho thương lái.
Còn tại xã Ba Liên (Ba Tơ), hồ Núi Ngang không chỉ cung cấp nước tưới cho ruộng đồng mà đây còn là “hũ gạo tiết kiệm” của các hộ gia đình người Hrê ở thôn Đá Chát, Hương Chiêng, Núi Ngang. Với thu nhập hằng ngày từ 50 - 100 nghìn đồng, những thành viên tham gia vào việc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản tại hồ Núi Ngang không chỉ cải thiện được bữa ăn hằng ngày, mà còn có nguồn thu nhập bền vững. Hợp tác và đồng thuận trong nuôi trồng, khai thác, mô hình NTTS tự quản ở Ba Liên giúp việc NTTS tại hồ Núi Ngang ngày một phát triển và tăng nhanh số lượng hộ tham gia. Từ 20 hộ nuôi lúc đầu, đến nay đã có 38 hộ tham gia.
Hướng tới phát triển bền vững
Với tổng diện tích có khả năng phát triển NTTS nước ngọt lên đến 2.920 ha, đặc biệt là các hồ Thạch Nham, Nước Trong, Núi Ngang, Liệt Sơn, hồ Đá Bàn và Diên Trường đều có diện tích mặt nước lớn… Do đó, việc tận dụng hồ chứa nước để phát triển NTTS nước ngọt đang là “chiến lược” để phát triển NTTS nước ngọt của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Tuy nhiên, hiện nay, việc NTTS tại các hồ chứa chủ yếu chỉ là nuôi theo hình thức quảng canh và thu hoạch theo hình thức “đánh tỉa, thả bù”. Thủy sản nước ngọt chủ yếu được nuôi với quy mô nhỏ lẻ, không tập trung, chủ yếu được nuôi ở các hộ gia đình để cải thiện bữa ăn và cung cấp nguồn thực phẩm cho địa phương nên hiệu quả kinh tế không cao.
Vì thế, “với tiềm năng lớn về diện tích các hồ chứa thủy lợi, mỗi địa phương cần có quy hoạch chi tiết cho NTTS ở từng lòng hồ trên cơ sở sử dụng đa mục tiêu, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo thêm sinh kế cho người dân ở vùng ven lòng hồ. Mô hình thành lập nhóm hộ vừa NTTS, vừa quản lý hồ chứa tại hồ Núi Ngang là một mô hình điểm mà các địa phương khác có thể học hỏi”, bà Đỗ Thị Thu Đông- Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN & PTNT) cho biết.
Cũng theo bà Đông, trong thời gian tới, từ 50 hồ chứa nước đã được tận dụng để phát triển NTTS, ngành sẽ hướng tới tận dụng tối đa diện tích mặt nước tại các hồ chứa có diện tích dưới 20ha và đầu tư có hệ thống việc nuôi cá trên các mặt nước lớn như Thạch Nham, Nước Trong... Đồng thời xem xét, khảo sát, phát triển mô hình nuôi cá lồng trên các hồ chứa, nhằm giúp người dân nâng cao sản lượng và năng suất của việc nuôi trồng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ