Mô hình kinh tế Nuôi trồng thuỷ sản thế mạnh của Quảng Ninh

Nuôi trồng thuỷ sản thế mạnh của Quảng Ninh

Ngày đăng 21/04/2015

Nuôi trồng thuỷ sản thế mạnh của Quảng Ninh

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 21.000ha diện tích mặt nước được đưa vào nuôi trồng thuỷ sản, trong đó diện tích nuôi tôm chiếm khoảng 10.000ha, hơn 3.000ha nuôi nhuyễn thể, gần 2.000ha nuôi cá và hơn 8.000 ô lồng nuôi cá biển còn lại khoảng gần 2.000ha nuôi các loài thuỷ sản khác. Năm 2014, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đạt 39.226 tấn, so với năm 2013, tăng 5.676 tấn, chủ yếu tập trung vào những đối tượng như tôm chân trắng, tôm sú, cá biển.

Có được kết quả này chủ yếu là do áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, chuyển đổi hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh cho năng suất cao trên 1 đơn vị diện tích, nuôi tăng vụ (vụ 3 đối với tôm chân trắng), đặc biệt là đối tượng nhuyễn thể (hầu Thái Bình Dương, hà sú) tăng mạnh. Cụ thể, trong tổng diện tích nuôi tôm năm 2014 gần 10.000ha, trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ trắng là gần 2.800ha, diện tích nuôi tôm sú là hơn 7.000ha. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng 41ha so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu tại huyện Đầm Hà, Tiên Yên, TX Quảng Yên.

Diện tích nuôi tôm sú tăng 303ha so với cùng kỳ chủ yếu tại huyện Tiên Yên, TP Móng Cái. Sản lượng tôm đạt hơn 9.000 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng đạt gần 7.500 tấn, tôm sú, tôm rảo là 1.565 tấn. Năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 2,68 tấn/ha, năng suất nuôi tôm sú đạt 0,22 tấn/ha.

Điều đáng nói, nhiều vùng nuôi tôm sú đạt năng suất cao từ 10 - 15 tấn/ha/2 vụ. Riêng TP Móng Cái có những đơn vị, hộ gia đình nuôi do đảm bảo kỹ thuật đã đạt sản lượng trên 20 tấn/ha/2 vụ. Hình thức nuôi ngày càng đa dạng, như nuôi bán thâm canh, nuôi thâm canh, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi luân canh với hình thức một vụ tôm, một vụ nuôi loài thuỷ sản khác, nuôi quảng canh cải tiến. Trong đó, hình thức nuôi bán thâm canh và thâm canh phát triển mạnh, ngày càng hình thành nhiều vùng nuôi tập trung tại TX Quảng Yên, TP Móng Cái, huyện Tiên Yên.

Bên cạnh nuôi tôm, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng diện tích nuôi nhuyễn thể trong năm 2014 cũng đã tăng 111ha so với năm 2013. Một số địa phương như: TX Quảng Yên, huyện Đầm Hà, TP Cẩm Phả, Vân Đồn đã áp dụng đối tượng nuôi mới như: Nuôi hà trên bãi triều, nuôi ngao giá, ngao hoa. Các đối tượng nuôi truyền thống như nghêu Bến Tre, hàu biển, sò huyết... vẫn được phát huy và ngày càng chiếm ưu thế trong cơ cấu đối tượng thuỷ sản của tỉnh.

Năm 2014, sản lượng nuôi nhuyễn thể đạt gần 14.000tấn, tăng 4,6 tấn so với năm 2013, năng suất bình quân đạt 4,11 tấn/ha. Cùng với diện tích nuôi nước mặn và lợ, diện tích nuôi thuỷ sản nước ngọt năm 2014 đạt hơn 3.462ha, tại các huyện Hải Hà, Đông Triều, Tiên Yên, tăng 171ha. Sản lượng nuôi ước đạt 8.800 tấn, năng suất đạt 2,54 tấn/ha.

3 tháng đầu năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi, tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đạt 5.410 tấn, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2013. Thời điểm hiện nay các ao đầm nuôi thuỷ sản đã cơ bản thu hoạch xong, bà con ngư dân và các cơ sở nuôi đang cải tạo, vệ sinh ao nuôi và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để thả giống cho vụ Xuân - Hè năm 2015.

Thực tế cho thấy, trong điều kiện nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên bị khai thác ngày một cạn kiện thì việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản ở Quảng Ninh đang trở thành ngành sản xuất hàng hoá lớn có hướng lâu dài về chiến lược giúp ngành thuỷ sản Quảng Ninh phát triển ổn định và bền vững.

Với mục tiêu phát triển thuỷ sản Quảng Ninh cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến, dịch vụ và hậu cần theo hướng sản xuất công nghiệp, hàng hoá phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị bền vững để thuỷ sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong ngành nông nghiệp của tỉnh, Quảng Ninh đang phấn đấu đến năm 2020, tổng sản lượng khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 130.000 tấn, trong đó nuôi trồng đạt 70.000 tấn.

Theo đó, Quảng Ninh sẽ phát triển vùng nuôi trồng theo quy hoạch, hình thành các vùng nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, vùng nuôi an toàn với các đối tượng chủ lực, đặc biệt là các vùng nuôi trồng trên biển. Trong đó, chú trọng đến giống thuỷ sản là khâu đột phá, hình thành các trung tâm giống thuỷ sản công nghệ cao, hướng tới chủ động, đáp ứng được nhu cầu con giống các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh.


Tàu lưới vây rút chì cần máy dò cá Tàu lưới vây rút chì cần máy dò… Để nuôi tôm mùa nắng thành công Để nuôi tôm mùa nắng thành công