Nuôi vịt Nuôi vịt chuyên trứng

Nuôi vịt chuyên trứng

Tác giả Nguyễn Thị Mai, ngày đăng 27/12/2018

Nuôi vịt chuyên trứng

Để nâng cao chất lượng đàn vịt đẻ trứng, năm 2014 Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã triển khai dự án "Hỗ trợ phát triển chăn nuôi vịt chuyên trứng an toàn sinh học” với số lượng 6.800 con.

Mô hình nuôi vịt an toàn sinh học

Dịch bệnh liên tục xảy ra trên đàn gia cầm, thủy cầm làm thiệt hại rất lớn đến kinh tế của bà con. Nguyên nhân do người chăn nuôi vịt không có sự kiểm soát của cơ quan thú y, thả lan, không tiêm phòng đầy đủ, không thực hiện tốt khâu an toàn dịch bệnh...

Để nâng cao chất lượng đàn vịt đẻ trứng, năm 2014 Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã triển khai dự án "Hỗ trợ phát triển chăn nuôi vịt chuyên trứng an toàn sinh học” với số lượng 6.800 con ở 2 huyện Trà Ôn (3.200 con/8 hộ), Mang Thít (3.600 con/9 hộ).

Khi tham gia dự án, bà con được tập huấn chuyển giao KHKT về cách chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị một số bệnh thông thường và đặc biệt đây là mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi tập trung bán công nghiệp, nuôi nhốt có kiểm soát, chăn thả trong ao vườn và chuồng sử dụng đệm lót sinh học.

Giống vịt được đầu tư là vịt Chiết Giang rất dễ nuôi, tìm mồi giỏi, thích hợp chạy đồng gần, tuổi đẻ trứng đầu tiên rất sớm so với giống vịt địa phương (110 - 112 ngày), năng suất trứng cao từ 247 - 258 trứng/năm/mái, trọng lượng trứng trung bình 61,4 gr. Khối lượng cơ thể khi vào đẻ nhỏ, con mái đạt 1,08 kg, con trống 1,14 kg. Điều này góp phần giảm chi phí thức ăn rất đáng kể.

Sau thời gian đầu tư được 5 tháng, chị Nguyễn Thị Trắng, ấp Hồi Trinh (Xuân Hiệp, Trà Ôn) cho biết: "Nuôi vịt theo phương thức này rất phù hợp với tình hình chăn nuôi hiện nay, giảm công chăm sóc, nhẹ nhàng, không phải ra đồng chăn vịt như trước kia, chuồng sử dụng đệm lót sinh học nên không hôi thối, thả vịt trong ao không có chạy đồng nên không sợ dịch bệnh do lây lan trên đồng ruộng của đàn vịt khác".

Anh Nguyễn Thanh Phong ấp Hồi Phước (Xuân Hiệp) và những hộ tham gia dự án cũng cho rằng, đây là mô hình rất thiết thực và phù hợp. Nuôi vịt có kiểm soát, nuôi nhốt nên giảm công chăm sóc, không gây ô nhiễm môi trường. Nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên hiệu quả đạt rất cao.

Tính đến tháng 2/2015, tỷ lệ hao hụt là 7%, tỷ lệ chọn lên mái đẻ đạt 90%. Mỗi mô hình được đầu tư 400 con/hộ. Sau khi trừ hết chi phí thức ăn, công chăm sóc nuôi dưỡng, thuốc thú y, tiền thu được từ bán trứng hàng ngày thì bà con còn lãi từ 2.500.000 - 4.000.000 đồng/tháng/360 con vịt đẻ/hộ.

Nhìn chung, với kết quả đạt được như trên, bà con cho rằng với phương thức chăn nuôi an toàn dịch bệnh này rất tốt, vì đây là mô hình chủ động kiểm soát dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường từ nguồn chất thải, nâng cao biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh, hạn chế rủi ro, góp phần cải thiện phương thức chăn nuôi, hạn chế chăn thả (chạy đồng).

Áp dụng đệm lót sinh học là một trong những mô hình tiến bộ nhất hiện nay rất phù hợp với chăn nuôi gia trại, nhất là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại gia đình, không gây mùi hôi thối, bảo đảm chất lượng sản phẩm an toàn, dễ bán. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trong quá trình nuôi vịt bà con cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật như sau:

1. Chọn con giống: Phải phù hợp với nhu cầu nuôi (đẻ lấy trứng, lấy thịt), nhưng con giống phải khỏe mạnh, không dị tật, có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch của thú y chứng nhận là giống an toàn dịch bệnh.

2. Chăm sóc, nuôi dưỡng: Để nuôi vịt thành công thì trong tuần lễ đầu phải úm và chăm sóc kỹ đàn vịt con, nếu không vịt sẽ bị lạnh, sức đề kháng kém, yếu ớt, dễ sinh ra bệnh và chết trong tuần lễ đầu, cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ, sạch và bổ sung thêm Vitamin C, B.Complex, Vitamono, đường Gluco, chất điện giải, thuốc kháng sinh… để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho vịt.

3. Chuồng trại: Phải luôn khô, thoáng, sạch sẽ, tránh mưa tạt, gió lùa; đặc biệt với chuồng sử dụng đệm lót sinh học phải thường xuyên cào đảo (1 - 3 ngày/lần) để phân được tiêu hủy tốt. Nếu chăn thả ao mương thì nên làm cầu cho vịt lên xuống dễ dàng, phải có sân chơi phù hợp với số lượng vịt nuôi, sân có bóng râm cho vịt tránh nắng; nếu là vịt đẻ phải lót ổ cho vịt (trứng vịt sạch sẽ có tỷ lệ ấp nở cao), ổ được đóng bằng gỗ với kích cỡ 40 cm x 40 cm.

Đặt ổ đẻ xung quanh chuồng. Mỗi ổ đẻ dùng cho 3 - 4 vịt mái. Cần thêm rác sạch hàng ngày vào ổ đẻ của vịt. Tuyệt đối không để ổ đẻ bị dơ và ẩm ướt. Để đảm bảo trứng sạch sẽ và không bị đẻ rơi vãi, cần đặt ổ đẻ trong khu riêng biệt. Chỉ cho vịt đẻ vào khu đẻ 9 - 10h đêm và cho ra ngoài lúc 6 - 7h sáng.

4. Phòng bệnh: Cần thực hiện nghiêm túc đầy đủ công tác phòng trừ dịch bệnh. Phải có hàng rào bao quanh khu vực chăn nuôi, trước cửa chuồng phải có hố khử trùng bằng Formanlin hoặc vôi bột. Những người không có trách nhiệm không được phép vào ra khu vực chăn nuôi, nên có ủng và mặc quần áo bảo hộ thú y khi vào chuồng.

Trong chuồng nuôi phải thực hiện tốt biện pháp “cùng vào cùng ra” và không được nuôi nhiều đàn, nhiều lứa khác nhau hoặc nhiều loài vật khác như gà, ngỗng, vịt xiêm, chó, heo… chung một chuồng hay chung khu vực chăn nuôi.

Thực hiện "3 sạch" (ăn sạch, uống sạch, ở sạch), lấy phòng bệnh làm chính. Phòng bệnh bằng vacxin.


Khôi phục giống vịt bầu Quỳ ở Nghệ An Khôi phục giống vịt bầu Quỳ ở Nghệ… Mô hình nuôi vịt Biển thích nghi với hạn mặn Mô hình nuôi vịt Biển thích nghi với…