Ồ Ạt Chạy Theo Cam Sành
Sau khi trái cam sành vụ nghịch leo lên mức giá trên 30.000 đồng/kg thì ngay lập tức nhiều nhà vườn ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh đã đổ xô trồng cam sành. Và hậu quả như thế nào thì chưa thể đoán được, nhưng thực trạng hiện nay giá cam sành đã tuột thẳng dốc và chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho rằng, địa phương đang rất lo trước tình trạng người dân sở tại và ở ngoài tỉnh đến Hậu Giang thuê đất trồng cam sành không theo quy hoạch của ngành nông nghiệp. Để đảm bảo tính ổn định trong sản xuất và thị trường cho bà con, ngành nông nghiệp đã quy hoạch diện tích trồng cam sành đến năm 2015 chỉ khoảng 6.000 ha, nhưng hiện nay con số đã vượt trên 7.400 ha. Với tình trạng phát triển quá nhanh, chạy theo thị trường, đến lúc cung vượt cầu thì khó tránh được chuyện trúng mùa rớt giá.
Thực tế ở xã Tân Thành, Đại Thành của TX.Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, phong trào đốn xoài, bỏ mía… để trồng cam sành đang rất mạnh, mặc dù giá cam sành loại 1 đã giảm chỉ còn 8.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Phúc, ở ấp Đông Bình, xã Tân Thành, cho biết: Bây giờ, ở ấp Đông Bình người dân đua nhau “sạ” cam sành với giấc mơ làm giàu. Người có đất thì bỏ vốn trồng cam, người không đất thì đi thuê với giá 3 triệu đồng/1.000 m2, trong thời gian 4 năm, trả tiền một lần. Cách trồng cây là 1 m/cây theo hình vuông, sau một năm trồng là ép cho cây ra trái và chỉ cần cây cho trái 2 năm tiếp theo là đã có lãi. Tuy nhiên, đâu phải nhà nông nào trồng cam sành cũng thắng lớn. Có người trồng sau hai năm là thu hoạch củi. Còn hiện tại, giá cam từ nay đến tết sẽ khó mà tăng vì đã vào vụ thuận và đụng hàng với tất cả các loại cây có múi như bưởi Năm Roi, quít đường.
Ông Nguyễn Văn Thoi, ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho hay: “Khu vực xã Đông Phước bây giờ bà con đang chạy đua với cây cam sành. Bà con trồng dầy dữ lắm, trồng giáp năm là để trái thu hoạch, năm thứ hai là đổ phân, đổ thuốc kích thích để ép cho cây ra trái, năm thứ ba cũng vậy. Theo đó, bà con chỉ cần thu hoạch đậm 2 - 3 vụ là thu đủ cả vốn lẫn lãi. Có nhiều người rất bạo gan là đi mua cam lá của nhiều nhà vườn trồng từ 2 năm tuổi trở lên, cây còn xanh tốt là có giá bạc trăm triệu đồng/1.000 m2, thời gian trong 2 - 3 năm khai thác trái. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà vườn ôm nợ, bán đất, thương lái bỏ của chạy nợ… cũng vì mê cam do cây bị bệnh sau 2 năm trồng”.
Còn ở tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, hơn 120 ha đất trồng lúa được chuyển sang lập vườn trồng cam sành. Việc phá vỡ quy hoạch đất sản xuất lúa đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Người trồng cam sành phần lớn không phải là dân sở tại mà từ nơi khác đến thuê đất để trồng. Ông Nguyễn Văn Tuấn, quê ở xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đang chỉ huy lao động trồng 1 ha cam sành tại ấp La Ghì, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Nhờ có kinh nghiệm trong việc trồng cam sành nên mới dám về Vĩnh Xuân mướn đất ruộng trồng cam.
Chỉ cần cây phát triển tốt thì sau 1 năm trồng, 1 ha thu hoạch khoảng 20 tấn trái, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg là lấy lại đủ vốn đầu tư. So với mướn đất trồng lúa 3 vụ/năm thì hiệu quả gấp 4 lần. Giá thuê đất trồng cam nay đã tăng lên 4 triệu đồng/công, thời gian thuê 5 năm, trả tiền thuê đất một lần. Không chỉ đất trồng lúa ở ấp La Ghì chuyển sang trồng cam sành mà ở khu vực Thới Thuận, huyện Trà Ôn giáp ranh với ấp La Ghì cũng đang được nông dân chuyển đổi sang trồng cam sành rất mạnh.
Ông Nguyễn Phương Bình, cán bộ nông nghiệp xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn, cho hay: Việc nông dân dám đầu tư vốn lớn để trồng cam sành thì bà con cũng đã tính toán rất kỹ hiệu quả kinh tế. Nông dân bây giờ hay lắm, 1.000m2 bà con trồng từ 300 - 350 cây giống, trồng giáp năm là đã có trái thu hoạch thì lấy lại đủ vốn lẫn lời. Và chỉ cần thu hoạch 2 - 3 năm liên tiếp là hốt lợi nhuận ròng.
Ông Nguyễn Văn Đơn, ở ấp Cống Đá có 3.000 m2 đất trồng lúa 3 vụ không thể làm giàu được, thế là năm 2011 ông chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang trồng cam sành, sau hơn 1 năm cây cho trái, hái bán trên 350 triệu đồng. Còn ông Phan Văn Sừng cùng ấp cũng đã chuyển 1,2 ha đất lúa sang trồng cam, sau một năm trồng cây cho quả ngọt, thu trên 1 tỉ đồng, trừ tất cả các chi phí đầu tư vẫn còn lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Theo các nhà vườn, sau một năm trồng cam sành, tỷ lệ cây phát triển tốt 70%/tổng số lượng trồng thì nông dân có lãi, còn tỷ lệ cây bị vàng lá, thối rễ trên 40% thì mới thua. Chính hiệu quả cao nên nhiều nông dân ở Trà Vinh sang Vĩnh Long, người Vĩnh Long thì sang Hậu Giang mướn đất trồng cam sành.
Ông Bình cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã có hơn 54 ha đất trồng lúa được nông dân chuyển sang trồng cam sành, nâng tổng diện tích cam sành trong toàn xã là hơn 286ha. Và phong trào mướn đất trồng cam sành đã và đang diễn ra làm cho địa phương rất khó quản lý. Những nhà nông có một hai ngàn mét vuông đất trồng lúa, không vốn đầu tư trồng cam sành thì chọn phương án cho thuê đất với giá 400 triệu đồng/ha, thời hạn 5 năm, lấy tiền thuê đất một lần. Việc cho người khác thuê đất lúa để trồng cam thì hiệu quả hơn so với giữ lại đất trồng lúa.
Ông Nguyễn Minh Thuấn, Phó Phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn, cho biết: Diện tích cam sành của huyện hiện đã hơn 2.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ, Tích Thiện. Qua báo cáo từ các địa phương, đã có hơn 100ha đất lúa được người dân chuyển sang trồng cam sành không có vùng chuyên canh tập trung. Hiện tại, lúa và cam trồng xen kẽ nhau gây khó khăn cho khâu chăm sóc cả hai loại.
Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân không nên đổ xô trồng cam sành vì đầu ra chưa ổn định. Bên cạnh đó, cây cam sành rất kén đất, đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật cao. Vì thực tế đã có nhiều nông dân trồng cam sành vướng phải dịch bệnh, thu hoạch vào thời điểm giá thấp đã thua lỗ, ôm nợ… Còn ở Sóc Trăng, hiện đã có trên 2.000 ha đất trồng cam sành và cũng có nhiều nhà vườn đang chết dở, sống dở khi sau hai năm trồng, thu hoạch không đủ vốn đầu tư do cây bị bệnh, hư sạch.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ