Mô hình kinh tế Ở Nơi Nhân Giống Hy Vọng

Ở Nơi Nhân Giống Hy Vọng

Ngày đăng 10/12/2014

Ở Nơi Nhân Giống Hy Vọng

Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (sau đây gọi tắt là Trạm Cát Tiến) thuộc Trung tâm Giống thủy sản (Sở NN-PTNT) Bình Định, là nơi chuyên sản xuất giống thủy sản nước lợ và nước mặn. Điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, công việc vất vả, nhưng các cán bộ của Trạm vẫn nỗ lực tạo nên những giống mới, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Kỹ sư Phan Thanh Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản - là Trưởng trạm Cát Tiến từ khi thành lập (năm 2004) đến năm 2009. Ông Việt cho hay, cơ sở của Trạm được tận dụng từ nhà cửa của Xí nghiệp sản xuất tôm giống Cát Tiến trước đây. Cơ sở hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. “Dù vậy, đây vẫn là một trong số ít các trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn hoạt động hiệu quả nhất của cả nước, với việc nghiên cứu được nhiều giống thủy sản mới. Nuôi trồng thủy sản quan trọng nhất vẫn là con giống tốt” - ông Việt không giấu được niềm tự hào.

Những “thương hiệu” của sáng tạo

Ba năm sau ngày thành lập, Trạm Cát Tiến làm nên thương hiệu của mình khi thành công nhân giống cua xanh - sản vật của đầm Thị Nại, nhưng số lượng giảm dần và suy thoái do khai thác quá mức. Chính kỹ sư Việt là người đi tiếp nhận công nghệ nuôi cua xanh tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để “gầy” lại giống cua này. Chỉ 1 tháng sau đó, Trạm Cát Tiến trở thành một trong 5 đơn vị trong nước sản xuất được giống cua xanh.

Ba năm sau, Trạm Cát Tiến tiếp tục thành công lớn với giống hàu Thái Bình Dương. Cũng học hỏi kinh nghiệm từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, bên cạnh thực hiện quy trình kỹ thuật được chuyển giao, các cán bộ của Trạm vẫn thể hiện được dấu ấn sáng tạo của mình. Kỹ sư Lê Tấn Phát, phụ trách Trạm Cát Tiến, cho hay: Tùy theo tình hình thực tế về môi trường, thời tiết, khí hậu, đặc điểm sinh học, chúng tôi có những điều chỉnh phù hợp, chứ không rập khuôn theo kỹ thuật chuyển giao. Quy trình kỹ thuật dần ổn định, mang lại hiệu quả cao. Hiện giờ, mỗi tháng trạm sản xuất ít nhất 70.000 hàu giống, lúc cao điểm lên đến 200 ngàn con.

Bên cạnh cua xanh, hàu Thái Bình Dương, Trạm Cát Tiến còn được biết đến với nhiều giống thủy sản quý, như ốc hương, tôm sú, chình bông, tu hài, cá chẽm. Trạm cũng góp phần lưu giữ nhiều loại giống đặc hữu của địa phương, như cá măng Phù Mỹ. Con giống của trạm ưu tiên cung cấp cho ngư dân trong tỉnh. Cua xanh, cá chẽm, cá bớp, hàu, tôm còn đưa ra các tỉnh duyên hải miền Trung và một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Bây giờ, hàu Thái Bình Dương ở Trạm Cát Tiến “tiếng lành đồn xa”, cạnh tranh ngang ngửa với con giống của các đơn vị nuôi trồng thủy sản lớn trong nước.

Vươn xa

Mùa này điều kiện thời tiết không thuận lợi, Trạm Cát Tiến chỉ còn sản xuất giống hàu Thái Bình Dương và giống cá chẽm; nhiều đơn hàng nằm chờ. Anh Lê Tấn Phát cho biết: Trạm đã cung cấp giống các loại cho nhiều hộ nuôi. Vui nhất là nhiều cơ sở ngoài tỉnh vừa nuôi thương phẩm vừa làm đầu nậu đưa giống cho bà con ở cả “thủ phủ” sản xuất con giống của cả nước như Khánh Hòa, Quảng Ninh.

Anh Trần Đức Tiến, ở thôn Ngãi An, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, nuôi cá chua, tôm sú, tôm thẻ, cua… trên diện tích 4 ha mặt nước đầm Đề Gi. Đầu năm nay, khi Trạm Cát Tiến sản xuất giống tôm sú an toàn sinh học, anh Tiến chi ra 10,8 triệu đồng mua 400 ngàn con giống để thả hai đợt. “Con giống của Trạm Cát Tiến nuôi rất đạt, thời gian nuôi chỉ mất 3 tháng rưỡi. Thả nuôi cùng lúc, nhưng tôm lấy từ Trạm Cát Tiến đã xuất bán, trong khi tôm giống lấy từ nơi khác vẫn còn nhỏ” - anh Tiến cho biết.

Sang năm, ngoài nuôi thêm tôm sú, anh Tiến có kế hoạch nuôi giống hàu Thái Bình Dương của Trạm Cát Tiến. Bây giờ, ở các xã quanh đầm Đề Gi và Thị Nại, bà con hào hứng với hàu Thái Bình Dương; bởi hàu hoàn toàn dùng thức ăn tự nhiên qua việc lọc nước trong đầm, một vốn bốn lời; chưa kể con giống mua ở Trạm Cát Tiến, có bị “nhức đầu sổ mũi” chỉ ới một tiếng là có ngay kỹ sư hỗ trợ.

Mấy chục năm gắn với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Đề Gi, ông Thái Văn Triên (ở xã Cát Khánh) từng thử đủ con giống nuôi trên 1 ha, nhưng sau đó thì “hít” món hàu. Đều đặn mỗi năm ông thả ba lứa, mỗi lứa 70.000 - 80.000 hàu giống. Hôm tôi về Cát Khánh, cũng là lúc ông thu hoạch mẻ hàu mới nuôi 4 tháng rưỡi trước. Cách bờ 10 phút đi đò, trên một cụm khung nổi bằng tre, hàu được đựng trong những chiếc lồng và ngâm trong nước. Nhìn những con hàu trắng đục màu sữa, ông Triên đúc kết: “Giống này phát triển tốt lắm, nhanh thu hoạch, giá giống rẻ hơn mua từ nơi khác. Hàu nuôi tầm này đạt 8-9 con/kg, bán được giá 45.000 đồng/kg. Đây là con giống thủy sản phù hợp để phát triển ở vùng này”.

Kỹ sư Lê Tấn Phát cho biết thêm: Trạm có kế hoạch xây dựng mô hình liên kết nuôi hàu theo chuỗi để làm cầu nối tiêu thụ cho người nuôi hàu thương phẩm. Mình phải thu gom hàu thương phẩm của bà con nuôi từ con giống của Trạm, về xử lý bằng nước sạch và tia cực tím đảm bảo an toàn, cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị để nâng cao giá trị. Đây là chủ trương được bà con hoan nghênh, bởi nhiều người mê con hàu, nhưng lại lo đầu ra sản phẩm.

Chăm hơn con mọn

Đó là khoảng thời gian ở Trạm của 7 kỹ sư thủy sản - gồm 3 nữ, 4 nam, người lớn nhất sinh năm 1981, trẻ nhất mới năm 1993, được chia thành bốn tổ: nhuyễn thể, cá biển, tôm và cua. Mùa hè, nắng nóng hầm hập và sặc nồng hơi cá, tôm. Mưa, lo che, lo đậy, bởi chỉ vài hạt mưa thấm vào bể làm giảm độ mặn sẽ làm hỏng con giống. Đầu tháng này, đêm cuối tuần bão số 4 vào, 4 anh em nam ở lại đội mũ bảo hiểm, quần quật cả đêm canh mấy bể cá, bể hàu.

Mùa này, tổ tôm và cua lo củng cố, vệ sinh bể để chuẩn bị vụ sản xuất mới. Tổ nhuyễn thể và tổ cá vẫn sản xuất con giống. “Nhiệt độ tốt nhất trong bể hàu là 24 - 28oC, nóng quá thì “còi”, lạnh thì không sinh sản được. Hai hôm nay, mấy bận hết đưa ra phơi nắng, lại đưa vào tủ lạnh sốc nhiệt “kích” mãi mà hàu vẫn không đẻ, trong khi khách hàng réo suốt” - kỹ sư Đoàn Văn Quyền, Tổ trưởng tổ nhuyễn thể của Trạm chỉ tay vào mấy rổ hàu đang phơi dưới nắng nhẹ phân bua.

Quy trình sản xuất hàu giống phải trải qua nhiều công đoạn, 2 - 3 tháng mới xong. Anh Quyền bảo, rủi ro giống hàu nhiều vì chỉ dùng nước biển lọc cát (ấu trùng hàu rất nhạy cảm với hóa chất), suốt thời gian nuôi phải tránh sự cố mất khí... Trong khi đó, đối với giống tôm và cua thì cực nhọc hơn khi thời gian cho ăn nhặt hơn rất nhiều, 3 tiếng/lần, chưa kể xử lý men vi sinh 1 - 2 lần.

Nhìn cách Lê Tấn Phú - quê ở thị xã An Nhơn, làm ở Trạm Cát Tiến từ năm 2007 - đứng cả tiếng đồng hồ thả từng “hạt bụi” thức ăn vào bể cá chẽm mới nứt mắt, không ai dám nghĩ anh là kỹ sư điện. Thiếu người, Phú được “biên chế” làm luôn sản xuất giống. “Cực nhất là làm tôm giống, có đợt ở trại cả ba tháng liền, rồi mới được xả trại vài ngày” - anh tâm sự.

“Hôm nào có khách mới thấy các anh mặc áo tươm tất, chứ mọi ngày độc quần đùi thôi. Mùa này còn đỡ, tháng nắng nóng phải phun nước như ở công viên. Cơ sở xuống cấp, rồi gặp nước mặn thì chẳng có thiết bị điện tử nào chịu thấu, ti vi mua được 1 - 2 tháng là hư, máy vi tính thì sáng nào cũng phải hong khô. Nhiều người nộp hồ sơ xin việc, về đây một lần thì chạy “mất dép” - anh Phát tâm tư.

Kỹ sư Phan Thanh Việt cho biết, đã có đề án xây dựng cơ sở mới của Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản tại xã Cát Thành - huyện Phù Cát, nằm trong quy hoạch phát triển sản xuất thủy sản Bình Định đến năm 2020. Theo đề án, diện tích của trạm mới là 10 ha, với cơ sở sản xuất giống, thực nghiệm tất cả các nội dung về giống mới đảm bảo theo quy chuẩn quốc gia.

Nguồn bài viết: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=32&macmp=32&mabb=32597


Đồng Tháp Chuyển Giao Kỹ Thuật Sản Xuất Và Ương Lươn Giống Đồng Tháp Chuyển Giao Kỹ Thuật Sản Xuất… Xuất Hiện Cá Bông Lau Trên Sông Xuất Hiện Cá Bông Lau Trên Sông