Ốc bươu vàng - từ phá hoại thành... nguồn lợi
Nghề không cần vốn
Thuộc diện hộ nghèo, không ruộng đất, 3 thành viên của gia đình ông Trần Ánh Đông (ấp Tân hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) quanh năm sinh sống bằng nghề bắt ốc và lể ốc mướn. Hàng ngày, tranh thủ lúc sáng sớm, ông Đông ra đồng bắt ốc bươu vàng- loài ốc chuyên hại lúa đem về bán và có thu nhập tròm trèm trên 200.000 đồng.
Ông Đông chia sẻ: “Đây là nghề dễ làm, không cần vốn đầu tư, nhưng thu nhập hàng ngày cũng đủ để trang trải cuộc sống trong gia đình. Biết mình sinh sống bằng nghề này, nhiều chủ ruộng trong xóm còn kêu cho bắt ốc trong ruộng, để góp phần bảo vệ mùa màng”.
Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, do nhu cầu dùng ốc chế biến ăn ngày càng phổ biến nên đã làm cho giá ốc tăng mạnh. Hiện nay giá ốc ở mức 4.500 đồng/kg (ốc còn vỏ), tăng hơn 2.000 đồng/kg.
"Thời gian qua nghề bắt ốc bươu vàng ở Phụng Hiệp phát triển mạnh, tuy nhiên người dân chỉ bắt ốc để bán. Ở Phụng Hiệp hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nuôi hay dự trữ ốc bươu vàng. Nếu vì lợi ích kinh tế mà người dân nuôi hay dự trữ ốc để bán, khi phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm”.
Ông Trần Văn Tuấn
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, qua sơ chế 3kg ốc vỏ sẽ cho ra 1kg thịt ốc, nhà nông sẽ giao cho điểm thu gom với giá 19.000 đồng/kg. Do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, nên ở Phụng Hiệp ngày càng xuất hiện nhiều điểm thu mua ốc.
Anh Nguyễn Văn Phát- chủ điểm thu mua ốc ở xã Tân Phước Hưng cho biết: “Hiện nay ở TP.HCM, người dân có nhu cầu lớn sử dụng ốc làm thức ăn nên nguồn hàng rất hút, mỗi ngày điểm thu mua ốc của gia đình thu mua khoảng 1 tấn ốc, qua sơ chế còn lại khoảng 300kg ốc thịt, giao cho đầu mối ở thị xã Ngã Bảy”.
Giải quyết việc làm
Nghề làm ốc ở Phụng Hiệp phát triển mạnh góp phần tạo điều kiện công ăn việc làm cho không ít lao động nông thôn. Trên địa bàn huyện Phụng Hiệp hiện có khoảng 30 điểm thu mua sơ chế ốc (mỗi điểm từ 5-7 nhân công). “Nghề này không cần có tay nghề, chỉ cần chịu khó và siêng năng. Bình quân mỗi người kiếm được 50.000- 70.000 đồng/ngày, những lúc ốc nhiều thu nhập lên đến cả trăm ngàn đồng” – chị Bùi Thị Xuân cho biết.
Bà Trần Thị Lệ ở thị trấn Búng Tàu cho biết thêm: Lúc trước còn sức khỏe thì bà đi làm thuê làm mướn, nhưng giờ lớn tuổi lao động vất vả không thể làm được, nên mới gắn bó với nghề sơ chế ốc.
Ông Trần Văn Tuấn- Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: “Nghề bắt ốc bươu vàng bán ở Phụng Hiệp đã có từ nhiều năm nay, gần đây do giá ốc tăng mạnh nên đã thu hút nhiều nông hộ tham gia. Ốc bươu vàng là một đối tượng phá hoại mùa màng, ở Phụng Hiệp diện tích đất sản xuất lúa trên 20.000ha, cho nên lượng ốc là rất lớn. Việc nhiều người dân tham gia hoạt động bắt và sơ chế ốc bán cũng là điều dễ hiểu, vì công việc này vừa giảm thiểu được tác nhân gây hại cho sản xuất vừa cho thu nhập kinh tế. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại, ốc bươu vàng nếu không kiểm soát tốt, người dân bắt về để nuôi nhằm bán lấy tiền thì còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn. Bởi đây là loài sinh vật có khả năng sinh sôi, nảy nở rất nhanh.
Biện pháp diệt trừ loài ốc gây hại
Ốc bươu vàng luôn tiềm ẩn một sức phá hại rất lớn đối với cây lúa nếu điều kiện ngoại cảnh thuận lợi cho chúng.
Để hạn chế tác hại của ốc một cách chủ động, bà con cần lưu ý một số biện pháp chính:
- Thu gom ốc và ổ trứng: Để hạn chế số lượng ốc ở đầu vụ, bà con nên tổ chức đi thu gom ốc và ổ trứng trên đồng ruộng, xung quanh các ao hồ, kênh rạch công cộng… trước khi gieo sạ lúa.
- Đào rãnh thu gom ốc: Trước khi sạ cấy, nên đào các rãnh nhỏ xung quanh ruộng và những chỗ có nhiều nước trong ruộng để khi nước rút ốc sẽ tập trung vào những đường rãnh này, việc thu bắt chúng sẽ dễ dàng và đỡ tốn kém hơn.
- Dùng lưới chắn ốc: Nên dùng lưới nylon có lỗ nhỏ che chắn kỹ những chỗ có đường nước chảy tự nhiên từ ngoài kênh vào ruộng hoặc những chỗ nhong bơm nước vào ruộng để ngăn chặn ốc từ kênh mương vào ruộng lúa.
- Thả vịt vào ruộng ăn ốc: Trước khi xuống giống, nếu có điều kiện các bạn nên thả vịt vào ruộng để vịt ăn những con ốc nhỏ mà trong lúc đi thu gom chúng ta đã bỏ sót. Khi cây lúa đã lớn nên thả vịt vào ruộng để vịt ăn ốc và một số loại sâu hại thường tập trung ở phần gốc của cây lúa.
- Tăng mật độ sạ cấy: Trước khi sạ, nếu ruộng có nhiều ốc thì phải tăng lượng giống gieo sạ lên từ 5-10% so với những ruộng bình thường khác để trừ hao cây ốc ăn mất sau này. Nếu ruộng cấy thì nên cấy mạ hơi già hơn một chút và cấy nhiều tép.
- Giữ mực nước ruộng phù hợp: Khi cây lúa còn nhỏ dễ bị ốc gây hại, chỉ nên để mực nước ruộng sâu khoảng 2-3 phân để hạn chế bớt sự di chuyển của ốc sang nơi khác.
- Thu gom ốc và trứng ốc thường xuyên: Trong quá trình chăm sóc lúa, nếu thấy có ốc và ổ trứng thì thu gom ngay. Việc này nên làm thường xuyên để tạo thành thói quen.
- Cắm cọc nhử ốc đến đẻ trứng: Dùng cây, que cắm ở những chỗ có nhiều ốc tập trung “dụ” cho ốc leo lên đẻ rồi thu gom trứng để tiêu huỷ, kết hợp với việc thường xuyên thu gom trứng trên bờ cỏ và trên thân cây lúa (định kỳ khoảng 5-7 ngày/lần) trước khi trứng kịp nở ra ốc con rơi xuống nước phát tán đi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ