Tin thủy sản Ổn định nguồn nguyên liệu xuất khẩu nông thủy sản cần hệ thống canh tác thích ứng

Ổn định nguồn nguyên liệu xuất khẩu nông thủy sản cần hệ thống canh tác thích ứng

Tác giả CAO PHONG - NGỌC CHÁNH, ngày đăng 26/05/2016

Ổn định nguồn nguyên liệu xuất khẩu nông thủy sản cần hệ thống canh tác thích ứng

Cá tra: Nông dân chịu thiệt

Trong khoảng 10 ngày đầu tháng 5-2016, giá cá tra đã tăng 1.000 - 1.500 đồng/kg, đạt ngưỡng 22.500 đồng/kg. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5-2016, giá cá tra lại tụt giảm về mức 21.500 đồng/kg.

Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, lý giải về nguyên nhân giá cá tra tăng trong những ngày đầu tháng 5-2016 chủ yếu do nguồn cá tra nguyên liệu do các doanh nghiệp nuôi chưa đến kỳ thu hoạch, nên tập trung mua bên ngoài của dân, đẩy giá cá tra nhích lên. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đã bắt đầu thu hoạch vùng nuôi của chính họ nên giá cá tra bắt đầu giảm.

Theo thống kê của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã chủ động tạo vùng nuôi chiếm đến 80% nguồn cá nguyên liệu, phần nuôi của nông dân chỉ cung cấp 20% nguyên liệu còn lại, nhưng đầu ra và giá cả rất bấp bênh.

Hiện ĐBSCL có khoảng 3.600ha nuôi cá tra, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm. Với mức giá 21.500 đồng/kg vẫn cao hơn hồi đầu năm khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này nông dân chỉ huề vốn, người nuôi giỏi mới có lời chút ít. Sau một thời gian treo ao do giá cá tra trượt dài, nông dân ĐBSCL đã bắt đầu thả nuôi lại cá tra. Song, nhiều nông hộ vẫn thận trọng.

Trước tình hình giá cá tra tăng, có khả năng nông dân lại thả nuôi, bất chấp hậu quả. Trong 5 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc là nước nhập khẩu cá tra nhiều nhất từ Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro; giá cá có thể sụt giảm bất cứ lúc nào nếu phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu. Bài học chăn nuôi heo mới đây vẫn còn nguyên giá trị.

Tôm chết, nguyên liệu khan hiếm

Theo Tổng cục Thủy sản, một số tỉnh ven biển của ĐBSCL do nắng nóng, mực nước đầm nuôi thấp, độ mặn tăng cao (có nơi lên trên 50‰) làm cho tôm giảm sức đề kháng, dễ bị sốc và chết.

Thống kê sơ bộ tại 8 tỉnh ven biển ĐBSCL tính đến giữa tháng 5-2016 đã có khoảng 81.410ha tôm bị thiệt hại. Chỉ riêng ở Cà Mau, tổng thiệt hại trên 260 tỷ đồng. Cũng theo Tổng cục Thủy sản, tôm nuôi bị thiệt hại chủ yếu là vùng nuôi quảng canh, tôm-lúa. Nếu so với thời điểm này năm ngoái, tổng diện tích tôm bị thiệt hại năm 2016 tăng khoảng 14 lần.

Để khắc phục tình trạng này, trong buổi làm việc mới đây với các tỉnh ven biển ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị một số giải pháp: Các địa phương căn cứ tình hình cụ thể, thống kê thiệt hại và đánh giá đúng thiệt hại các loại hình nuôi tôm khác nhau. Những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì các cơ quan của Bộ NN-PTNT cử các đoàn công tác xuống kiểm tra, hỗ trợ. Nếu thấy cần thiết, các địa phương công bố thiên tai trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để hỗ trợ, giúp dân khôi phục sản xuất. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động rà soát lại lịch thời vụ, đặc biệt là tôm-lúa, làm sao đảm bảo cho sản xuất tôm và cả lúa.

Khó khăn về nguyên liệu, song xuất khẩu lại có xu hướng khả quan. Cụ thể, hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đều tăng lần lượt là 12,2% và 4,2% trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, để đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản khoảng 7 tỷ USD trong năm 2016, tăng 6,3% so năm 2015, các doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn. Trong đó, cần duy trì các thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới và tạo được vùng nguyên liệu ổn định.


Mô hình tôm - lúa ở Cà Mau thất bát vì hạn, mặn gay gắt. Ảnh: NGỌC CHÁNH

Liên kết chuỗi giá trị

Cá tra, tôm và gạo là ba mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị nhiều tỷ USD/năm trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, Chính phủ cũng xem đây là ba mặt hàng xuất khẩu mang tầm chiến lược quốc gia. Có thể nói, trong cái rủi của ĐBSCL có cái may. Hạn hán làm thiệt hại khoảng 250.000ha đất sản xuất lúa.

Song nông dân được an ủi phần nào khi từ đầu vụ đông - xuân đến nay giá lúa đang ở mức cao. Giữa tháng 6-2016, lúa tươi được thương lái mua từ 5.000 - 5.600 đồng/kg, lúa khô 5.900 - 6.300 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân đạt lợi nhuận trên 40% giá thành sản xuất.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến nay Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo (con số này chưa cập nhập số liệu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc). Hiện tại, mặt bằng giá chưa có tác động lớn. Tuy nhiên, trong 1 tháng tới khi nông dân thu hoạch rộ lúa hè - thu, diễn biến về mặt bằng giá khó tiên lượng.

Biến đổi khí hậu và việc các đập nước thủy điện trên thượng nguồn được các quốc gia phía trên ra sức xây dựng có thể làm thay đổi lợi thế bấy lâu mà vùng ĐBSCL có được. Sự thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ có thể làm được khi người nông dân được huấn luyện tốt, có hiểu biết và nhận thức đầy đủ những tác động từ bên ngoài và những tác động do mình gây ra.

Việc cần làm ngay hiện nay là các cơ quan nghiên cứu phải kịp thời công bố thông tin và hướng dẫn hệ thống canh tác thích ứng, nhằm ổn định vùng nguyên liệu cho các mặt hàng nông thủy sản chiến lược, bằng cách đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất… như các chuyên gia và các nhà khoa học đã chỉ ra.


Đưa cá rô phi thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực Đưa cá rô phi thành mặt hàng thủy… Thực hư chuyện cá cảnh mắc cạn 10 năm chưa giải quyết Thực hư chuyện cá cảnh mắc cạn 10…