Ông Cửu Nuôi Cua Giữa Phố
Ít người nghĩ rằng, giữa một phường sôi động nhiều nhà máy, xí nghiệp, khai thác chế biến các loại khoáng sản phẩm than, đá vôi, nước khoáng như Quang Hanh lại có một người dân làm giàu từ nuôi trồng thuỷ sản. Ông là Ngô Viết Cửu, bà con hay gọi là Cửu “cua”, bởi vì con cua đã giúp ông có được cơ ngơi như ngày hôm nay...
Người con của biển
Dưới cái nắng gay ngắt giữa hè, chúng tôi được bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân phường Quang Hanh, dẫn đi thăm mô hình nuôi trồng thuỷ sản điển hình của địa phương. Từ QL18 rẽ vào khu 9, men theo con đường nửa đá nửa đất còn gồ ghề chừng hơn 1km, chúng tôi đến đầm nuôi trồng thuỷ sản của gia đình ông Ngô Viết Cửu. Trước mắt chúng tôi hiện ra một hệ thống ao đầm rộng được xây dựng khá kiên cố! Trong suy nghĩ của tôi không bao giờ nghĩ rằng ở đây lại có mô hình nuôi trồng thuỷ sản lớn đến vậy.
Sau vài tiếng gọi của người đưa đường, từ phía bên kia con lạch, một người đàn ông cao gầy với nước da ngăm đen đi thuyền sang đón chúng tôi.
Chị Loan giới thiệu đây là ông Cửu. Chỉ vào con lạch vừa chở chúng tôi qua, ông Cửu kể con lạch này người dân ở đây thường gọi là lạch Hà Lạng (hay Cái Hà Lạng), ngày xưa con lạch này có nhiều con don, con hà to lắm. Vùng này xưa hoang vu ít người ở lắm.
Nhưng hôm nay, tôi đã thấy ngôi nhà mái bằng ba gian kiên cố được vợ chồng ông xây dựng nằm nhô lên trên một vạt đất cao. Đứng ở đây có thể quan sát được một khoảng không rộng lớn, bao quát cả khu đầm lớn nhỏ được bao bọc xung quanh là các dãy núi đá hùng vĩ, đứng sừng sững như bức tranh thuỷ mặc được tạo hoá nhào nặn nên.
Mời chúng tôi vào nhà, nhâm nhi chén trà, ông Cửu chậm rãi kể rằng, ông sinh năm 1959, tại huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên) từ nhỏ tới lớn đã sống gắn liền với nghề sông nước, biết từng luồng lạch của những con sông, cửa biển. Thời bao cấp còn khó khăn ông làm ăn buôn bán trên biển dài ngày, đến gần khi mở cửa thì chuyển ra làm ăn lớn.
Sau đó gặp cơn bão cuốn trôi đi hết cả con tàu cùng khối tài sản. Ông bùi ngùi kể tiếp: May mình còn giữ được mạng sống, nếu không thì chắc cũng đi với con tàu đó rồi (cười). Trở về với 2 bàn tay trắng, vợ chồng ông quyết định rời quê hương, chuyển ra ngoài Cẩm Phả. Đó là năm 1990. Nhờ người quen, ông mua được miếng đất nhỏ ở khu 9 Quang Hanh này để có chỗ “chui ra chui vào”.
Làm giàu cũng nhờ biển
Ông Cửu trầm ngâm: “Đúng là cái số nó vận vào người, không đi biển thì lại gắn liền với biển”. Thời điểm năm 1990, toàn bộ khu Cái Hà Lạng này chỉ mỗi cái lạch và đầm ngập nước, cây sú mọc um tùm, cao hơn đầu người, lúc đó hoang vu lắm, chẳng có người qua lại. Tôi nghĩ rằng, chỗ này thuỷ triều lên nước ra vào hàng ngày, có thể đắp các đầm lại thành ao nuôi được cá.
Thế là bắt tay vào khai hoang, vay mượn thêm năm sau đắp được một cái ao nhỏ khoảng 300m2 lúc đó do không có kinh phí nên chỉ để lấy cá tự nhiên. Năm 1997, tôi xin địa phương đấu thầu toàn bộ khu vực này với tổng diện tích 16ha để nuôi trồng thuỷ sản.
Cứ mỗi năm vừa nuôi vừa cải tạo khai hoang dần, nhưng do không có tiền đầu tư xây dựng kiên cố nên không dám nuôi lớn. Nhưng cứ như thế mãi thì cũng chẳng được, vay mượn anh em bạn bè được một ít, rồi cắm cả bìa đỏ vào để vay ngân hàng, tôi xây 2 ao kiên cố bằng bê tông rộng 7.000m2 để nuôi thâm canh.
Ông cười cười nói: “Chú đừng tưởng nuôi trồng thuỷ sản là dễ! Tuy tôi đầu tư kiên cố vậy, nhưng cũng “vật vã lắm”. Vụ đầu tiên tôi đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi, tuy mình lắm rõ được kỹ thuật nuôi, nhưng tôm thẻ lại không đem lại hiệu quả.
Do nguồn nước ở đây có độ mặn cao nên tôm không phát triển được, nguồn nước để xử lý không có, chi phí lại lớn, nếu đầu tư vào thì lại không có lãi.
Nên chỉ nuôi được một năm, tôi chuyển sang nuôi ghẹ, ghẹ ở đây thích hợp nhưng chỉ nuôi được 2 năm rồi cũng chẳng thấy nó lớn nên lại thôi. Qua tìm hiểu được biết cua và cá song là hai loại có thể nuôi được ở môi trường nước trên, ông Cửu đã sử dụng phần lớn diện tích vào nuôi cua và phần ao còn lại nuôi cá song kết hợp với nuôi lồng bè.
Ông Cửu tâm sự: Cua bể được cái rất thích nghi với điều kiện ở nơi đây! Lúc đầu tôi cũng nghi ngờ hiệu quả của nó, nhưng vụ đầu tôi thấy cua phát triển rất nhanh, một phần vì nơi đây có nhiều con don, con hà, nhiều loại cá tạp làm thức ăn cho cua, độ mặn lại thích hợp nữa, cua lại chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết, cũng như môi trường.
Tôi dành một ao với diện tích khoảng 4.000m2 đưa cua giống vào gột, sau thời gian hơn 1 tháng, khi cua phát triển tương đối, thì tháo cống thả cua ra 2 đầm với diện tích 6ha để cua phát triển tự nhiên.
Trong thời gian gột thì ngày cho cua ăn 2 lần bằng tép, tôm và con don, hà. Khi cua lớn thả ra đầm thì cho ăn hạn chế hơn 2 ngày cho ăn một lần. Thông thường, cua nuôi chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 8 thu hoạch, và sau khi thu hoạch xong tiến hành lấy thêm nước vào, rồi thả đợt khác. Nhà ông một năm 2 vụ, mỗi đợt thả xuống khoảng 1 vạn con.
Ngoài ra, ông còn nuôi hơn 1.000 con cá song, vừa nuôi ao vừa nuôi lồng bè, với tận dụng bãi thuỷ triều lên xuống nên cá song điều kiện phát triển thuận lợi, một năm cho thu hoạch khoảng 1 tấn cá, với mô hình nuôi này, một năm trừ chi phí ông Cửu thu nhập trên dưới 500 triệu đồng.
Thay lời kết
Kết thúc câu chuyện, ông dẫn chúng tôi ra đầm để xem ông bắt cua, ông nói rằng giữa trưa nắng này bắt cua thì khó thật đấy, vì bọn cua này chỉ có đêm và sáng sớm chúng mới bò lên kiếm thức ăn. Mặc dù vậy ông vẫn kiếm cho chúng tôi vài con cua bể. Nói như chị Loan thì “cứ vào đây mọi người biết là nhờ mua hộ vài cân” vì ai cũng bảo cua ở đây ngon nhất.
Tạm biệt chúng tôi, ông Cửu đích thân lái thuyền đưa chúng tôi qua lạch khi nước thuỷ triều xuống cạn. Thuyền có vẻ khó lái hơn ì ạch đi từng tí. Ông Cửu ra sức đẩy. Tôi nghĩ, chỉ lát nữa con thuyền sẽ vào bờ. Với ông Cửu thì còn nhiều khó khăn khác lớn hơn ông đã vượt qua được chứ chuyện vượt qua con sông này thì thấm tháp gì…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ