Mô hình kinh tế Ông Trần Văn Hùng Ấp An Tấn, Xã An Lạc Tây, Huyện Kế Sách Làm Giàu Từ Nuôi Cá Trê Vàng Lai

Ông Trần Văn Hùng Ấp An Tấn, Xã An Lạc Tây, Huyện Kế Sách Làm Giàu Từ Nuôi Cá Trê Vàng Lai

Ngày đăng 06/08/2014

Ông Trần Văn Hùng Ấp An Tấn, Xã An Lạc Tây, Huyện Kế Sách Làm Giàu Từ Nuôi Cá Trê Vàng Lai

Từ UBND xã An lạc Tây (Kế Sách - Sóc Trăng) ngồi phà, chúng tôi đặt chân lên vùng đất nằm giữa sông Hậu có cái tên Cồn Cò (thuộc ấp An Tấn, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách). Tại đây, ngoại trừ con đường đi được lót bằng dal thì hầu hết những phần đất trống đều được người dân trồng nhãn.

Nhiều ngôi nhà cũng được bao bọc bởi những cây nhãn oằn trái, tỏa hương thơm ngào ngạt, đúng với địa danh “Vương quốc nhãn” mà người dân đặt cho. Có lẽ, do ở đây ai cũng trồng nhãn nên khi chúng tôi hỏi thăm nhà ông Trần Văn Hùng nuôi cá trê vàng lai, nhiều người dân đều biết và chỉ rành rọt đường đi đến nhà ông.

Khi chúng tôi tìm tới, đúng lúc ông Hùng đang cho cá ăn. Như một thói quen, chỉ cần dùng chiếc thau nhỏ bằng nhựa gõ vài cái vào thành xuồng thì những con cá trê vàng lập tức ngoi lên mặt nước, há miệng để đón lấy mồi. Với kinh nghiệm 10 năm nuôi cá, nên dù phải vừa di chuyển xuống quanh ao vừa dùng cây xẻng quăng thức ăn cho cá, nhưng chẳng mấy chốc ông đã cho đàn cá ăn xong.

Rửa vội đôi tay, chỉ vào đàn cá còn đang quẫy đuôi tranh ăn, ông Hùng khoe: "Tôi đang nuôi 2 ao, với khoảng 800 kg cá giống, khoảng 1 tháng nữa sẽ thu hoạch, ít gì cũng phải 16 tấn. Với giá hiện nay là 26.000 đồng/kg, tính ra lời khoảng 200 triệu đồng".

Hơn 20 năm trước, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, ông tiếp tục làm cái nghề truyền thống ở xứ Cồn Cò là trồng nhãn. Nghề làm vườn khá nhàn, nên mỗi khi rảnh rỗi, ông còn làm thêm một số nghề phụ để cải thiện thu nhập cho gia đình.

Cứ tưởng cuộc đời ông sẽ mãi gắn bó với nghề trồng nhãn, nhưng đúng là cuộc sống không ai biết trước chữ "ngờ". Đưa mắt hướng về vườn nhãn, ao cá, ông Hùng kể: "Lúc phong trào nuôi cá tra ở đây phát triển mạnh, nên lượng cá bị chết cũng nhiều.

Lúc đó, có người gợi ý cho tôi mua cá trê về nuôi để tận dụng nguồn phụ phẩm từ cá tra chết trộn với vài thứ khác làm nguồn thức ăn cho cá trê. Thấy cũng có lý, nên tôi làm thử lứa đầu tiên trên diện tích 300 mét vuông. Không ngờ lúc thu hoạch lại "ngon" hơn so với trồng nhãn, nên tôi phát triển diện tích ao nuôi lên dần dần, đến nay được 1.200 mét vuông".

Tuy là loài cá dễ nuôi nhưng vẫn cần chú ý đến một số kỹ thuật cho cá phát triển tốt, ông Hùng chia sẻ: "Cá trê vàng lai là loài dễ nuôi, thích nghi được môi trường khắc nghiệt nên chỉ cần nắm bắt được kỹ thuật nuôi, chăm sóc tốt thì tỷ lệ thành công là rất cao. Cá trê ăn tạp nhưng cho ăn quá dư mồi thì nguồn nước sẽ dơ, làm cá bệnh treo râu hoặc lở loét. Muốn cá phát triển tốt, ngoài việc môi trường nước sạch sẽ, cho ăn thức ăn đầy đủ còn cần chú ý đến ao nuôi phải cách xa dân cư, tránh tiếng ồn".

Ông Nguyễn Hoàng Yêm - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Lạc Tây cho biết, trên địa bàn ấp An Tấn hiện chỉ còn 2 hộ nuôi cá trê, những hộ khác đa phần sinh sống bằng trồng nhãn và một số ít nuôi cá tra. Bằng cách hợp đồng lấy phụ phẩm là cá tra đã chết từ một số công ty về chế biến lại thành thức ăn nuôi cá nên ông Hùng tiết kiệm được chi phí đầu vào. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp ông Hùng thành công từ nghề nuôi cá trê lai.

Thuần thục trong quy trình nuôi, trong 10 năm qua, ông chỉ thất bại một vụ duy nhất do năm ngoái nguồn thức ăn cho cá bị khan hiếm. Ngoài ra, tất cả các vụ còn lại đều cho lợi nhuận. Chưa kể thu nhập từ hơn 2000 mét vuông diện tích đất trồng nhãn, mỗi năm ông Hùng thu lợi nhuận từ 3 vụ cá hơn 500 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế của mô hình đã giúp cuộc sống của gia đình ông ổn định, nhưng theo ông Hùng, để mở rộng thêm diện tích ao nuôi thì còn khó vì gia đình thiếu lao động.


Nuôi Tôm Nước Lợ Chưa Căn Cơ Nuôi Tôm Nước Lợ Chưa Căn Cơ Lúa Gạo 'Chảy' Đi Đâu? Lúa Gạo 'Chảy' Đi Đâu?